Welcome
Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp: quy mô tăng mạnh
Quy mô thị trường mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) trong chín tháng đầu năm nay đã đạt 2,67 tỉ đôla Mỹ, vượt xa con số 1,75 tỉ của cả năm 2010 và dự báo sẽ đạt quy mô gấp đôi vào cuối năm nay

Toàn cảnh thị trường mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) Việt Nam trong chín tháng đầu năm nay cho thấy: nhiều yếu tố thị trường đang hỗ trợ cho quy mô M&A tại Việt Nam tăng nhanh và nhiều ngành đang trở thành tầm ngắm M&A của các đối tác nước ngoài, theo khảo sát do bộ phận nghiên cứu StoxPlus thuộc công ty Nexus Group thực hiện và công bố cuối tuần qua.

M&A: kênh bổ sung cho vốn FDI

Nghiên cứu cho thấy, tổng giá trị giao dịch đến từ hơn 60 thương vụ lớn. Nếu trừ đi giao dịch giữa các doanh nghiệp nước ngoài, tổng giá trị ngoại tệ gần 2 tỉ đôla Mỹ đã vào Việt Nam thông qua M&A từ đầu năm đến nay, góp phần hỗ trợ cho cán cân thanh toán tiền tệ của Việt Nam. Nếu hai thương vụ liên quan đến Vietinbank và Vietcombank thành công thì quy mô thị trường này sẽ đạt trên 3 tỉ đôla Mỹ trong năm nay.

Hoạt động M&A chủ yếu từ sự tham gia của các tập đoàn nước ngoài, chiếm tỷ trọng hơn 81%. Vốn đầu tư gián tiếp (FII) vào Việt Nam sau khi âm liên tiếp trong hai năm 2008 – 2009 đã tăng trở lại trong năm nay và đi qua kênh M&A đã đóng góp một phần lớn vào sức tăng trưởng của thị trường. Theo phân tích, triển vọng M&A sẽ tăng mạnh trong năm 2012 nhờ nhiều yếu tố. Trong đó quan trọng nhất là nhiều tập đoàn nước ngoài đã công khai kế hoạch thâm nhập thị trường Việt Nam bằng cách M&A thay cho đầu tư trực tiếp (FDI). Nhiều tập đoàn trong nước đang có chiến lược thâu tóm các doanh nghiệp nhỏ, nhiều công ty khác lại công khai kế hoạch bán công ty con.

Dù lượng vốn FDI vào Việt Nam vẫn tăng trưởng nhưng một phần vốn được dự báo sẽ được chuyển sang dạng M&A trong năm 2012. Nhiều tập đoàn chọn M&A như một chiến lược thâm nhập thị trường nội địa nhanh nhằm tận dụng hệ thống phân phối, cơ sở vật chất, mạng lưới chi nhánh và nguồn nhân lực sẵn có của các doanh nghiệp trong nước.

Tiềm năng M&A từ Nhật và những ngành hàng nóng

Nhật vẫn là đối tác đầu tư mạnh nhất vào Việt Nam qua M&A với trên 236 triệu đôla Mỹ trong chín tháng qua và dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2012. Theo StoxPlus, các tập đoàn Nhật đã quan tâm mở rộng kinh doanh tại Việt Nam bằng việc mua lại cổ phần chi phối trong các ngành hàng tiêu dùng, chủ yếu là thực phẩm, dịch vụ viễn thông, tài chính và công nghiệp. Việc doanh nghiệp Nhật đầu tư qua M&A sẽ tăng mạnh trong xu thế Nhật chuyển dịch sản xuất sang các nước Đông Nam Á và Trung Quốc nhằm hạn chế những rủi ro tại Nhật Bản.

