Welcome
Doanh nhân Việt Nam hướng đến chân trời mới
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, người sáng lập ra Trung Nguyên, một trong những công ty cà phê lớn nhất Việt Nam, không ngừng tham vọng

Vị chủ tịch 40 tuổi của Trung Nguyên, công ty sản xuất, xuất khẩu cà phê và điều hành chuỗi cửa hàng cà phê lớn, muốn Trung Nguyên trở thành thương hiệu cà phê hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, giống như nhiều doanh nhân Việt Nam khác muốn mở rộng công việc kinh doanh, ông đang đương đầu với vấn đề thiếu quản lý cao cấp.

Ông chia sẻ: “Tại một đất nước đang phát triển như Việt Nam, thị trường lao động chưa thể cung ứng đủ lãnh đạo và chuyên gia quản lý cho một công ty tăng trưởng nhanh như Trung Nguyên. Chúng tôi lập văn phòng ở Singapore để có thể thu hút được nhân tài quản lý tầm cỡ quốc tế.”

Tình trạng thiếu quản lý và kỹ thuật viên trình độ cao là một trong những thách thức đối với nhà đầu tư tại nhóm thị trường mới nổi như Việt Nam.

Trong 2 thập kỷ qua, khi chuyển từ hình thức quản lý cũ sang định hướng thị trường, Trung Nguyên đã tăng trưởng nhanh. Các doanh nghiệp tại Việt Nam đương đầu với một số vấn đề như biến động của kinh tế vĩ mô, chất lượng cơ sở hạ tầng.

Chính phủ Việt Nam đã công bố một loạt chính sách thắt chặt tài khóa và tiền tệ để bình ổn nền kinh tế. Nếu các chính sách được duy trì và các mục tiêu cải tổ lĩnh vực nhà nước được thực hiện tốt, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng tốt trong vài năm tới, nếu không phải ở mức 7% hoặc cao hơn so với mức trước khủng hoảng tài chính.

Với dân số trẻ, điều kiện địa lý thuận lợi, tầng lớp trung lưu phát triển nhanh tại châu Á, Việt Nam có đủ tiềm năng đối với những nhà đầu tư với kế hoạch dài hơi.

Ông Vũ muốn tăng gấp đôi doanh thu của Trung Nguyên trong năm nay, bất chấp biến động kinh tế vĩ mô.

Ông Vũ nói: “Chúng ta đang ở trong thời kỳ kinh tế khó khăn thế nhưng chúng tôi đã dự báo trước về điều này. Khi lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại đã vượt mức 20%/năm, công ty đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn ngắn hạn cần thiết.”

Cũng giống như nhiều công ty sản xuất hàng tiêu dùng khác, Trung Nguyên hưởng lợi từ việc tầng lớp trung lưu tại Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất châu Á, theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Phạm Nguyên, công ty gia đình sản xuất bánh ngọt và đồ ăn nhẹ, cũng kinh doanh phát đạt khi thu nhập khả dụng của người dân tăng cao. Khởi nghiệp với một cửa hàng nhỏ của gia đình cách đây 20 năm, Phạm Nguyên hiện đang tuyển dụng khoảng 1.100 lao động, doanh thu mỗi năm đạt 25 triệu USD, bán ra mỗi năm 350 triệu gói bánh thương hiệu Phaner Pie. Công việc kinh doanh hiện nay đang rất tốt.

Mới đây, công ty đã bổ nhiệm ông Christian Leitzinger, người từng làm việc tại một ngân hàng đầu tư, vào vị trí CEO.

Khi thế hệ thứ 2 của công ty tiếp quản công việc kinh doanh, họ quyết định cải tổ chính sách tuyển dụng, mời hàng loạt chuyên gia nước ngoài và bản xứ giàu kinh nghiệm về nắm giữ các vị trí chủ chốt.

Doanh thu của Phạm Nguyên tăng đến 40% trong 6 tháng, xuất khẩu tăng gấp đôi chỉ trong 1 quý lên mức khoảng 15% tổng doanh thu.

Ngoài các tên tuổi trên, có thể kế đến hàng loạt công ty khác như Vinamilk, Kinh Đô, tập đoàn Masan, Hoàng Anh Gia Lai.

Trong bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã tăng 10 bậc lên thứ 78 trong 183 nền kinh tế.

Ông Anthony Jolly, giám đốc công ty Midway Metals chuyên sản xuất thép không rỉ và đồ bếp xuất khẩu tại một nhà máy cách Hà Nội 50 kilomet về hướng Nam, nói: “Luôn gặp rất nhiều khó khăn trong việc thiết lập quan hệ kinh doanh trong một hệ thống vẫn còn ở giai đoạn đầu phát triển.

Ông cho biết thành công của công ty ông có được từ người vợ: “Cô ấy là người Việt Nam và cùng kinh doanh với tôi ngay từ ban đầu. Nếu không có được cái nhìn của người Việt Nam, bạn sẽ thua ngay từ lúc khởi động.”

Với thị trường nội địa tăng trưởng nhanh và nhân công rẻ, lương lao động trung bình tại các nhà máy khoảng 100USD/tháng, tương đương 1/3 so với lương lao động tại khu vực miền Nam Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đang tìm kiếm cơ hội ở Việt Nam.

Ông Jolly đưa ra lời khuyên đối với các doanh nghiệp muốn đầu tư vào Việt Nam: “Hãy tham khảo kinh nghiệm của người nào đã kinh doanh tại Việt Nam ít nhất 10 năm.”

Ông Leitzinger, CEO của Phạm Nguyên, cũng đồng ý rằng những công ty nào đưa giám đốc điều hành ít kinh nghiệm về bản địa sang Việt Nam làm việc sẽ thất bại: “Người nước ngoài không thể đến đây với hy vọng làm việc hiệu quả, kiếm được lợi nhuận tương đương như họ đã từng thành công tại các nơi khác.”

Giống như vậy, các công ty Việt Nam muốn thâm nhập thị trường toàn cầu cần phải có tầm nhìn quốc tế tốt hơn. Ông Vũ nói: “Việc chọn được đối tác có thể chia sẻ được tầm nhìn, quan điểm và làm việc với bạn trong dài hạn hết sức quan trọng

Cafef
09/06/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Vì sao người Việt cho rằng dịch vụ SMS là lừa gạt?
      Xây dựng giá trị của thương hiệu thông qua dịch vụ chăm sóc khách hàng
      Ba liên minh thẻ bước đầu về một mối
      Chanel – Thời trang có thể thay đổi nhưng phong cách vẫn còn sống mãi
      Lao động di cư đối mặt nhiều rủi ro
      Rộ thông tin thương hiệu Maybach sẽ bị khai tử
      Vietnam Airlines giảm giá một số đường bay