Welcome
Trào lưu sang nhượng quán cafe: Có dễ kiếm siêu lợi nhuận?
Có lẽ chẳng ở nghề nào, câu “mua của người chán bán cho người thèm” và “tiền không tự nhiên sinh ra cũng không tự nhiên mất đi mà chỉ chuyển từ túi người này sang túi người khác” đúng như trong cái nghề này

Gõ từ khóa tìm kiếm sang nhượng quán cafe trên google, sẽ có khoảng 1.120.000 kết quả tìm kiếm chỉ trong vòng 0,07 giây; báo mua & bán 1 ngày trung bình khoảng từ 50 đến 70 quảng cáo đăng sang nhượng quán café…Thị trường kinh doanh, sang nhượng quán thực sự sôi động nếu xem qua số lượng các thông tin liên tục được đăng mới trên nhiều phương tiện thông tin.

Thực tế thì sao? Mặt bằng quán khoảng 50 mét vuông cho 2 tầng, mặt đường nhỏ 4 mét, vỉa hè khoảng 20 mét tại khu Ba Đình giá thuê khoảng 7 triệu/tháng. Chị Đức đã thuê lại của chủ nhà với hợp đồng 3 năm, trả tiền 3 tháng/lần, đặt cọc 1 tháng. Sau khi thuê xong, chị đầu tư khoảng 40 triệu mua tủ lạnh, tủ kem, quầy bar, giá đựng đồ kèm bàn ghế thanh lý, tiền trang trí quán ở mức độ đơn giản, đèn biển quảng cáo kèm một số đồ chuyên dụng cho pha chế và bắt đầu bán cafe.

Tổng tiền đầu tư sau khi hình thành được một quán cafe đã tính cả tiền thuê nhà 3 tháng khoảng hơn 60 triệu. Tuy nhiên ngay đến cả hàng xóm và chủ nhà hết sức ngạc nhiên khi chị chỉ mở quán một ngày khoảng vài tiếng và nghỉ hẳn vào thứ 7, chủ nhật.

Một quán cafe khác, chị Dung mua lại với giá 130 triệu (đã có 1 tháng 20 triệu tiền nhà), quán bao gồm 4 tầng, mỗi tầng mặt bằng khoảng 30 mét mặt đường khu Kim Liên. Quán đã có sẵn đầy đủ trang thiết bị và đồ dùng cần thiết nên công việc bán quán cũng có thể bắt đầu được ngay. Dù vậy, quán của chị cũng chỉ thỉnh thoảng mới mở cửa.

Hình ảnh minh họa

Chị Dung hay chị Đức thực tế đang trong xu thế kinh doanh chung của nhiều người hiện nay: kinh doanh sang nhượng quán cafe.

Đối với trường hợp chị Đức, với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 60 triệu, sau khoảng 3 tuần đăng báo mua & bán, rao trên mạng và khoảng hơn 10 lần dẫn khách đến quán xem với lý do bận việc gia đình không thể kinh doanh tiếp, cuối cùng chị cũng đã tìm được “gà”. Đó là một gia đình làm nghề ngoại giao và có 2 đứa con thích thử kinh doanh quán cafe.

Chỉ sau 2 lần đến quán, với tài thuyết phục của chị Đức, chiêu mời vài người quen đến quán uống cafe giả làm khách và tâm lý máu me kinh doanh, sự thiếu kinh nghiệm của con cháu gia đình kia, quán đã được sang nhượng lại với giá 120 triệu. Một con số quá hời với số vốn chỉ 60 triệu và sau 3 tuần chờ đợi. Siêu lợi nhuận!

Chị Dung cũng đã bán lại được quán sau hơn 1 tháng tìm khách với giá 200 triệu, quán của chị mua nhiều tiền hơn, nhưng sau 1 tháng chị cũng kiếm được 30 triệu, con số không hề nhỏ.

Những người như chị Dung hay chị Đức đang làm hình thành nên một nghề trung gian trong xã hội: nghề chuyên sang sửa mặt bằng và bán lại mặt bằng kinh doanh quán. Có lẽ chẳng ở nghề nào, câu “mua của người chán bán cho người thèm” và “tiền không tự nhiên sinh ra cũng không tự nhiên mất đi mà chỉ chuyển từ túi người này sang túi người khác” đúng như trong cái nghề này.

