Welcome
Ngộ nhận lời “đường mật” về thực phẩm thêm chất bổ sung
Trên bao bì các loại thực phẩm Việt hiện nay, nhà sản xuất có vẻ minh bạch hơn khi ghi rõ những loại bánh, kẹo, nước giải khát có bổ sung thêm các thành phần có lợi cho sức khoẻ là “thực phẩm chức năng”, và cũng ghi khuyến cáo “thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng hoặc thay thế thuốc chữa bệnh”. Thế nhưng hướng dẫn sử dụng lại không rõ ràng đã gây nên không ít ngộ nhận

Lợi khó thấy, hại thấy liền!

Sau một lần phải đi bác sĩ vì bị tăng đường huyết do dùng bánh làm từ đường ăn kiêng, đến nay bà Trần Thị Thuý (đường Võ Văn Tần, quận 3, TP.HCM) không còn tin vào những lời “đường mật” ghi trên bao bì sản phẩm nữa. Bà Thuý kể, từng là fan của bánh quy làm từ đường Isomalt, bà mua cả chục hộp để ở nhà cho cả gia đình ăn, vì thấy bao bì từng chiếc bánh ghi rõ “sản phẩm được tư vấn và thử nghiệm lâm sàng… giúp dinh dưỡng hợp lý và dự phòng các bệnh mãn tính có liên quan đến dinh dưỡng như thừa cân béo phì, rối loạn mỡ máu, xơ vữa động mạch, bệnh đái tháo đường và đường huyết cao…” Nhà sản xuất còn ghi rõ tác dụng từng chất có trong thành phần như axít folic bổ máu và phòng ngừa bệnh tim mạch, vitamin B6 tăng cường trí nhớ và sức khoẻ, vitamin E chống lão hoá… nên bà dùng bánh để ăn sáng, ăn xế, ăn vặt khi xem tivi… Cứ thế đều đặn mỗi ngày sáu gói, liên tục trong gần hai tháng, cùng với những bữa ăn hàng ngày như thường lệ, kết quả đường huyết của bà vẫn tăng.

Bác sĩ khám bệnh của bà cho biết: “Bánh quy làm từ đường ăn kiêng chỉ ít chất đường, ít năng lượng hơn so với bánh quy làm từ đường bình thường, còn ăn nhiều, ăn thường xuyên vẫn thừa tinh bột, vẫn làm tăng đường huyết”.

Bà Đoàn Ngọc Thuỷ (quận Tân Bình, TP.HCM) đã phải điều trị thừa cân, béo phì vì ăn quá nhiều bánh bổ sung canxi. Bà kể: “Ở tuổi ngoài 50, không quen uống sữa, lại sợ loãng xương nên tôi mua loại bánh có bổ sung canxi và tảo biển, dùng đều đặn ngày 4 – 5 gói, sau bốn tháng tôi tăng 4kg, đồng thời các chỉ số về đường huyết, cholesterol, mỡ trong máu cũng tăng lên so với trước”. Khi đo loãng xương thì tình trạng loãng xương của bà vẫn chưa cải thiện. Bác sĩ của phòng khám còn cho bà biết thêm, hàm lượng canxi trong bánh không cao, lại khó hấp thu, nên không thể cứ ăn bánh canxi là ngừa được loãng xương.

Tương tự, nhiều loại nước giải khát đóng hộp, lon được quảng bá bổ sung vitamin, chất xơ, nhưng trên thực tế hàm lượng vitamin và chất xơ khá nhỏ, nên nếu uống nhiều, trước hết cơ thể sẽ bị dư đường.

Thiếu hướng dẫn chi tiết

Bà Phạm Ngọc Thuý, chủ cơ sở sản xuất bánh mứt Thành Long từng sản xuất khá nhiều loại bánh ăn kiêng cho biết: “Bánh trung thu, bánh quy kiêng đường dù làm bằng đường ăn kiêng, nhưng trong thành phần bánh luôn có tinh bột, chất béo, nên người mắc bệnh buộc phải kiêng đường chỉ nên dùng hạn chế mỗi lần 1/8 hoặc tối đa 1/4 chiếc bánh nhỏ, gọi là ăn cho đỡ thèm, không nên ăn thường xuyên”.

Trên thực tế thì hầu như toàn bộ các loại kẹo, bánh, nước giải khát có bổ sung thêm chất này, chất nọ được sản xuất trong nước hoặc hàng nhập đang bày bán trên thị trường đều không ghi rõ nên ăn hoặc uống tối đa bao nhiêu sản phẩm/ngày. Trên bao bì một loại kẹo chanh mật ong của nước ngoài, nhà sản xuất ghi rõ bằng tiếng Anh: trong thành phần có chất làm giảm ho, nên thận trọng khi sử dụng và ghi cụ thể người lớn chỉ được dùng tối đa 6 viên kẹo/ngày, trẻ em dưới sáu tuổi muốn dùng phải hỏi ý kiến bác sĩ. Nhưng khi nhập về Việt Nam, toàn bộ phần hướng dẫn này không hề được dịch sang tiếng Việt cho người mua hàng biết. Tình trạng này lặp lại ở tất cả các nhãn tiếng Việt của các loại thực phẩm nhập khác.

Tác dụng của thực phẩm tự nhiên đối với sức khoẻ như tỏi, cá nhiều mỡ, nước ép trái cây... thì không có gì bàn cãi nhưng cần nhớ khi đã qua công đoạn chế biến, có biết bao chất được đưa thêm vào có thể làm biến đổi những tính năng tự nhiên đó?

Xu thế chọn lựa thực phẩm có bổ sung các chất để khoẻ hơn của người tiêu dùng chính là lý do để các nhà kinh doanh thực phẩm chức năng khai thác ranh giới giữa thực phẩm và dược phẩm để tăng cường quảng bá tiếp thị. Bánh, kẹo, nước giải khát, thực phẩm đóng hộp… được quảng cáo mạnh và lăngxê vai trò ngừa loãng xương, ngừa thiếu máu, bệnh tiểu đường, tim mạch, giảm cholesterol… nhưng lại thiếu hướng dẫn chi tiết, cụ thể trong cách dùng, làm cho người sử dụng ngộ nhận như bà Thuý và bà Thuỷ, thì không có bệnh cũng thành bệnh

Bích Thảo
SGTT
22/11/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Giải phẫu sự phá sản của WonderBuy
      Yamaha VN: Ra mắt hai dòng xe mới
      WonderBuy tuyên bố phá sản
      Đặt tên “ngoại” cho hàng Việt Nam
      Đã xuất hiện Nokia E63 màu trắng tại Việt Nam
      Có một “Từ Hải” thời nay...
      Dệt may giành lại thị trường trong nước