Ai nói doanh nghiệp nhỏ thì không thể bì được với các thương hiệu lớn? Doanh nghiệp nhỏ cũng có những lợi thế cạnh tranh mà các "anh lớn" không sao so bì được
Rất nhiều người cảm thấy thiếu tự tin vì mình chỉ là chủ doanh nghiệp nhỏ. Bạn nhìn thấy những chiến lược quảng cáo mà các đối thủ khổng lồ của mình đang thực hiện và bạn thấy run sợ. Bạn biết mình không có ngân sách marketing như họ, và thật khó để bạn có thể vừa ra ngoài đó chạy chương trình vừa tập trung vào công việc. Nhưng tất cả những điều đó cũng không sao cả, vì trong vai trò chủ doanh nghiệp nhỏ, bạn có rất nhiều thứ mà những gã khổng lồ kia không thể so bì được. Bạn có khả năng “cướp” khách hàng khỏi họ đơn giản chỉ bằng cách tập trung vào nhiều thế mạnh mà chỉ doanh nghiệp nhỏ mới có.
Vậy, bạn có thể “cướp” khách hàng của các thương hiệu lớn như thế nào? Dưới đây là 6 cách.
1. Tập trung vào tính đơn giản
Người dùng muốn sử dụng những website mà họ có thể điều khiển được, những sản phẩm dễ dùng và những dịch vụ dễ hiểu ngay từ lần đầu tiên nghe giải thích. Họ không thích thủ tục hành chính, những bước phức tạp mà các thương hiệu lớn thường thêm vào trong quá trình xử lý. Là chủ doanh nghiệp nhỏ, bằng cách giữ tính đơn giản, bạn sẽ tập trung vào khách hàng cốt lõi của mình và đảm bảo họ sẽ cảm thấy thoải mái khi được làm việc với bạn. Đó là trải nghiệm mà hầu hết khách hàng đều không mong đợi trước, họ chỉ muốn nhanh chóng có được cái mình cần và rồi đi làm việc khác. Cứ để những thương hiệu lớn phức tạp hóa quy trình của họ, còn bạn chỉ cần ngồi hưởng lãi.
2. Giải quyết các vấn đề cốt lõi của khách hàng
Một trong những lợi thế lớn nhất của một chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ, đó là bạn được nhiệt tình tận hưởng tất cả những việc mình làm. Bạn hăng say với công việc mỗi ngày, và bạn luôn luôn nói chuyện trực tiếp với khách hàng, lắng nghe những vấn đề của họ. Việc này tạo cơ hội để bạn giải quyết các vấn đề cốt lõi của họ, bạn có được những phản hồi và những hiểu biết thực tế mà các thương hiệu lớn phải tốn rất nhiều thời gian mới có được. Cũng như cách trên, đừng đưa vào quá nhiều thứ rối rắm mà khách hàng của bạn không thực sự cần. Thay vì thế, hãy tập trung vào cốt lõi vấn đề của họ. Họ đến tìm bạn vì lý do gì, và thách thức lớn nhất mà họ đang đối mặt là gì? Đó mới là cái bạn cần giải quyết. Những việc khác thì đừng quan tâm.
3. Khôn khéo hơn các thương hiệu lớn
Nhỏ hơn cũng có nghĩa là hoạt bát hơn. Bạn có cơ hội phản ứng lại những gì đang xảy ra trên thị trường. Bạn có thể thay đổi kế hoạch dựa trên những gì khách hàng cho bạn biết, bạn có thể tìm kiếm đối tác kịp thời hoặc theo sát những gì đang thực hiện. Các thương hiệu lớn không có được món quà xa xỉ này. Phải mất rất nhiều thời gian thì quảng cáo đó mới được dàn dựng, được chấp thuận và rồi được phát sóng. Rồi lại mất rất nhiều thời gian để đội ngũ pháp lý từ chối, sửa đổi và rồi chấp thuận một thông điệp mới công ty định truyền tải. Là chủ doanh nghiệp nhỏ, có thể linh động và thay đổi nhanh chóng là lợi thế hữu ích đến khó tin.
4. Vượt trội về dịch vụ khách hàng
Bạn có biết vì sao rất nhiều khách hàng thích làm việc với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB) hơn là với các thương hiệu lớn? Có thể mong muốn đóng góp cho cộng đồng cũng là một lý do, nhưng quan trọng là chúng ta biết rằng chúng ta sẽ được đối đãi tốt hơn nếu đến một doanh nghiệp nhỏ. Chúng ta đều biết nếu chúng ta thường xuyên đến quán cà phê nhỏ ở địa phương, sớm muộn gì người phụ nữ đứng sau bàn tính tiền kia cũng nhớ tên chúng ta, nhớ món ăn ưa thích của chúng ta và nhớ cả những yêu cầu đặc biệt của chúng ta nữa (ví dụ bạn thích trứng lòng đào). Chúng ta đều biết rằng nếu gặp phải vấn đề với món đồ mua tại cửa hàng điện tử ở địa phương, chúng ta có thể quay lại và giải thích cho người bán hàng về vấn đề đã xảy ra. Lĩnh vực mà SMB có thể khẳng định sự vượt trội của mình chính là dịch vụ khách hàng. Mọi người sẽ thích đến những nơi nào mà họ cảm thấy mình có giá trị. SMB mang đến cho họ điều đó – thứ mà các thương hiệu lớn khó có thể làm được.
5. Can đảm
Can đảm không có nghĩa là coi thường kẻ khác, mà có nghĩa là phải biết khẳng định mình và nắm lấy cơ hội. Có nghĩa là bạn nên trải nghiệm những công nghệ mới, phương pháp mới, trong khi các “anh lớn” còn đang đấu tranh chỉ để được chấp thuận mở một tài khoản Twitter. Sự can đảm cho phép các chủ doanh nghiệp nhỏ mạo hiểm và thử nghiệm do chi phí thất bại đối với họ vẫn khá nhỏ. Đọc được một bài viết blog và cảm thấy bạn có thể áp dụng cho doanh nghiệp của mình? Hãy thử xem. Có một ý tưởng sử dụng trang Facebook của công ty theo cách khác? Hãy thử xem. Muốn tổ chức một cuộc gặp gỡ tại cửa hàng? Bạn có thể thực hiện việc đó ngay tuần sau. Hãy tận dụng lợi thế về kích cỡ doanh nghiệp bằng cách hành động nhanh trong khi các tập đoàn lớn còn vật lộn với cả mớ họp hành để đưa ra quyết định.
6. Tự mình trở thành thương hiệu lớn
Bạn là doanh nghiệp nhỏ? Rồi sao? Đó không phải lý do để thoái thác việc tự mình phát triển một thương hiệu tin cậy và dễ nhận diện. Bằng cách kết hợp viết blog, Twitter, Facebook, diễn đàn và các phương tiện khác vào kế hoạch tiếp thị hỗn hợp, bạn có thể tạo dựng được nội dung đồng nhất quanh thương hiệu của mình, đảm bảo thương hiệu của bạn luôn xuất hiện trước mặt “khán giả”. Ai dám nói thương hiệu hoành tráng chỉ dành cho doanh nghiệp lớn?