Dù vậy, cũng không dễ để kiếm được hàng chục triệu từ nghề này. Thực tế cho thấy để tìm được một mặt bằng quán café phù hợp để sang sửa và dễ bán lại không hề dễ. Mặt bằng đó phải hội tụ được các yếu tố về giao thông, nội thất, chỗ để xe, vỉa hè, cộng đồng dân cư, chủ nhà…

Hình ảnh minh họa

Chị Đức cho biết chị cũng đã phải tìm đến 7, 8 nhà và rất nhiều lần hẹn gặp mới bàn thảo được xong xuôi về mặt bằng, đó còn chưa kể đến các công việc phục vụ để mở quán.

Khi đã đầu tư xong xuôi, việc bán lại quán cũng gặp không ít khó khăn và nhiều khi tùy vào “số trời”. May mắn như chị Dung và chị Đức cũng không ít nhưng xui xẻo cũng rất nhiều trường hợp, đó là khi không thể tìm được người mua lại quán với giá hợp lý trong khi đến tháng vẫn phải trả tiền thuê nhà, điện nước cho chủ nhà, không ít người đã phải bán tháo giá rẻ hoặc “bỏ của chạy lấy người”.

Với mong muốn kinh doanh quán cafe để kiếm thêm nguồn thu cho gia đình, anh Tú đã bỏ công việc vất vả ở một công ty tư nhân để đi kiếm quán cafe nhằm kinh doanh lại. Thiếu kinh nghiệm và thiếu người chỉ dẫn, anh đã mua lại một quán bị sang nhượng đến 6 lần chỉ trong 7 tháng và mỗi lần sang nhượng, đến tay anh, giá trị của quán đã đội lên mức quá cao. Anh phải bỏ ra đến 150 triệu cho một quán cafe mặt bằng tất cả khoảng 60 mét ở một khu không gần trung tâm, công sở.

Chịu khoản tiền thuê nhà 8 triệu/tháng, anh bán duy trì quán được khoảng 3 tháng mà không có người mua lại cũng như tiền kinh doanh cafe hàng tháng, khi hàng ngày chỉ lèo tòe khoảng chục người ra vào, không bõ bù đắp chi phí đã bỏ ra, cuối cùng, hết hợp đồng nhà 3 tháng, anh đành phải bán tháo thân để lấy có 70 triệu.

Để làm được nghề kinh doanh sang nhượng quán, một người ít nhất phải có hiểu biết về quán cafe, làm sao để có mặt bằng tốt, đối tượng khách hàng hướng đến là gì, khu vực kinh doanh cafe nào tốt cũng như địa bàn xung quanh.

Ví dụ, để làm được quán và dễ lướt sóng cho người khác, quán phải nằm gần công sở, khu dân cư đông đúc, khu chuyên kinh doanh cafe (theo đúng lý thuyết “buôn có bạn bán có phường”), quán phải có chỗ để xe rộng rãi và không chịu quá nhiều sức ép từ công an khu vực. Người mua quán còn phải biết cách làm sao mua được đồ thanh lý giá hời và có chất lượng tốt để phải chi tiêu cho quán ở mức thấp nhất mà vẫn đảm bảo độ hấp dẫn.

Địa bàn xung quanh cũng hết sức quan trọng. Nếu mua được quán ở một khu đã thành tụ điểm cafe, tất nhiên mọi chuyện quá thuận lợi. Nhưng nếu bạn lại đi thuê nhà ở một khu phố mà họ toàn kinh doanh hàng đồ gỗ hay hàng hoa sắt với rất nhiều tiếng ồn, hoặc có thể bạn quyết định mua lại quán cafe nằm giữa một khu chợ dân sinh với rất nhiều mùi khó chịu, dù bạn có sửa quán đẹp đến mấy, người mua thiếu kinh nghiệm nhất cũng sẵn sàng ra đi

TTVN
07/12/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Fast food Việt - bao giờ?
      CASIO – Thương hiệu điện tử hàng đầu thế giới
      Thức Ăn Chăn Nuôi Red Sun – Mang Lại Sự Giàu Có Cho Nhà Nông
      Câu chuyện tăng trưởng của các công ty tại Việt Nam
      Tiếp thị tại cửa hàng chưa đủ
      Thế nào là thương hiệu quốc gia?
      Làm mới thương hiệu