Welcome
Tuần lễ hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội 2010 : Nghìn năm tinh hoa
Bắt đầu từ ngày 4 – 9/08/2010, tại Cung văn hóa Lao động Hữu nghị Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội và Cty cổ phần ABIX tổ chức triển lãm “Tuần lễ hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội 2010” với chủ đề “Nghìn năm tinh hoa”. Đây là các hoạt động xúc tiến xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ mà còn chú trọng tới công tác quảng bá văn hóa truyền thống của các làng nghề Hà Nội.

Tuần lễ thu hút sự chú ý và tham gia của rất nhiều các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tiêu biểu và nghệ nhân, thợ giỏi từ các làng nghề nổi tiếng của Thủ đô. Khách tham quan chính của tuần lễ là các nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán lẻ đồ thủ công mỹ nghệ nước ngoài, các Công ty cung ứng thiết bị, dịch vụ phục vụ ngành thủ công mỹ nghệ, các tổ chức lữ hành trong và ngoài nước tìm kiếm cơ hội phát triển du lịch làng nghề…
 
Hà Nội hiện nay có khoảng 1.270 làng nghề truyền thống với số lượng lao động trong ngành thủ công mỹ nghệ trung bình chiếm 65% dân số trong mỗi làng nghề. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của “đất trăm nghề” kết tinh được sự khéo léo, tài hoa, tính tỉ mỉ và cả tâm hồn của người thợ thủ công trong từng đường nét, chi tiết. Tất cả những tinh hoa này đều được gìn giữ, lưu truyền và phát triển từ đời này sang đời khác. Các làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống tại Hà Nội hiện nay đang xây dựng thương hiệu riêng cho mình, đưa giá trị văn hóa, kinh tế, xã hội của mỗi làng nghề lên một tầm cao mới.
 
Nếu như trước khi Hà Nội mở rộng, mọi người biết tới một Hà Nội xưa với gốm sứ Bát Tràng, đồ gỗ mỹ nghệ Vân Hà, đúc đồng Ngũ Xã, dát quỳ vàng bạc Kiêu Ky… thì sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, mọi người đã biết đến vùng đất này với các làng nghề thủ công mỹ nghệ mang đậm dấu ấn truyền thống như làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, khảm trai Chuôn Ngọ, mây tre đan Phú Vinh… Tuy vậy, nếu nhìn sang các nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan, Lào… có thể thấy các mặt hàng thủ công của họ kết đọng những yếu tố văn hoá phi vật thể thuộc hàng số một.
 
Theo điều tra của Viện Asia SEED – Nhật Bản, hiện nay Việt Nam có khoảng 1.270 làng nghề, với doanh thu hàng năm đạt 3 tỷ USD, trong đó XK đạt 0,3 tỷ USD. Tuy nhiên, làng nghề Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề như: Khả năng tổ chức quản lý, thiết bị và nguồn lực tài chính, kiến thức thị trường, kỹ năng marketing, cơ sở hạ tầng và kỹ thuật công nghệ còn thiếu và yếu. Thậm chí, chất lượng sản phẩm còn chưa đồng đều, mẫu mã sản phẩm không phù hợp, còn nhái những sản phẩm nước ngoài. Rõ ràng, bản thân những người làm nghề thủ công không thể có điều kiện khảo sát nhu cầu khách hàng, trong khi đó, chúng ta đã hình thành khá nhiều tổ chức, hiệp hội làng nghề… phải là cầu nối giới thiệu sản phẩm của các làng nghề tới người tiêu dùng trong nước và hướng tới thị trường xuất khẩu.
 
Được biết, ngành thủ công mỹ nghệ Hà Nội đang hướng tới mục tiêu đạt 15% tổng giá trị sản phẩm công nghiệp nhẹ Hà Nội vào năm 2015.

Diễm Hương

Theo dddn.com.vn

30/07/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Cải cách thủ tục hành chính: Giảm thủ tục khi chuyển đổi mô hình doanh nghiệp
      Xerox - Giải pháp cho các nguồn dữ liệu
      Tìm thương hiệu cho làng nghề
      Nghiên cứu thị trường: Cờ đã đến tay?
      Đâu chỉ là chuyện của Kangaroo
      Chiêu hút khách của “Quả táo”
      Thị trường bất động sản Hà Nội : Tác động từ phía Tây