Welcome
Mảnh đất màu mỡ cho hàng nhái Trung Quốc
Hàng hoá không rõ nguồn gốc, hàng nhái công nghệ từ Trung Quốc đang có hiện tượng bỏ chợ, siêu thị để tranh nhau xuất hiện trên các trang web khuyến mãi mua chung. Trước đây các sản phẩm mua chung thường tập trung ở ẩm thực, du lịch, làm đẹp…; nay bắt đầu mở rộng thành “chợ tạp hoá” với đủ loại hàng không rõ thương hiệu hoặc nhái kiểu dáng như: quần áo, giày dép, túi xách, balô, máy massage, nồi, chảo, điện thoại iPhone 4, máy tính bảng…

Các sản phẩm nhái đều lập lờ trong phần nội dung như điện thoại iPhone 4S được chú thích sản xuất theo “công nghệ Singapore, giống hàng thật 100%”, giá chỉ có 3,2 triệu đồng, balô nhái hiệu Samsonite giá chỉ từ 150.000 đồng/cái… Thậm chí có sản phẩm giá mắc hơn so với ngoài siêu thị.

Lắm trò, nhiều mẹo với hàng nhái

Ông Tống Thới Dũng, phụ trách trang web giamua – chuyên tổng hợp tin tức, cập nhật nội dung của tất cả các trang web khuyến mãi trên toàn quốc, cho biết: “Các trang web mua chung tại Việt Nam đang nở rộ mà không có chọn lọc và kiểm soát. Nếu tính từ tháng 12.2010 đến tháng 6.2011 chỉ có khoảng 25 web hoạt động thì đến tháng 11.2011 đã có khoảng 60 trang web hoạt động trong lĩnh vực này. Hiện tại chúng tôi đang phải tổng hợp thông tin của hơn 51 trang web khuyến mãi dạng này, còn khoảng chín trang web chưa cập nhật vào giamua bởi nhiều khách hàng dùng thử đã cảnh báo về chất lượng hàng hoá không ổn định, có hiện tượng nâng giá gốc của sản phẩm rồi khuyến mãi để hạ giá bán…”

Ông Lâm Hoàng, quản trị viên một trang diễn đàn chia sẻ một tình huống hàng nhái Trung Quốc áp dụng kỹ xảo và mưu mẹo trên mạng để kinh doanh. Ông cho biết, giữa tháng 10.2011 trang web V. đăng khuyến mãi một chiếc máy tính xách tay hiệu Aoer loại siêu mỏng (nhái thương hiệu Acer) giảm giá chỉ còn 5,3 triệu đồng/chiếc. Sau ba ngày, sản phẩm đã nhận được 200 đơn đặt hàng nhưng sau đó trang web V. đã xóa toàn bộ dữ liệu. Qua ngày thứ tư, sản phẩm xuất hiện trở lại nhưng hình ảnh và thương hiệu được sửa thành Acer và không nói rõ đó là mẫu máy nào của hãng Acer. Phần nội dung trình bày về sản phẩm chung chung, chỉ đưa ảnh minh hoạ cấu hình máy sử dụng CPU Intel Atom còn những ảnh khác thì sử dụng đồ hoạ ghép giữa máy tính Macbook với thương hiệu Acer. Bên cạnh đó, khách hàng đặt mua sản phẩm sẽ nhận hàng trực tiếp từ trang web V., không thông qua doanh nghiệp bán trực tiếp!

Đem câu chuyện trên trao đổi với một doanh nghiệp kinh doanh máy tính trên đường Bùi Thị Xuân, ông Trường Long, quản lý một cửa hàng vi tính nhận xét: “Máy tính đăng trên trang khuyến mãi chính là hàng nhái sản phẩm Macbook Air từ Trung Quốc với giá chỉ bằng 1/4 so với máy chính hãng, máy này không rõ xuất xứ, nguồn hàng, điểm phân biệt là hàng nhái có cấu tạo với lớp vỏ nhựa, máy chính hãng thì dùng vỏ nhôm”. Về cấu hình, hàng nhái sử dụng CPU Intel Atom chạy hệ điều hành Windows XP lạc hậu, còn dòng máy thật đã dùng tới CPU Intel Core I3, I5 chạy hệ điều hành Mac OS tân tiến… Nếu bỏ ra một số tiền tương đương như vậy thì người tiêu dùng cũng có thể lựa chọn được các dòng máy chính hãng từ Samsung với giá khoảng 5 triệu đồng, Acer 5,5 triệu đồng hoặc Lenovo khoảng 6 triệu có cùng cấu hình tương tự. Nhờ thay đổi chữ Aoer thành Acer, lắp ghép một vài hình ảnh với nội dung nên khi kết thúc chương trình đã có hơn 600 đơn đặt hàng mua sản phẩm nhái Acer này được bán ra. Như vậy sẽ có một lượng lớn hàng nhái đã được mua bán trót lọt mà không có đơn vị quản lý thị trường nào can thiệp vào.