Dữ liệu thị trường cho thấy trong 11 quốc gia có M&A vào doanh nghiệp Việt Nam thì chỉ có một thương vụ từ Trung Quốc nhưng lại là thương vụ có quy mô vốn lớn nhất: C.P. Pokphand mua 70,8% C.P Việt Nam. Tuy nhiên số tiền từ thương vụ này không trực tiếp sử dụng cho doanh nghiệp tại Việt Nam. Vị trí thứ hai thuộc về các định chế tài chính quốc tế có trụ sở tại Mỹ. Tuy nhiên xét về dòng tiền trực tiếp vào Việt Nam thì các tập đoàn từ Nhật dẫn đầu với tổng giá trị thương vụ lên đến 236 triệu đôla Mỹ. Các công ty Nhật đã tham gia vào nhiều ngành từ tài chính, bất động sản, truyền thông, thực phẩm, hàng tiêu dùng... Theo tính toán, nếu thương vụ giữa hai ngân hàng Mizuho và Vietcombank trị giá 560 triệu đôla Mỹ thành công trong năm nay sẽ đánh dấu một năm có dòng tiền kỷ lục từ Nhật vào Việt Nam thông qua M&A.

Lĩnh vực đầu tư của các doanh nghiệp Nhật cũng là xu hướng của đa số đối tác quan tâm đến thị trường Việt Nam. Top sáu ngành nằm trong tầm ngắm M&A hiện nay là ngân hàng; thực phẩm và đồ uống; hàng tiêu dùng; bán lẻ; dược phẩm; kho bãi và hậu cần; xây dựng và vật liệu. Tất cả các thương vụ M&A theo hình thức đầu tư của nước ngoài thời gian qua gắn với thương hiệu tốt hoặc có lợi thế nhất định ở thị trường trong nước, thông thường nằm trong top 5 dẫn đầu thị trường. Khảo sát cũng dự báo những ngành mới nổi sẽ có “tính thị trường” cao cho hoạt động M&A tại Việt Nam sắp tới là internet và thương mại điện tử. Điều này thể hiện qua việc nhiều công ty hoặc trang web có giá trị hàng chục triệu đôla Mỹ đã được đầu tư với chiến lược rõ ràng trong việc thu hút các đối tác trong và ngoài nước.

Bất động sản, thép, thuỷ sản... ế

Ở nhiều ngành, các chủ doanh nghiệp muốn thoái vốn đầu tư và chuyển nguồn lực sang ngành khác, nhưng lại không có nhiều sự quan tâm của các tập đoàn nước ngoài. Ví dụ như ngành bất động sản, thép, thuỷ sản, quản lý quỹ và công ty chứng khoán. Việc M&A trong nhóm ngành này, vì thế, nếu thành hiện thực sẽ chủ yếu là giao dịch giữa các công ty trong nước, nhất là ximăng, mía đường, thuỷ sản, xây dựng…

StoxPlus nhận định khung pháp lý chi phối hoạt động M&A hiện phân tán ở bảy bộ luật khác nhau, tuy nhiên mục tiêu chính của khung pháp lý cho hoạt động M&A như ở nhiều quốc gia khác là nhằm chống độc quyền về giá và bảo vệ người tiêu dùng lại chưa được đề cập cụ thể tại Việt Nam. Chính vì thế, thị trường đã xuất hiện nhiều thương vụ dẫn đến nguy cơ độc quyền, như đối tác Trung Quốc sau khi M&A với C.P. Việt Nam đã nắm đến 77% thị phần thức ăn nuôi heo công nghiệp, 30% thị phần thức ăn cho gà tại Việt Nam.

Một điểm cần lưu ý khác, nhiều giao dịch M&A thời gian qua công bố mức giá cao hơn 50%, thậm chí 100% giá cổ phiếu đó trên thị trường trong cùng thời điểm, tuy nhiên các điều khoản chi phối câu chuyện định giá lại không được hai bên công bố do những ràng buộc về bảo mật. “Nhà đầu tư cá nhân phải thật thận trọng với các thương vụ liên quan đến những giao dịch dạng này”, đại diện StoxPlus khuyến cáo.

Tuyết Ân
SGTT
22/09/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Câu chuyện Thương hiệu VINASUN TAXI
      Sẽ đồng loạt giảm lãi suất cho vay 1% trong vài ngày tới
      Sữa Trung Quốc tràn lan ở Việt Nam
      TPHCM: Xây dựng tuyến metro đầu tiên tại Việt Nam
      LAY'S
      Văn phòng làm việc – nơi thể hiện phong cách, cá tính của doanh nghiệp
      Làng nghề bột gạo Sa Đéc (P2)