Welcome
Nhà thuốc đạt chuẩn cũng bán thuốc quá "đát"
Cả trăm loại thuốc quá hạn, trong đó có những loại thuốc trị loét dạ dày, đau đầu, trị viêm gan siêu vi hết hạn từ năm 2009 vẫn được bày bán. Thậm chí, nhà thuốc còn “gia hạn” sử dụng để bán cho bệnh nhân.

Hiện tượng này đang diễn ra ngay cả tại nhà thuốc đạt chuẩn GPP và hệ thống nhà thuốc khổng lồ ở TPHCM.

Trong khi ngành chức năng đang tiến hành xử lý hàng trăm loại thuốc đã hết hạn sử dụng bán tràn lan tại hệ thống nhà thuốc Mỹ Châu ở TPHCM, tin từ Thanh tra Sở Y tế TPHCM cho biết có nhà thuốc đạt chuẩn GPP cũng bán hàng chục loại thuốc hết hạn.

Thương hiệu xịn, vẫn bán thuốc quá "đát"

Bên ngoài nhà thuốc hoành tráng có thương hiệu Thanh Quý ở 608 Nguyễn Chí Thanh, quận 11 là những biển hiệu với dòng chữ nhà thuốc đạt chuẩn GPP- nhà thuốc thực hành tốt, to tướng. Tuy nhiên, bất ngờ kiểm tra nhà thuốc này Thanh tra Sở Y tế TPHCM phát hiện 91 loại thuốc đã hết hạn sử dụng vẫn bán cho người bệnh.

Một cán bộ thanh tra cho biết các loại thuốc hết hạn gồm thuốc trị loét dạ dày, kháng sinh, chóng mặt, đau đầu, thậm chí có cả thuốc đặc trị viêm gan siêu vi… đã hết hạn dùng từ năm 2009. Thuốc này vẫn đều đặn bán cho người bệnh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhà thuốc này lấy “mác” đạt chuẩn GPP lại nằm gần BV Chợ Rẫy nên dễ dàng đánh lừa bệnh nhân khi đến mua thuốc. Vụ việc đã được thanh tra báo cáo lãnh đạo Sở Y tế xem xét xử lý.

Nhà thuốc Mỹ Châu, nơi bán thuốc quá hạn sử dụng (Ảnh: Lê Nguyễn)

Nhà thuốc Thanh Quý chẳng thấm tháp gì với hệ thống 18 nhà thuốc lớn nhất TPHCM có tên Mỹ Châu. Kết luận ngày 9-4 từ Chi cục Quản lý thị trường TPHCM về sai phạm tại hệ thống nhà thuốc Mỹ Châu và Công ty dược Minh Phúc do bà Lê Thị Mỹ Châu làm Chủ tịch HĐQT, cho thấy hàng loạt hành vi tại đây đã bị phơi bày. Nhiều nhà thuốc trong hệ thống Mỹ Châu bán cả thuốc quá hạn, không nhãn mác nhiều năm nay lừa người bệnh.

Sự việc vỡ lở khi ngày 7-1, Đội Quản lý thị trường 2A và Quản lý thị trường các quận đồng loạt kiểm tra phát hiện tại nhà thuốc Mỹ Châu 10 bày bán thuốc Pantonim Kit hết hạn sử dụng, nhà thuốc Mỹ Châu 4 bán thuốc Acemon Enfant và men tiêu hóa Dobio Granules cũng hết hạn.

Qua kiểm tra các nhà thuốc Mỹ Châu 1, 3, 6, 7, 8 và tại kho 147B Trần Hưng Đạo, quận 1, có tới 62 mặt hàng với hàng ngàn chủng loại sản phẩm không có nhãn phụ tiếng Việt theo quy định…
Sửa hạn sử dụng, lừa người bệnh

Theo Chi cục quản lý thị trường (QLTT) TPHCM, ngay sau khi kiểm tra tại quầy thuốc số 1 K1-K2 của Công ty TNHH dược phẩm Tiến Minh ở Trung tâm Dược phẩm Tô Hiến Thành, Đội Quản lý thị trường 4A phát hiện tới 7 danh mục thuốc tây ngoại nhập không có hóa đơn chứng từ, mặc dù trên sản phẩm thuốc có số lô sản xuất, hạn sử dụng, số đăng ký, tên công ty sản xuất và nhập khẩu.

Đoàn kiểm tra còn phát hiện 19 danh mục thuốc tây ngoại nhập khác của Công ty TNHH Tiến Minh cũng không có hóa đơn chứng từ, và trên sản phẩm không thể hiện số lô sản xuất, số đăng ký do Cục Quản lý dược cấp. Công ty TNHH Minh Tiến đã bị xử phạt 4 triệu đồng và buộc tiêu hủy 19 danh mục thuốc không được phép lưu hành.

Mới đây ngày 9-4, Chi Cục QLTT TPHCM cũng hoàn tất việc tổng hợp những sản phẩm thuốc tân dược đã hết hạn sử dụng của Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Đông Phương ở phường Bến Thành, quận 1.

Được xem là một trong những hệ thống nhà thuốc lớn nhất TPHCM, nhưng Mỹ Châu lại bán thuốc quá đát (Ảnh: Lê Nguyễn)

Trước đó, Đội Quản lý thị trường 5A đã phát hiện hàng chục ngàn chai thuốc Sioplex Lysine 100ml do Ấn Độ sản xuất hết hạn sử dụng nhưng Công ty Đông Phương cho bóc nhãn để ghi hạn mới và xuất bán.

Chi cục QLTT đã kiến nghị xử phạt tổng cộng Công ty Đông Phương 20 triệu đồng và tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề đối hành vi kinh doanh thuốc quá hạn.

Trong khi ngành chức năng đang làm rõ hành vi vi phạm của Công ty TNHH Dược phẩm Đông Phương do đang “lên  đời” hơn 2.000 thùng thuốc tây quá đát của các nhãn hiệu Sioplex, Dardum, Onfran, Duonasa... để bán ra các nhà thuốc, Công an TPHCM lại tiếp tục bắt giữ một vụ làm thuốc giả khác.

“Đường dây làm thuốc giả” của Công ty Cổ phần tân dược Việt - Pháp, ở 46 Nguyễn Giản Thanh, phường 15, quận 10, do Huỳnh Ngọc Quang làm giám đốc điều hành lên một phương thức sản xuất rất tinh vi. Đường dây này mua tân dược sản xuất trong nước dạng vỉ hoặc viên, sau đó đặt in ấn bao bì, vỉ nhôm ép thành thuốc ngoại nhập, bán ra thị trường thu lợi gấp nhiều lần. Hiện cơ quan chức năng đã tạm giam 14 bị can liên quan

13/04/2010
  CÁC TIN KHÁC
      10 thảm họa thương hiệu năm 2010
      Hàng Việt : Tránh nhập nhằng
      Google vẫn “trụ” lại Trung Quốc nhưng cáo buộc “bức tường lửa” đã gây tổn thất cho hãng
      Khánh thành nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ Quế Lâm
      Bà Rịa – Vũng Tàu: Kiến nghị thu hồi 3 dự án thép
      Thu hút đầu tư: Giáo dục dẫn đầu, bán lẻ rớt hạng
      Thông tư 20 và nguy cơ phá sản của các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô