Welcome
Hàng Việt đang được ưu ái
Lạm phát, gánh nặng chi phí tiêu dùng trên vai người dân càng nặng hơn, thói quen mua sắm thay đổi. Chính trong bối cảnh này, doanh nghiệp cần có những thay đổi thoả mãn yêu cầu của người tiêu dùng

Trong báo cáo cập nhật về tình hình bán lẻ Việt Nam 2011 của Nielsen, 96% người tiêu dùng nói “giá đã tăng” và 81% đang dừng mua những thứ không cần thiết. Bộ phận nghiên cứu thị trường của Nielsen đã tổng kết: “chỉ mua những sản phẩm cần thiết” là phương châm của người tiêu dùng trong thời kỳ lạm phát, họ cắt giảm chi tiêu cho các sản phẩm không phải là thiết yếu. Cụ thể, có khoảng 59% người tiêu dùng sẽ giảm số lần đi mua sắm và 44% sẽ giảm lượng hàng mỗi lần mua.

Ở hệ thống Co.opmart, bà Bùi Thị Hạnh Thu, phó tổng giám đốc Saigon Co.op cũng cho biết: “Khi mua sắm, người tiêu dùng hiện ưu tiên cho những mặt hàng thiết yếu dành cho gia đình, nhất là thực phẩm”. Bà Nguyễn Thị Hải, giám đốc siêu thị Hà Nội cũng nhận xét: “Người lao động phải tính toán so đo hơn mỗi khi đi mua sắm vì mức lương tăng không theo kịp mức tăng giá hàng hoá”.

Chính vì vậy, người tiêu dùng đang cần giá trị, họ muốn mua những món hàng có công năng, có chất lượng thực sự, đáp ứng được yêu cầu cần thiết với mức giá hợp lý. Đây chính là lợi thế “sân nhà” của hàng Việt Nam. Bởi chính trên sân nhà, doanh nghiệp có thể am hiểu tường tận người mua hàng kỹ lưỡng hơn, cũng như có cơ hội chăm chút cho sản phẩm, dịch vụ tốt hơn.

Ở các hệ thống siêu thị như Co.opmart, Big C, Maximark, Citimart, Hà Nội…, hiện hàng Việt đang chiếm tỷ lệ từ 80 – 98% các mặt hàng bày bán trên quầy kệ (tuỳ theo nhóm hàng).

“Những công ty lớn trong nước ngày càng chăm chút cho sản phẩm đạt chất lượng cao hơn, mẫu mã bao bì đẹp hơn, cũng như liên tiếp thực hiện các chương trình khuyến mãi kéo khách, nên được người mua lựa chọn nhiều hơn”, bà Nguyễn Phương Thảo, giám đốc siêu thị Maximark nói.

Tuy nhiên, hàng Việt, trong số liệu kinh doanh của các siêu thị, cũng như các công ty hiện nay là hàng sản xuất tại Việt Nam, trong đó hàng của các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp liên doanh hoặc có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng áp đảo hàng của các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam. Chính vì vậy, hàng Việt mạnh hơn chưa phản ánh đầy đủ diện mạo chân thực của nhà sản xuất Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bích Thảo

Kết quả nghiên cứu của Nielsen tại TP.HCM, Hà Nội và 34 tỉnh thành phố của Việt Nam công bố vào cuối quý 3/2011 cho thấy, người tiêu dùng ngày càng đánh giá cao hàng Việt Nam, với tỷ lệ 90% và 83% người tiêu dùng tại TP.HCM và Hà Nội cho biết sẽ mua hàng Việt Nam nhiều hơn. Và hiện tại, đã có 14% người tiêu dùng được hỏi “đã mua” hàng Việt Nam nhiều hơn. Hàng Việt được gắn với bảy đặc điểm quan trọng là: tốt cho sức khoẻ (so với hàng Trung Quốc), hợp với khẩu vị người Việt (trong thực phẩm, cho da tóc trong mỹ phẩm…) chất lượng tốt chấp nhận được (bằng hoặc gần bằng hàng nhập khẩu), giá cả hợp lý, đáng tin cậy, đa dạng và phổ biến được nhiều người sử dụng.

Trong nhóm hàng tiêu dùng nhanh, hàng Việt được ưa chuộng hơn hẳn hàng nhập với tỷ lệ từ 54 – 92% ở năm loại sản phẩm: chăm sóc vệ sinh nhà ở, thức uống không cồn, chăm sóc cơ thể, bánh kẹo, sữa và chế phẩm từ sữa.

Có đến 82% người tiêu dùng Hà Nội và 46% người tiêu dùng tại TP.HCM cho rằng, hàng Việt Nam là hàng có gắn logo “Hàng Việt Nam chất lượng cao”.

Bích Thảo
SGTT
28/10/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Chuyện chỉ dành cho người dũng cảm
      Tinh thần Luật Doanh nghiệp còn không?
      Sẽ tổ chức “Tháng Khuyến học” từ 2/9 – 2/10
      Doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu đúng việc đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ
      Vẫn là bài toán thanh toán
      Bão giá phá marketing
      Thủ công mỹ nghệ: 80% ngắc ngoải