Welcome
TP HCM : 380,66 tỷ đồng bình ổn giá
Các số liệu thống kê tới thời điểm này cho thấy nền kinh tế nước ta 6 tháng đầu năm 2010 có những dấu hiệu khả quan: tăng trưởng GDP ước đạt 6%, chỉ số CPI ước tăng 4,78%… Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nền kinh tế tăng trưởng chưa bền vững. Làm sao để bình ổn giá thị trường trong 6 tháng cuối năm là vấn đề nhiều cơ quan ban ngành, cũng như các DN quan tâm. DĐDN có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hồng – Phó chủ tịch UBND TP HCM.

 

Bà Hồng cho biết:  kinh tế – xã hội thành phố 6 tháng đầu năm 2010 có nhiều chuyển biến tích cực, tiếp tục đà phục hồi và phát triển. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) đạt 11%, gấp 1,8 lần cả nước. Các ngành kinh tế tiếp tục tăng trưởng theo đúng định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế; doanh thu ngành dịch vụ tăng 33,1% (cùng kỳ tăng 17,9%); giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13,7% (cùng kỳ tăng 3,8%), giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 7,6% (cùng kỳ tăng 5,4%); thu ngân sách cũng tăng cao, đạt 53% dự toán năm. Nhiều công trình trọng điểm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo tâm lý phấn khởi trong nhân dân thành phố; nhiều dự án có nguồn vốn ODA tiến độ thực hiện khá cao, tình hình giải ngân trong những tháng cuối năm dự kiến là rất khả quan.

- Vậy 6 tháng cuối năm những diễn biến về kinh tế sẽ như thế nào, thưa bà ?

Trong 6 tháng cuối năm 2010, tình hình kinh tế – xã hội thành phố đứng trước những thuận lợi và khó khăn đan xen. Theo nhiều dự báo cho thấy kinh tế thế giới hồi phục, tình hình kinh tế trong nước có triển vọng tăng trưởng nhanh hơn trong hầu hết các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế; kinh tế thành phố tiếp tục đà phát triển và có những đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nước. Tuy nhiên, kinh tế – xã hội thành phố cũng gặp không ít khó khăn, cụ thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ lạm phát cao trở lại, do một số mặt hàng điều chỉnh giá như điện, nước, xăng dầu, lãi suất tín dụng còn cao, nguồn vốn cho đầu tư và sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc xử lý các vấn đề bức xúc trong quản lý đô thị chưa đạt yêu cầu, nhất là tình trạng ngập nước, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, đào tạo nguồn nhân lực; tình hình nắng nóng kéo dài, sản lượng điện cung giảm đã ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp; đời sống nhân dân, nhất là người có thu nhập thấp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. 

Giám sát chặt chẽ việc thực hiện chủ trương giảm lãi suất cho vay nhằm giúp DN ổn định, phát triển sản xuất là một trong những công tác trọng tâm của UBND TP HCM
 
- Qua tổng kết tình hình kinh tế – xã hội thành phố 6 tháng đầu năm 2010, chỉ số tiêu dùng tăng cao. Theo bà, điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP HCM ?

TP HCM có đông người dân các tỉnh đến làm ăn, sinh sống, học tập, chữa bệnh trên địa bàn thành phố. Chính vì thế các nhu cầu dịch vụ tăng cao trong các đợt cao điểm như lễ, tết, đợt thi của học sinh, sinh viên, nhiều dự án lớn đang triển khai… Vì vậy, chỉ số giá tiêu dùng của thành phố tháng 6/2010 so với tháng 12/2009 là 4,88%, trong khi chỉ tiêu cả năm 2010 phấn đấu tăng không quá 7%. Mặt khác, nhu cầu đầu tư và tiêu dùng vào những tháng cuối năm tăng cũng làm cho áp lực giá cả tăng lên, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số giá tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo dự đoán, phân tích của các chuyên gia trong và ngoài nước thì giá nhiều loại nguyên liệu, vật tư trên thị trường thế giới có xu hướng giảm. Giá một số hàng hóa thiết yếu trong nước như xi măng, thép, phân bón, gạo… có xu hướng ổn định, nguồn cung dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. UBND TP đã và đang thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu như; kiềm giữ giá cả, không để biến động lớn trong 6 tháng cuối năm 2010. Tôi tin tưởng rằng, với việc áp dụng các giải pháp này thì kinh tế thành phố sẽ tăng trưởng ổn định, bớt khó khăn hơn.

