Welcome
Làng nghề bột gạo Sa Đéc (P2)
Bài 2: Có thương hiệu: cuộc hành trình chưa thấy bến Nếu không sớm xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh, có thể ngày nào đó làng nghề bột gạo Sa Đéc sẽ lại ngậm ngùi như nước mắm Phú Quốc bị nước ngoài đăng ký mất thương hiệu. Đồng thời, cần nhanh chóng thay đổi sản xuất theo hướng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và vận động ý thức bảo vệ môi trường, để tôn tạo hình ảnh làng nghề.

Nhiều cơ sở ở Sa Đéc đã nghĩ đến chuyện làm thương hiệu bột. Chẳng hạn như Lộc Sánh. Và các doanh nghiệp ở TP.HCM chuyên sản xuất các loại bột làm bánh, nui, hủ tíu, phở, làm kẹo, bánh… đã lấy bột khô của Lộc Sánh về chế biến.

Đã nghĩ đến chữ tín của làng bột

Mấy năm gần đây, Lộc Sánh còn xuất bột đi Úc, Đài Loan, châu Âu. Ông Bùi Hữu Lộc, chủ cơ sở Lộc Sánh cho biết, đã nghĩ đến chuyện xây dựng nhãn hiệu bột. Trên biểu tượng bột Lộc Sánh có hình hai nhánh lúa và số một la mã ở giữa.

Có khoảng 20% số hộ ở làng nghề chuyên làm bột tươi, cung cấp một phần cho những công ty lớn ở Đồng Tháp như Hoà Hưng, Bích Chi, Sa Giang và các lò bún, hủ tíu tươi mỗi ngày, một phần bán cho thương lái chở bán cho các tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cà Mau... Ở công ty Hoà Hưng, có 50 hộ đầu mối cung cấp 10 tấn bột tươi mỗi ngày cho Hoà Hưng. Công ty đưa ra tiêu chuẩn, kiểm tra chất lượng trước khi cho vào nhà máy.

Từ việc kiểm tra đầu vào nguyên liệu rất kỹ của các công ty sản xuất sản phẩm chế biến mà các hộ làm bột gạo dần dần ý thức chịu trách nhiệm về chất lượng bột. Ông Hồ Văn Hạnh là người tiên phong trong việc làm bao bì đựng bột tươi có nhãn hiệu “Ba Hạnh” ghi rõ nơi sản xuất, hạn sử dụng. Mỗi ngày riêng gia đình ông làm khoảng 1,5 tấn bột tươi, thu mua thêm của bốn hộ khác nữa. Ông Hạnh nói những mối hàng ở các tỉnh yêu cầu ông cam kết chất lượng, truy nguyên nguồn gốc. Ông nghĩ xu hướng trong tương lai, muốn giữ mối lâu dài phải học làm ăn bài bản.

Loay hoay chuyện môi trường, quy hoạch

Những người tâm huyết với làng nghề đều ước mơ một ngày nào đó thương hiệu “bột gạo Sa Đéc” chính thức có pháp lý công nhận, chứ như hiện nay danh tiếng chỉ là truyền miệng, không có giá trị để quảng bá tăng tính cạnh tranh và bảo hộ làng nghề. Có thương hiệu làng nghề sẽ thuận lợi hơn cho từng hộ sản xuất. Tuy nhiên, muốn tôn hình ảnh làng nghề, các hộ phải ý thức quy chuẩn hoá cơ sở sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm và vận động nhau bảo vệ nguồn nước sông đặc biệt đã nuôi sống làng nghề.

 

“Bột gạo có thể là thế mạnh thứ hai của Việt Nam sau gạo nếu như làm cho thế giới biết bột gạo Việt Nam chế biến được hàng trăm món ăn ngon”.

chuyên gia kinh tế Nguyễn Văn Sơn

Các hộ làng nghề đang lo lắng về nguồn nước biến đổi mấy năm gần đây, mực nước sông ngày càng giảm, chất lượng nước bị giảm theo. Ông Giàu đã lên tiếng lưu ý: “Các hộ có đưa nước sông lên lắng lọc, nhưng do nhà chật hẹp, lu, hồ chứa ít, nên để kịp nước làm bột, người ta quậy phèn cho mau trong. Chính phèn làm thay đổi độ pH trung tính trời cho của nguồn nước sông Sa Đéc, dễ làm bột bị chua”.

Tham quan một số hộ làm bột, chúng tôi thấy nước thải sản xuất và sinh hoạt chảy thẳng ra rạch khá nhiều, trong đó có cả nước xả từ khu vực nuôi heo. Đại diện phòng kinh tế thị xã Sa Đéc cho biết, tình trạng chung hiện nay của các hộ làm bột và chăn nuôi heo là chưa có hầm biogas hoặc có thì quá tải. Các hộ không đủ đất để đưa chất thải từ hầm biogas qua khu xử lý sinh học trước khi thoát ra hệ thống kênh rạch. Trước đây, một số hộ có liên hệ với hợp tác xã Tân Phú Đông để hút chất thải trong hầm về khu quy hoạch xử lý. Thế nhưng, hiện nay thiết bị hút chất thải này (do sở Khoa học và công nghệ Đồng Tháp chuyển giao cho Sa Đéc cách nay năm năm) đã hư. Thị xã Sa Đéc có báo cáo kiến nghị thay thế thiết bị, nhưng chưa được duyệt, mà để chờ một dự án xử lý ô nhiễm môi trường cấp bộ triển khai.

Đề án “Nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện môi trường sản xuất bột ở thị xã Sa Đéc đến năm 2010” đã sắp hết thời hạn, mọi chuyện về môi trường, quy hoạch lại làng nghề, đổi mới thiết bị sản xuất cho các hộ qua năm năm từ khi triển khai đề án đến nay vẫn còn bề bộn. Địa phương muốn quy hoạch 40 – 50ha đất tại xã Tân Phú Đông ở vị trí cách xa khu dân cư làng nghề hiện nay để tập trung các hộ sản xuất về đây. Bên cạnh đó, quy hoạch một khu chăn nuôi tách khỏi khu sản xuất bột. Quy hoạch như thế để sắp xếp lại sản xuất bột theo hướng vệ sinh thực phẩm và kiểm soát ô nhiễm môi trường dễ dàng hơn.
 
23/08/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Toyota
      Siêu thị điện máy nhiều kế bẫy khách hàng
      Brabus Smart Fortwo cũng “độ”
      Standard Chartered: Việt Nam nên cẩn trọng với tái lạm phát
      Sứ mệnh của một doanh nghiệp
      Làm event triệu đôla thời khủng hoảng
      SEO - cách tiếp thị online rẻ nhất, hiệu quả cao