Welcome
Khi kinh doanh vì cộng đồng
Chia sẻ cùng CEO Café kỳ này là những suy nghĩ của ông Jimmy Phạm – Giám đốc Trung tâm đào tạo KOTO Việt Nam – về khái niệm vẫn còn mới mẻ “doanh nhân xã hội”.

Làm giàu = hạnh phúc trọn vẹn?

Câu chuyện về tổ chức KOTO (Know One Teach One) tại Việt Nam có lẽ xuất phát từ chuyến ghé thăm quê hương của một người con xa xứ, rốt cục chuyến thăm ấy kéo dài tới 14 năm. Trong quãng thời gian ấy, đã có hơn 400 trẻ em đường phố được nuôi và dạy nghề để có thể tự thay đổi cuộc đời mình tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn. Con số phần nào phản ánh được sự phát triển của một doanh nghiệp xã hội hiếm hoi và mới mẻ như KOTO: 1999: 9 em; 2000: 20 em; 2002: 30 em và từ năm 2007 tới nay: 100 em.

Với sự hỗ trợ của KOTO International và những đối tác đào tạo có uy tín nước ngoài, chương trình đào tạo 2 năm của KOTO Hanoi “hoành tráng” đáng ngạc nhiên bao gồm: đào tạo ngoại ngữ (tiếng Anh), đào tạo kỹ năng bếp và phục vụ, thực tập tại nhà hàng (2 tháng) và khách sạn (1 tháng), hoạt động thể thao phối hợp với trường quốc tế Unique – Ciputra (thứ Tư hàng tuần), giảng dạy văn hóa (thứ Hai hàng tuần), chương trình dã ngoại – du lịch hàng năm. Bên cạnh đó là chế độ ăn ở chu đáo không kém với 5 nhà ở, mỗi nhà 20 em, mỗi phòng 4 em và có bố mẹ nuôi phụ trách mỗi nhà. Điều này lý giải vì sao 100% số trẻ em đường phố mà trong đó có tới 30% từ các trại giáo dưỡng sau 2 năm được KOTO tiếp nhận, đào tạo đều có được việc làm tại các nhà hàng, khách sạn lớn. Nhìn vào những con số, khó mà hình dung nổi những khó khăn KOTO Hanoi phải trải qua trong quá trình cảm hóa và đem tới cơ hội cho không ít phần tử vốn được xã hội coi là “hết thuốc chữa”.

Quyết tâm và những thành tựu bước đầu của ông Jimmy Phạm khiến chúng ta liên tưởng tới phát ngôn nổi tiếng của Muhammad Yunus – Sáng lập viên Grameen Bank, Chủ nhân giải Nobel vì Hòa bình 2006: “Tôi khuyến khích các bạn trẻ trở thành doanh nhân xã hội và đóng góp cho thế giới thay vì chỉ làm giàu cho riêng mình. Làm giàu cho riêng mình sẽ không đem lại hạnh phúc trọn vẹn. Đóng góp và thay đổi thế giới đem lại niềm vui lớn lao hơn rất nhiều.”

Một xu thế mới?

Có lẽ đa phần những doanh nhân xã hội vốn ít ỏi hiện nay tại Việt Nam đều nỗ lực tự thân và vượt khó bởi tâm huyết cá nhân thay vì trông chờ vào những sự hỗ trợ về chính sách. Mặc dù danh sách Friends & Sponsors trên website của KOTO Hanoi khá dài nhưng chắc chắn không nhà tài trợ nào được miễn trừ thuế thu nhập trên khoản tiền đóng góp như một số quốc gia khác đang áp dụng.

Không chờ đợi một chính sách hỗ trợ nào đó đang ở thì tương lai, Jimmy Phạm và những người bạn đồng hành tiếp tục cho ra đời thêm một cơ sở tại TPHCM. Một bước tiến khá chậm nhưng chắc chắn để đảm bảo sự thành công ở cả ba phương diện: Xóa bỏ sự mặc cảm của trẻ em đường phố; Xóa bỏ mặc cảm của nhà tuyển dụng; và góp phần khẳng định chất lượng nhân lực ngành dịch vụ ngày một đi lên. Năm 2009, lần đầu tiên tại Việt Nam chương trình “Hỗ trợ Doanh nhân xã hội Việt Nam” được khởi động với sự tài trợ của Quĩ One Foundation (Ireland) và Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP). Số tiền hỗ trợ tuy không nhiều nhưng mang ý nghĩa lớn bởi Chương trình để đánh dấu cho sự công nhận rộng rãi khái niệm doanh nhân xã hội tại Việt Nam.

Như vậy, như một sự động viên, cộng đồng đã nhìn nhận và trân trọng đóng góp, tâm huyết của những doanh nhân – doanh nghiệp xã hội như Jimmy Phạm – KOTO bởi như Bill Drayton – CEO và sáng lập viên Tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp xã hội toàn cầu Ashoka từng nói: “Doanh nhân xã hội không chỉ mang lại con cá hay cái cần câu mà là những người nỗ lực không mệt mỏi cho đến khi thay đổi được cả ngành đánh cá”.
21/07/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Xuất khẩu sang Nhật: mặt hàng nào có lợi thế?
      Cảnh báo với những nhà kinh tế và người tiêu dùng Việt Nam
      Kinh doanh Tết 2012
      Sữa tăng giá: Thủ phạm nằm ở khâu phân phối?
      12 ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất còn 17 - 19%
      Nokia: Thất bại do đâu?
      Tăng giá đi kèm khuyến mãi