- Đây được xem là chặng đường nước rút cho các DN, vậy TP HCM có những hỗ trợ gì cho các DN, thưa bà ?

Hiện tại, TP đã  xem xét điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi Quyết định số 20/2009/QĐ-UBND ban hành Quy định về thực hiện các dự án đầu tư trong nước thuộc Chương trình kích cầu theo hướng mở rộng đối tượng được tham gia chương trình. Thủ tục đơn giản hơn, quy trình xử lý rút gọn hơn, làm rõ trách nhiệm của từng ngành, từng cơ quan, đơn vị… tạo điều kiện thuận lợi nhất để các dự án tham gia chương trình được tiếp cận nhanh nguồn vốn hỗ trợ.

Bên cạnh đó, TP cũng khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa các kênh phân phối, phát triển các mô hình kinh doanh hiện đại kết hợp với các mô hình truyền thống. Tạo lập mối liên kết giữa nhà sản xuất với tổ chức phân phối để hình thành những kênh lưu thông hàng hóa ổn định, góp phần quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm trong suốt quá trình từ sản xuất đến tiêu dùng, nâng cao uy tín của hàng VN trên thị trường trong và ngoài nước.

Cuộc vận động “Người VN ưu tiên dùng hàng VN” đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, khuyến khích doanh nghiệp và nhân dân thành phố sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng trong nước. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và du lịch, tổ chức tốt thị trường nội địa để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ trong nước.

Song song đó, UBND TP tập trung công tác bình ổn thị trường, kiểm soát giá cả; phối hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước giám sát chặt chẽ hoạt động của thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, thị trường vàng… trên địa bàn thành phố. Nhất là việc thực hiện chủ trương giảm lãi suất cho vay nhằm giúp cho doanh nghiệp ổn định, phát triển sản xuất; bảo đảm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển.

Thành phố đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị truờng 8 nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu gồm: gạo – nếp, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến và rau củ. Gắn với cuộc vận động “Người VN ưu tiên dùng hàng VN”; với lượng hàng hóa đảm bảo cung cầu, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm; giá bán hàng hóa thấp hơn giá bán của sản phẩm cùng loại trên thị trường ít nhất 10% và được giữ ổn định trong suốt thời gian thực hiện chương trình.. Các doanh nghiệp, Liên hiệp Hợp tác xã, các Hợp tác xã của thành phố tham gia chương trình sẽ được hưởng một số quyền lợi như được cho vay vốn không tính lãi, không thế chấp tài sản trong thời gian 10 tháng kể từ ngày giải ngân. Đồng thời, doanh nghiệp phải có nghĩa vụ thực hiện đúng cam kết chương trình và sử dụng vốn đúng mục đích, hoàn trả nợ vay đúng hạn. Tổng mức vốn thực hiện Chương trình bình ổn là 380,6 tỷ đồng.

- Xin cảm ơn bà !

17/07/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Ngân hàng “ăn hết” lãi của doanh nghiệp
      Kinh doanh lữ hành: Tìm "thượng đế" ngoại
      Kinh doanh du lịch: Liên kết từng đốm sáng
      Nhiều áp lực khi tiền không vào ngân hàng
      Chọn dịch vụ làm đẹp cần ký cam kết
      Hàng Trung Quốc giá rẻ sắp hết thời?
      Doanh nhân Việt Nam hướng đến chân trời mới