Welcome
Nhận diện những thách thức mới
Đã mười lần hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) về Đà Nẵng, hàng hoá trong hội chợ đã không còn lạ với người Đà Nẵng, thậm chí ra hiệu tạp hoá đầu ngõ, chạy xe xuống phố hay vào siêu thị nào đó là đã có đủ mặt hàng của trong 200 doanh nghiệp HVNCLC với 500 gian hàng đang có mặt lần này. Thế nhưng thật bất ngờ, ngay sáng 16.8 (trong khi 18 giờ mới chính thức khai mạc) người Đà Nẵng đã nườm nượp kéo đến hội chợ

Gặp một số người quen đi hội chợ sớm chúng tôi thấy có người ở tận đầu bên kia của thành phố cũng đã có mặt trước giờ khai mạc và khệ nệ những gói hàng lớn. Ông Hứa Tự Anh, giám đốc trung tâm thương mại Đà Nẵng nói: “Hội chợ HVNCLC đã trở thành một sự kiện lớn được trông đợi hàng năm của người dân Đà Nẵng.

Đối với người tiêu dùng, đây không chỉ là một dịp mua sắm, vui chơi mà còn được tìm hiểu nhiều thông tin về hàng hoá, được tư vấn kiến thức tiêu dùng miễn phí từ chính các nhà sản xuất Việt Nam. Hội chợ cũng giúp các doanh nghiệp địa phương tại Đà Nẵng có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các doanh nghiệp đạt danh hiệu HVNCLC.

Hội chợ đã tạo một hiệu ứng to lớn trong việc thúc đẩy tâm lý sử dụng hàng Việt nơi người tiêu dùng. Ước tính cho đến nay, hàng Việt đã chiếm khoảng 80% thị trường Đà Nẵng”.

Yêu cầu mới

Anh Hồ Duy Lệ, nguyên tổng biên tập báo Quảng Nam đã nghỉ hưu, cùng gia đình đi hội chợ sớm, nói: “Tôi đi hội chợ không phải để mua sắm mà đi để xem, để ngắm nhìn hàng hoá Việt Nam là chính. Hàng hoá đã đẹp lên và chất lượng là đáng tin cậy. Thế nhưng nhìn chung sao vẫn cứ nghèo nàn quá, nhìn đi nhìn lại, từ hồi mới có HVNCLC đến giờ cũng vẫn chừng đó thứ, bút bi, văn phòng phẩm, nước mắm, nước tương, mì gói, vài hãng quạt, đồ nhựa, áo quần, dược phẩm... Hãy cứ hình dung thế này, nếu người Nhật, người Hàn mà làm hội chợ thì họ sẽ trình bày thứ gì? So sánh dĩ nhiên là khập khễnh. Thế nhưng tại sao nền sản xuất hàng hoá tiêu dùng Việt Nam chậm phát triển đến vậy?”

Thực tế là danh sách HVNCLC có nhiều sản phẩm điện tử cao cấp, hàng trang trí nội thất rất đẹp, dĩ nhiên không bằng hàng Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng cũng phải thừa nhận anh Hồ Duy Lệ nói đúng. Ngay cả những người tổ chức HVNCLC cũng không thôi trăn trở về chuyện này. Và vì thế hội Doanh nghiệp HVNCLC đã tiến hành dự án phát triển sản phẩm mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm. Sắp tới sẽ sớm nắm bắt chính sách ưu đãi của Chính phủ với công nghiệp phụ trợ nhằm từ đó có những sản phẩm mới một cách rẻ hơn, nhanh hơn. Và một trong những nỗ lực đầu tiên là “Ngôi nhà triển lãm sản phẩm mới” nhằm giới thiệu các sản phẩm mới thuộc các doanh nghiệp HVNCLC ngay trong hội chợ lần này ở Đà Nẵng. Đây là một không gian để khách tham quan thư giãn và chiêm ngưỡng các sản phẩm mới lạ, đặc sắc. Đặc biệt, từ 18 – 20 giờ, tại đây sẽ diễn ra “Giờ vàng sản phẩm mới” – bán sản phẩm mới với nhiều khuyến mãi và quà tặng đi kèm.

Cố gắng vượt qua khó khăn

Nếu hai, ba năm trước nỗi lo của doanh nghiệp là sự cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập thì nay, sau WTO, đại diện công ty nhựa Duy Tân nói: “Chúng tôi đã tự tin hơn, không ngại cạnh tranh sòng phẳng, thậm chí chúng tôi cũng đã xuất hàng sang Campuchia, thị trường lâu năm của hàng nhựa Thái Lan. Nhưng khó khăn là không kể xiết”.

Cụ thể hơn, ông Phan Hải, giám đốc công ty giày dép BQ, một doanh nghiệp giày dép trẻ đang phát triển rất mạnh ở miền Trung, tham gia hội chợ lần này với chia sẻ: “Các doanh nghiệp ở Nhật, Mỹ vay tiền ngân hàng để sản xuất với lãi suất gần 0%, trong khi đó các doanh nghiệp ta phải vay với lãi suất gần 20%. Có thể nói ta thua ở ngay điểm xuất phát. Sản phẩm làm ra cũng không dễ bán trong tình hình người tiêu dùng đang thắt lưng buộc bụng hiện nay. Lương công nhân lo bữa ăn cho gia đình thôi đã không đủ, sao còn nghĩ đến chuyện khác. Hàng hoá thiết thân gì cũng hoãn lại để đó mua sau. Chưa nói chuyện các doanh nghiệp đang thiếu nhân lực giỏi, kém về sức mạnh thương hiệu, công nghệ đổi mới nhiều vẫn không theo kịp công nghệ kỹ thuật hiện đại của nước ngoài. Chính vì vậy, những hội chợ như thế này sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này. Phải tồn tại cái đã, đừng để phá sản dẹp tiệm trước khi nghĩ đến phát triển hoặc nói đến việc gì khác”.

Và có thể nói, chính từ sự sẻ chia với những khó khăn đó của các doanh nghiệp, ban tổ chức hội chợ HVNCLC 2011 ở Đà Nẵng đã lấy chủ đề “Tiếp sức hàng Việt với sản phẩm mới” nhằm góp sức đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng

Trung Hưng
SGTT
18/08/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Đã xuất hiện Nokia E63 màu trắng tại Việt Nam
      Năm quan niệm sai lầm về quảng cáo B2B
      Dùng tiền quỹ bình ổn... chưa ổn
      Đăng ký thương hiệu ở nước ngoài theo cách nào?
      TP HCM: 5 biện pháp bình ổn giá
      Thăng Long – Hà Nội thời đại Hồ Chí Minh: Những năm tháng quật cường
      Lao động nữ ở nước ngoài đang chịu nhiều thiệt thòi