Welcome
Tiêu dùng và đầu tư
Kinh tế của chúng ta phải mất nhiều năm để thoát khỏi cơ chế kế hoạch hóa tập trung và kịp thời mở cửa đón nhận thời cơ trong xu thế toàn cầu hóa của thế giới. Chỉ tiếc là trong 20 năm qua, cơ cấu kinh tế còn chậm thay đổi, mà nguồn vốn tích lũy ít ỏi có được lại bị vướng vào những cái bẫy của thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán

Hiện nay, nền sản xuất đang gặp khó khăn vì chi phí phi kinh tế quá lớn làm đội giá thành sản phẩm, người lao động lại bị rơi vào tình trạng không đủ sống bằng đồng lương của mình, các doanh nghiệp không thể duy trì sản xuất khi lãi suất ngân hàng quá cao, trong khi đó các ngân hàng lại thiếu tiền, buộc phải huy động vốn với lãi suất cao ngất ngưởng. Chúng ta từng giải bài toán kinh tế 2008 bằng biện pháp kích cầu, nhưng qua bài học khủng hoảng kinh tế - tài chính ở Mỹ, nếu bây giờ lại rót tiền vào nền kinh tế thì tiền lấy từ đâu, từ thuế, từ in tiền hay từ nguồn vốn vay từ bên ngoài? Chọn cách nào thì cũng phải trả một giá đắt!

Văn hóa "ăn trước trả sau"

Cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính tại Mỹ có nguyên nhân từ sự bất cập giữa yêu cầu ngày càng cao của đông đảo người tiêu dùng với khả năng cung ứng của nền kinh tế, sức chịu đựng sự khai thác tài nguyên, môi trường thiên nhiên. Đó cũng là đòi hỏi phải xem xét lại cấu trúc của nền văn minh của chúng ta hiện nay có hợp lý hay không, khi con người đã không ngừng tàn phá môi trường thiên nhiên để phục vụ cho cuộc sống hoang phí vật chất trong hiện tại (thứ văn hóa "ăn trước trả sau"), để hậu quả cho thế hệ mai sau phải gánh trả - điều đã từng ngự trị trong xã hội các nước công nghiệp phát triển đã rất nhiều năm qua.

Chỉ trong khoảng 100 năm qua, các nước công nghiệp phát triển như Anh, Mỹ, Đức, Pháp, Nga, Nhật... đã khai thác tài nguyên và hủy hoại môi trường trên Trái đất này, mà nếu tính ra giá trị thì còn lớn hơn nhiều lần tài sản của những quốc gia đó cộng lại, song tác hại đó được âm thầm chia đều cho toàn nhân loại nên nhiều người chưa thấy rõ tầm nguy hiểm.

Khoảng 30 năm gần đây, khi nhiều nước, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil... nỗ lực phát triển kinh tế theo công thức của các nước công nghiệp phát triển, cố gắng khai thác tài nguyên thiên nhiên, đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa bằng mọi giá, cũng lấy tiêu thụ để kích thích sản xuất, cũng "ăn trước trả sau" thì thứ văn minh từng được nhiều người ngưỡng mộ đã bộc lộ rõ những tính chất độc hại của nó: thiên tai trên Trái đất ngày một nhiều, gây tác hại ngày càng khủng khiếp, tần suất xuất hiện thiên tai tăng theo sự biến đổi khí hậu nóng lên của Trái đất.

Bên cạnh đó, do sự giành giật tài nguyên của các nước đã làm cho giá nguyên, nhiên vật liệu tăng lên, thúc đẩy giá lương thực, thực phẩm tăng theo, từ đó dẫn đến tình trạng người tiêu dùng muốn sống theo nhu cầu vật chất đương thời thì phải vay nợ theo kiểu "ăn trước trả sau", còn chính phủ muốn tồn tại được suốt nhiệm kỳ thì phải phát hành công trái để có đủ ngân sách chi tiêu theo nhu cầu của xã hội. Phát hành trái phiếu để chi tiêu chẳng qua là kiểu "cha ăn con trả", cũng là một dạng lạm phát trá hình, cứ tiêu dùng rồi để lại gánh nặng cho đời sau. Biểu hiện rõ nhất là các nước được xem là giàu mạnh nhất thế giới đều mắc nợ khủng khiếp: chỉ riêng nợ công trái ở Nhật đã vượt trên 200% GDP, Mỹ cũng nợ trên 100% GDP, các nước khác như Anh, Ý... đều ở trong tình trạng tương tư.

Kích cầu sao cho đúng

CTA: Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao do báo Sài Gòn Tiếp Thị tổ chức ở Cần Thơ.  Ảnh Lê Quang Nhật

Thật ra, chủ trương kích thích tiêu dùng để mở rộng thị trường nhằm thúc đẩy sản xuất hoặc việc phát hành công trái để xây dựng cơ sở hạ tầng đều thuộc về chính sách kích cầu nên vận dụng trong quá trình phát triển kinh tế quốc dân, nhất là trong giai đoạn tiến đến mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa vào năm 2020. Các nước công nghiệp phát triển nhờ áp dụng các chính sách theo tư duy trên nên đã có được những bước tiến lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế suốt cả trăm năm qua. Tuy nhiên, nếu chúng ta vận dụng chúng trong những điều kiện không phù hợp thì đó lại là nguyên nhân của mọi tai họa đối với nền kinh tế. Vì vậy, những điều phải chú ý khi vận dụng là:

- Kích thích tiêu dùng phải có mục tiêu rõ ràng, cụ thể là phải nhằm vào phát triển sản xuất trong nước. Trước tiên, tiêu dùng hay mua sắm của Nhà nước được quy định rõ là phải dùng hàng nội, nếu hàng nội không đáp ứng được (điều này phải do một tổ chức giám sát xác nhận) thì mới được mua hàng ngoại. Kế đó, người dân được phép mua nhà trả góp dài hạn (20-30 năm) bằng tiền lương (có thể khấu trừ trực tiếp 20 - 30% lương). Các loại hàng phục vụ cho sinh hoạt nói chung cũng phải là sản phẩm sản xuất trong nước (có thể được Nhà nước tài trợ giá). Có vậy thì chính sách kích thích tiêu dùng mới có ích cho phát triển kinh tế đất nước. Nếu không tuân thủ những nguyên tắc trên mà cho phép vay tiền để tiêu xài hay mua sắm những tài sản vượt ngoài khả năng thu nhập của hộ gia đình, nhất là mua hàng ngoại nhập, thì các gia đình chỉ nghèo đi, còn nền kinh tế quốc dân không phát triển được.

- Đối với việc phát hành trái phiếu quốc gia hay vay nợ nước ngoài thì nguồn tiền thu được phải đưa vào các hạng mục đầu tư có ích lợi nhất cho xã hội như xây dựng hạ tầng giao thông, năng lượng, các chương trình có giá trị nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời tạo ra được công ăn việc làm cho người lao động. Nếu đem nguồn vốn vay nợ nước ngoài đầu tư vào kinh doanh để mong có được nhiều lợi nhuận thì rủi ro sẽ hết sức lớn, nhất là đổ vào đầu cơ đất đai hay đầu tư ở thị trường chứng khoán. Tác hại của cách làm đó sẽ vô cùng lớn, có thể làm đảo lộn thị trường, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của các thành phần kinh tế, các ngành nghề sản xuất và có nguy cơ phá nát nền kinh tế quốc dân.

Một vấn đề mới đang diễn ra trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay là sự phổ biến thông tin hết sức nhanh nhạy, nhất là thông tin về tiêu dùng, về lối sống hưởng thụ. Hiện nay, hàng tiêu dùng tràn ngập khắp mọi nơi, tạo điều kiện cho một trào lưu đua nhau thụ hưởng những sản phẩm, phương tiện phục vụ cho cuộc sống cao sang, xa xỉ, bất chấp khả năng kiếm tiền bằng lao động chân chính và càng nguy hiểm hơn nếu tiêu xài bằng những đồng tiền bất chính.

Thời đại chúng ta hiện nay đang được thụ hưởng phần lớn công lao, thành quả khoa học kỹ thuật và của cải được tích lũy từ các thế hệ đi trước đó. Không những thế, con người thời hiện đại còn ăn cả những của cải, tài nguyên thiên nhiên lẽ ra phải dành cho con cháu về sau. Rõ ràng là con người hôm nay đang tạo ra một nền văn minh "ăn trước trả sau" theo kiểu hủy diệt tương lai một cách hào phóng vì tiêu thụ nhiều hơn sản xuất và còn tiêu diệt luôn môi trường sống của thế hệ sau.

Nền kinh tế của chúng ta không thể thoát ly tình trạng khủng hoảng của toàn thế giới. Xét một cách cặn kẽ thì chính sách kích cầu hay những lần phát hành công trái để cứu lấy nền kinh tế chúng ta thực hiện trong thời gian qua vẫn có những vấn đề phải xem xét lại và điều chỉnh nghiêm túc, vì nguồn tiền huy động chưa được đưa vào đúng chỗ.

Để tránh những hệ quả tiêu cực như trường hợp Vinashin vừa qua, Nhà nước phải có những quy định rõ ràng trong việc sử dụng nguồn tài chính quốc gia, các đề án sử dụng các nguồn vốn thông qua kênh huy động của Nhà nước đều phải công khai, minh bạch và phải chứng minh được tính hiệu quả. May mà thói quen "ăn trước trả sau" chưa phổ biến trong xã hội, phần lớn người dân vẫn còn giữ được nếp suy nghĩ "Liệu cơm gắp mắm", "Tích cốc phòng cơ"... Do đó, vốn vật chất tích lũy trong dân ít nhiều vẫn tương đối khá, tiềm năng kinh tế ngầm (hiểu theo nghĩa chưa bộc phát ra hoàn toàn) cũng không nhỏ. Đây là một ưu thế của những nước mang đặc tính văn hóa phương Đông. Nếu Nhà nước có những chính sách đúng đắn để khai thác tiềm năng kinh tế ngầm thì điều đó không những giúp cho đất nước vượt qua được khủng hoảng hiện nay, mà còn có thêm nguồn lực quan trọng để tạo ra sức đột phá trong thời gian tới

Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
11/06/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Vì đâu thương hiệu Việt “chết” trên sân nhà?
      Porsche lập hat-trick giải thưởng thương hiệu
      Niềm tin người tiêu dùng suy giảm
      Phân tích SWOT trong việc hình thành chiến lược kinh doanh
      Đầu tư 271 tỷ đồng xây chung cư cao cấp Bãi Dương
      Hàng “giảm nhiệt” hút hàng
      Giá nông sản dưới sức ép đầu cơ tài chính