Welcome
Mua hàng hạ giá: Vừa thích, vừa lo
Quảng cáo giảm giá đến 50% cho hàng loạt sản phẩm tại một số cửa hàng đã khiến mọi người ào ào đến mua sắm. Nhưng chính họ cũng đặt câu hỏi, tại sao cửa hàng lại giảm giá sâu đến thế?

“10.000 đồng/3 đôi tất đây, mua ngay, mua ngay”, nhiều khách hàng không cưỡng nổi trước mức giá quá hấp dẫn này hay tấm băng rôn quảng cáo giảm giá đến 50% cho hàng loạt sản phẩm tại một số cửa hàng đã khiến mọi người ào ào đến mua sắm. Nhưng chính họ cũng đặt câu hỏi, tại sao cửa hàng lại giảm giá sâu đến thế?

Xả hàng tồn

Đây là lý do phổ biến nhất khiến nhiều cửa hàng đồng loạt giảm giá đến 50%, đặc biệt là mặt hàng quần áo thời trang khi giao mùa. Chị Mai - nhân viên bán hàng của hãng thời trang mặc nhà trên đường Cầu Giấy cho hay: “Khi gần hết mùa hè, công ty thường có chương trình giảm giá mạnh, khoảng 30% cho một số mẫu. Các mẫu này có thể bị thiếu size hoặc bị lem (màu sắc vải không đồng đều do công đoạn dệt nhuộm). Mức giá bán sau giảm có thể thấp hơn từ 80.000-100.000 đồng/bộ so với giá bán chính vụ”.

Theo chị Thương - nhân viên cửa hàng thời trang trên phố chùa Bộc, chủ cửa hàng giảm giá vào cuối mùa để giải quyết lượng hàng tồn kho. “Mẫu mã, màu sắc thời trang thay đổi liên tục, mùa hè năm sau có xu hướng khác năm nay nên nếu không thanh lý, chủ cửa hàng vừa bị đọng vốn, sang năm vừa phải bán hàng lỗi mốt, rất mất khách” - chị Thương nói. Vì lý do này, chỉ cần hòa vốn, các cửa hàng sẵn sàng xả hàng với mức giá bằng 1/3 đến 1/2 giá bán thông thường.

Không chỉ các mặt hàng thời trang, mà nhiều mặt hàng có tính “thời vụ” khác như: đồ điện tử, điện máy, mỹ phẩm... cũng liên tục thanh lý hàng tồn.

Mù mờ nguồn gốc

Anh Nam - chủ gian hàng tại chợ đêm Mỹ Đình cho biết: “Hàng giá rẻ tại chợ đêm hay tại các cửa hàng thời trang trên phố hầu hết đều có xuất xứ Trung Quốc, vì với số tiền có hạn, khách hàng có nhiều lựa chọn về màu sắc, mẫu mã sản phẩm hơn các nguồn hàng khác”.

Sở dĩ không nhập thẳng hàng từ Trung Quốc bởi chi phí đi lại tốn kém và phía lái buôn Trung Quốc yêu cầu nhập hàng lô lớn, trong khi các chủ hàng bán lẻ thường nhập hàng với số lượng nhỏ. Ngoài ra, mức phí bán hàng tại các chợ đêm cũng không cao, thông thường chủ gian hàng phải trả 3 triệu đồng/gian 8-9m2/tháng. Tiết giảm mọi chi phí và nhập nguồn hàng giá rẻ khiến giá bán hàng hóa tới tay người tiêu dùng ở mức thấp.

Khách vẫn mua ào ào

Do xu hướng tiết kiệm tiêu dùng nên hàng hóa khuyến mãi hoặc giá rẻ là “đích nhắm” của đông đảo người dân, nhất là những người có thu nhập trung bình trở xuống, học sinh, sinh viên, người làm thuê. Các khu chợ đêm: Mỹ Đình, Dịch Vọng hay chợ đêm phố cổ... luôn nườm nượp người mua sắm. Thậm chí, vì có thông tin sẽ đóng cửa chợ đêm Dịch Vọng nên chợ Nhà Xanh (quận Cầu Giấy) cũng đã mở cửa bán hàng đêm. Trong khi chợ đêm là điểm mua sắm sôi động của sinh viên các trường đại học thì các cửa hàng thời trang, mỹ phẩm giảm giá trên các tuyến phố lại là điểm đến của dân văn phòng hay người đã đi làm có thu nhập không cao.

Chị Thủy - nhân viên văn phòng một công ty truyền thông cho hay, chị thường xuyên đi mua đồ khuyến mãi “trái mùa”. “Mình vẫn có thể chọn được những sản phẩm phù hợp với vóc dáng và sở thích với mức giá giảm mạnh. Sang năm vẫn có thể dùng đồ này, vì thời trang luôn thay đổi, nhưng mỗi mùa chỉ có vài sản phẩm mới hoàn toàn mà thôi”. Nhưng theo chị Thủy, mua hàng trái mùa cũng lắm “rủi ro” bởi số đo biến động, không mặc vừa quần áo từ một năm trước nữa.

Giang - sinh viên Đại học sư phạm Hà Nội lại cho hay: “Dây lưng, ví da, túi xách, quần áo, giày dép mình đều mua ở chợ đêm. Nhưng nhiều khi, giày vừa mang về đến nhà xỏ vào chân đã bị bục ở chỗ đường may vì chất lượng kém, dây lưng chỉ dùng 2-3 lần là bong tróc lớp giả da bên ngoài. Hơn nữa, nếu không biết mặc cả, nhiều khách hàng bị người bán “hét” mức giá cao gấp đôi giá bán thực”.

Vef
05/12/2011
  CÁC TIN KHÁC
      NIVEA - Sự chăm sóc nhẹ nhàng cho làn da
      Định giá thương hiệu
      American Express - Với vị trí thương hiệu hàng đầu...
      Thế Giới Di Động: Hướng đến mục tiêu 6.000 tỷ đồng doanh thu
      DN và cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” : Cơ hội cũng là thách thức
      Bất động sản: 70% đầu cơ và… hệ lụy nhãn tiền
      Khi ông chủ lên bao bì, độc đáo hay rủi ro?