Welcome
Giá nhiều mặt hàng thực phẩm sẽ tiếp tục "nóng"
Hiện tại, giá thu mua heo hơi trên địa bàn TPHCM và một số tỉnh lân cận đang ở mức cao nhất từ trước đến nay (62.000 - 63.000 đồng/kg), gà công nghiệp ở mức trên 40.000 đồng/kg cả lông… Những mặt hàng này được doanh nghiệp sản xuất và phân phối dự báo sẽ tiếp tục “nóng” trong thời gian tới

Đại diện một số sở ban ngành chức năng và doanh nghiệp đã có chung nhận định như trên tại cuộc họp giao ban sơ kết 2 tháng thực hiện các chương trình bình ổn giá như lương thực, thực phẩm thiết yếu, thuốc, sữa dành cho trẻ em và người già, hàng phục vụ mùa tựu trường trên địa bàn TPHCM năm 2011 và Tết Nhâm Thìn. Cuộc họp vừa diễn ra chiều 23-6.

Ông Trần Tấn An, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho hay, tại thời điểm ngày 23-6, giá thu mua heo hơi loại 1 ở mức 62.000 - 63.000 đồng/kg, trong khi tại Hà Nội là 67.000 - 68.000 đồng/kg, mức cao nhất từ trước đến nay. Nguyên nhân là nguồn cung trên thị trường khá thiếu hụt bởi nhiều yếu tố: vừa trải qua một thời gian dài dịch bệnh, thu mua vận chuyển qua các khu vực dồn dập… “Cũng may là thời điểm này, nhu cầu tiêu dùng của người dân không cao nên đã góp phần kìm giá heo, không thì có thể còn cao nữa”, ông An nói.

Về thời gian tới, ngắn hạn là 2- 3 tháng tiếp theo, ông An cho rằng giá heo sẽ tăng khi nguồn cung vẫn chưa được bổ sung nhưng mức tăng không nhiều vì sức chịu đựng của người tiêu dùng có hạn. Sang đến tháng 8, tháng 9 âm lịch (tức tháng 9, tháng 10 dương lịch), nguồn cung dồi dào trở lại do đến lứa thu hoạch nhưng nhu cầu của người dân cũng tăng mạnh nên giá heo sẽ vẫn ở mức cao.

Bà Bùi Hạnh Thu, Phó tổng giám đốc phụ trách thu mua của chuỗi siêu thị Saigon Co.op cho rằng, hiện nay đang là mùa thấp điểm mà tình hình giá cả của một số mặt hàng đã căng thẳng thì cuối năm càng lo lắng. Theo bà Thu, thịt heo, gà là hai mặt hàng “căng” nhất về nguồn cung và giá trong thời gian tới.

Nguyên nhân là việc lượng hàng thủy hải sản đánh bắt ngoài tự nhiên càng ngày càng giảm và lượng lớn phục vụ xuất khẩu, trong khi hàng từ nuôi trồng lại không được người dân ưa thích nhiều. “Quanh đi quẩn lại người tiêu dùng cũng sẽ phải quay về thịt heo, gà, từ người mua lẻ đến các bếp ăn công nghiệp. Tương tự, một lượng lớn của hai sản phẩm này cũng sẽ được dùng chế biến đồ hộp”, bà Thu nhận định.

Trong thời gian ngắn trước mắt, các doanh nghiệp cho biết, giá các mặt hàng thiết yếu như heo, gà trên sẽ tiếp tục bị đội giá khi Thông tư 136/2010/TT-BTC về việc thu phí đối với các sản phẩm động vật có hiệu lực từ 1-7 (sau khi đã được gia hạn hơn 7 tháng theo kiến nghị của UBND TPHCM hồi cuối năm ngoái).

Theo quy định này, chi phí quản lý thú y đối với thịt gia súc, gia cầm sẽ tăng từ vài chục đến 100% so với mức cũ.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM cũng thừa nhận, giá các mặt hàng cao như hiện nay là do nguồn giống có hạn, việc tái đàn gặp khó khăn, lại gặp lúc Trung Quốc thu mua dồn dập nên áp lực lớn. Ông này cho rằng, trong thời gian tới, nguồn cung có thể thiếu hụt khi nguồn heo nuôi không nhiều và còn gặp khó khăn trong vận chuyển giữa các khu vực khi vào mùa mưa bão.

Đồng quan điểm, bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM cũng cho rằng, tháng 7, tháng 8, tình hình có thể tương đối dễ thở nhưng từ tháng 9 trở đi, thị trường sẽ có nhiều biến động. Do vậy, các cơ quan liên quan đang tính toán việc tăng lượng thịt heo, thịt gà trong diện bình ổn để góp phần kìm giá trên thị trường, hỗ trợ người dân.

Các sở ngành TPHCM khẳng định sẽ đề xuất với UBND TPHCM về việc tiếp tục gia hạn việc áp dụng Thông tư 136 trong năm nay, từ đó UBND có kiến nghị với Chính phủ, Bộ Tài chính nhằm gỡ khó cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá.

Có thêm 3 điểm bán hàng bình ổn tại Cần Giờ

Tổng công ty thương mại Sài Gòn (Satra) sẽ mở 3 điểm bán hàng bình ổn giá với nhiều mặt hàng thuộc 4 chương trình mà TPHCM đang triển khai tại 3 xã, thị trấn của huyện Cần Giờ. Dự kiến, 3 cửa hàng trên sẽ chính thức hoạt động từ 10-7 tới.

Bà Đào của Sở Công Thương cho biết thêm, từ tháng 4 đến nay, các doanh nghiệp tham gia chương trình đã mở thêm được 182 điểm bán mới. Quan điểm của thành phố là phát triển điểm bán phải tập trung vào chợ truyền thống và các quận huyện vùng ven như Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ, nơi đang rất thiếu hàng bình ổn giá.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tập trung củng cố các điểm bán mới, về lượng hàng, về niêm yết giá cũng như thông tin cho người tiêu dùng biết, tránh tình trạng phát triển điểm bán tràn lan nhưng không hiệu quả, nhếch nhác…

Minh Tâm
SaigonTimesGroup
24/06/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Tranh chấp hợp đồng giữa công ty Việt Hàn và K.P.I : Bỏ cuộc vì bị xử ép !
      Nhiều thương hiệu chưa tạo được sự gắn kết cảm xúc với khách hàng
      Tâm lý trong nghề bán hàng
      Ôm sản xuất, phân phối để người khác lo
      Doanh nghiệp ứng phó thế nào với lạm phát cao?
      Siêu thị Metro tính giá sai cho khách hàng
      Cạnh tranh về giá: "Cuộc chiến" không bản chất