Welcome
Cao điểm bán hàng tết, giá ổn định
Thị trường đã vào cao điểm bán hàng. Sự khác biệt đáng chú ý của năm nay, là giá cả các mặt hàng tiêu dùng – nhất là hàng thực phẩm thiết yếu vẫn chưa xảy ra tình trạng “giá tăng theo tết”. Một số mặt hàng còn có khuynh hướng giảm giá

Từ ngày 30.12.2011, nhiều siêu thị tại TP.HCM đã phải mở cửa bán hàng buổi sáng sớm hơn một giờ và đóng cửa buổi tối trễ hơn một giờ mới đáp ứng được nhu cầu mua sắm của khách.

Người tiêu dùng đang vào cao điểm mua sắm. Ảnh: M.T

Tiền thưởng chưa có

Bà Nguyễn Phương Thảo, giám đốc siêu thị Maximark cho biết: “Năm nay tết sớm, nên sức mua tăng khá nhanh ngay từ kỳ nghỉ tết dương lịch. Hiện không chỉ các doanh nghiệp mua quà biếu tặng, mà người tiêu dùng cũng tranh thủ mua các mặt hàng gia dụng, chất tẩy rửa, thực phẩm khô…”

Ghi nhận ở hệ thống siêu thị Co.opmart, sức mua đã tăng 2 – 3 lần so ngày thường. Ở hệ thống Big C, khách đến mua hàng tăng 30% so với cùng kỳ.

Các chợ, cửa hàng chuyên doanh thuỷ hải sản khô, shop thực phẩm (bánh kẹo, nước giải khát…) cũng đã bắt đầu đông khách. Theo sở Công thương TP.HCM, đầu tháng 1.2012 mãi lực ở chợ đã tăng khoảng 15%, các siêu thị tăng 20 – 30% so với tháng 12.2011.

Giá cả hầu hết các mặt hàng đều khá ổn định. Các hệ thống siêu thị kéo giá xuống bằng các chương trình khuyến mãi, giảm giá cho từ 500 – 4.000 mặt hàng với mức 10 – 70%. Tiểu thương các chợ cũng khuyến mãi bằng hàng tặng kèm, lịch, bằng nước giải khát…

Những mặt hàng thường bị lâm vào tình trạng “giá tết” là thực phẩm khô, thực phẩm tươi sống, hàng đông lạnh… vẫn giữ giá như tháng trước. Tại các trại chăn nuôi, giá thịt heo, gia cầm, thuỷ sản vẫn giữ nguyên, thậm chí có một số loại có xu hướng giảm như heo hơi giảm 2.000 – 3.000 đồng/kg, còn khoảng 51.000 – 52.000 đồng/kg so với cuối năm ngoái; gà tam hoàng dao động từ 45.000 – 46.000 đồng/kg, giảm 6.000 – 8.000 đồng/kg...

Theo bà Nguyễn Thanh Hà, phó giám đốc chợ đầu mối Thủ Đức, do thời tiết thuận lợi, nông dân được mùa nên lượng hàng về chợ tăng nhẹ khoảng 5%, một số loại rau củ còn giảm giá do về nhiều.

Việc ổn định giá cả có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó có khả năng sức mua năm nay thấp.

Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, vào thời điểm trước tết gần một tháng này, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa phát thưởng cho người lao động. Mức thưởng tết năm nay nhìn chung không cao hơn năm ngoái… nên tổng doanh thu bán hàng dịp tết của cả thị trường khó mà vượt cao hơn tết Tân Mão. Nhìn trên kênh phân phối, sức mua dồn vào siêu thị là chính, còn các chợ – theo tiểu thương thì sức mua vẫn chưa bằng năm ngoái.

Nguồn hàng dồi dào

Bà Bùi Thị Hạnh Thu, phó tổng giám đốc hệ thống siêu thị Co.opmart cho biết: “Ngoài hàng dự trữ trong kho, chúng tôi còn chủ động ký hợp đồng, hợp tác với các nhà cung cấp ở các tỉnh và TP.HCM, đảm bảo sát tết vẫn đáp ứng kịp thời các mặt hàng thực phẩm thường bị đội giá nhiều nhất là rau củ quả, thịt heo, gà…”

Theo sở Công thương TP.HCM, hàng phục vụ tết cho TP.HCM năm nay gồm ba nguồn cung ứng chính: nguồn hàng do các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn chiếm từ 30 – 40% thị phần, ba chợ đầu mối cung ứng chiếm 40 – 50% thị phần, còn lại là các doanh nghiệp khác. Thành phố đã ứng vốn không lãi 380 tỉ đồng, các doanh nghiệp bình ổn chuẩn bị nguồn hàng phục vụ tết trị giá trên 5.500 tỉ đồng, gấp hơn 14 lần số tiền thành phố ứng.

Theo sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đồng Nai, lượng thịt heo và gia cầm hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trước, trong và sau tết (15 ngày). Riêng về gia cầm, các đơn vị và cá nhân trong tỉnh sẽ đưa ra thị trường gần 3 triệu con gà (tương đương 4.400 tấn), trong đó có trên 600.000 con gà tam hoàng và gà ta.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng chưa bao giờ họ lại có sự chuẩn bị tốt nguồn hàng như năm nay. Trước đây, người dân tự nuôi, cận tết doanh nghiệp mới bung tiền ra mua nên bị động trong việc điều tiết giá cả, nguồn cung. Năm nay, ngay từ tháng 10, các đơn vị bắt đầu ứng tiền trước cho người chăn nuôi, do đó hàng tết đã được kiểm soát tốt giá đầu vào, như ở công ty Vissan.

Ông Châu Nhật Trung, đại diện công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ cũng cho biết, việc doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào chăn nuôi sẽ chủ động nguồn hàng hơn là để nông dân tự chăn nuôi như các năm trước

Bích Nga – Hoàng Bảy
SGTT
09/01/2012
  CÁC TIN KHÁC
      Chiếm lấy trái tim hay khối óc?
      Đẩy mạnh xuất khẩu thông qua thương mại điện tử
      Ba liên minh thẻ bước đầu về một mối
      4 chìa khóa xây dựng thương hiệu dịch vụ đúng cách
      Người tiêu dùng chưa ý thức được quyền lợi của mình
      Trong hỏa mù của thị trường nước chấm
      Vàng, dầu, đôla đồng loạt lên giá