Thị trường chứng khoán trong nước tiếp tục điều chỉnh giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần (10/5). Số mã giảm điểm đã áp đảo số mã tăng, trong đó có khá nhiều mã giảm sàn. Mặc dù vậy, lực cầu bắt đáy đã xuất hiện khá rõ ràng khi phần lớn các mã giảm đều có dư mua sàn lớn về cuối phiên. Trước các thông tin hỗ trợ tích cực, thị trường thế giới cũng đã tăng điểm trở lại rất mạnh mẽ trong phiên đầu tuần này.
Theo thông tin mới cập nhật, Bộ trưởng Tài chính nhóm nước châu Âu thống nhất về gói tín dụng trị giá gần 1 nghìn tỷ USD (750 tỷ euro tương đương 962 tỷ USD) để ngăn khủng hoảng tài khóa Hy Lạp lan sang các nước khác và niềm tin vào đồng euro tiếp tục sụt giảm. IMF sẽ cung cấp thêm tiền khi cần. Đồng thời, FED trong ngày Chủ nhật vừa qua đã quyết định mở chương trình chuyển đồng USD sang châu Âu trong nỗ lực ngăn khủng hoảng tài chính tại châu lục này bùng phát. Một số Ngân hàng Trung ương khác bao gồm Ngân hàng Trung ương Canada, Ngân hàng Trung ương Anh, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ cũng tham gia vào nỗ lực này.
Những thông tin tích cực trên đã kích thích tâm lý giới đầu tư, khiến cho TTCK thế giới đã tăng điểm rất mạnh trở lại sau 2 phiên giảm điểm cuối tuần qua. Theo cập nhật tại thời điểm 16:00 giờ Việt Nam, chỉ số FTSE 100 của Anh đã tăng trên 4%, CAC 40 của Pháp tăng gần 7% và DAX của Đức tăng gần 4%. Còn tại Châu Á, Nikkei 225 của Nhật tăng 1,6%, Hangseng tăng 2,54%, Kospi tăng 1,83%.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đóng cửa bị giảm điểm mạnh, do chưa đón nhận những thông tin thực sự rõ ràng từ thị trường thế giới. VN-Index mất thêm 7,65 điểm tương đương 1,14% và chốt tại 534,38 điểm. Giá trị giao dịch suy giảm mạnh (2.840 tỷ đồng) do giá cổ phiếu tụt dốc, trong khi khối lượng giao dịch vẫn duy trì ở mức khá tốt (82,67 triệu đơn vị). Số mã giảm sàn lên tới 63 mã, trong khi chỉ có 15 mã tăng trần (phần lớn là các mã penny stocks). Mặc dù vậy, tương quan cung cầu vẫn được duy trì khá cân bằng và khối ngoại vẫn tiếp tục mua ròng nhẹ trên HOSE với giá trị mua ròng đạt 24,7 tỷ đồng.
HNX-Index bên sàn Hà Nội tiếp tục mất đi 1,45% tương ứng 2,68 điểm, lùi về mức 181,7 điểm. Khối lượng và giá trị giao dịch phiên này vẫn được duy trì ở mức khá tốt (65,28 triệu đơn vị, 2.260 tỷ đồng), mặc dù so với phiên kỷ lục thì đã có sự điều chỉnh giảm mạnh. Chốt phiên, sàn HNX có tới 56 mã giảm sàn và chỉ 25 mã tăng trần. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực đang xuất hiện tại nhóm cổ phiếu Dầu khí như PVE, PVI, PVS, PVX,…
Thị trường chứng khoán Việt Nam mặc dù tiếp tục bị giảm điểm trong phiên hôm nay, tuy nhiên những diễn biến tích cực của TTCK thế giới có thể nhanh chóng tác động đến tâm lý các nhà đầu tư trong nước và nhiều khả năng sẽ đảo chiều tăng điểm mạnh trở lại trong phiên giao dịch ngày mai (11/5). Trong hai phiên vừa qua, không ít giới đầu coi là cơ hội giải ngân vào thị trường. Tuy nhiên, việc lựa chọn cổ phiếu sẽ khó khăn hơn rất nhiều khi có khá nhiều mã tăng nóng hiện đang giảm sàn, ngược lại nhiều mã có cơ bản tốt vẫn chỉ đi ngang.