Tương tự, nhiều mặt hàng nhái công nghệ được bán tràn lan và đơn đặt hàng đạt đến con số không tưởng như máy tính bảng Acho (nhái thương hiệu Archos) đã nhận được hơn 900 đơn hàng đặt mua, chuột Magic mouse nhái của hãng Apple nhận được 400 đơn hàng… Trong khi đó những người lỡ mua nhầm sản phẩm cũng đang rao bán sản phẩm ngược lại ra thị trường như trường hợp ông Lê Chí Lâm, nhà ở quận 8 đang rao tin trên mạng bán chiếc máy tính bảng nhái Acho với giá chỉ 2 triệu đồng trong suốt sáu ngày qua.

Nhận biết để tự đề phòng

Thị trường các trang web mua chung trên mạng chưa có một quy luật hoặc hệ thống nào để ràng buộc. Ông Hồ Anh Tùng, giám đốc công ty phụ trách trang khuyenmaivang.vn nhận xét: “Mỗi trang web đều có một quy trình kiểm duyệt, chẳng hạn khi hợp tác với một doanh nghiệp bằng hình thức mua chung thì cần hội đủ các tiêu chí như: giấy phép lưu hành sản phẩm, giấy phép quảng cáo (dựa theo luật quảng cáo ở Việt Nam). Sau đó là các bước đánh giá chất lượng cũng như mức độ thu hút của sản phẩm, kế đến bộ phận thẩm định sẽ kiểm tra so sánh giá thị trường để tránh trường hợp giảm giá không thực. Tuy nhiên thực tế ứng dụng thì trang web bỏ bớt các bước kiểm duyệt. Khi đó, một bên là người quản lý trang web muốn sản phẩm đăng phải độc đáo, đa dạng, giá rẻ... nên vẽ ra mưu mẹo trong câu chữ hoặc lấp liếm về sản phẩm, một bên là doanh nghiệp thì tìm đủ cách thức để đẩy hàng tồn kho, hàng lỗi hoặc hàng nhái bằng nhiều cách như trộn lẫn sản phẩm giữa hàng thật và nhái, đẩy giá gốc lên cao hoặc khi thực hiện khuyến mãi thì trưng bày hàng rẻ tiền, hết chương trình thì trưng bày hàng đúng chất lượng…”

Chẳng hạn cuối tháng 9.2011, trang web Hotdeal.vn gặp nhiều khiếu nại của khách hàng về việc giao nhận hàng hoá. Nguyên nhân là nhân viên giao nhận Lương Anh D. đã gian lận tài sản và chiếm đoạt số tiền của Hotdeal và khách hàng hơn 30 triệu đồng. Giữa tháng 10.2011, trang web Vndoan.com phải đính chính xin lỗi với toàn bộ khách hàng của mình, huỷ hợp đồng với một doanh nghiệp tại quận 5 về việc bán phần mềm diệt virút Kaspersky “lậu” không thuộc nhà phân phối chính thức tại Việt Nam

Anh Vũ
SGTT
14/11/2011
  CÁC TIN KHÁC
      USD lại rơi về sát mức 19.000 đồng
      TP.HCM: Ngày 1/9, thông xe cầu có thời gian thi công kỷ lục
      Thời của Châu Á
      Tỷ giá tính thuế nhập khẩu : Mâu thuẫn từ… văn bản quy phạm
      Nghị quyết 11 và kỳ vọng tháng 8
      Chinh phục thị trường xa xỉ phẩm Trung Quốc: Khó mà dễ
      Công thức thành công “3 chữ C”