Welcome
Biết cách, mua hàng theo nhóm vẫn tốt
Hút khách nhờ ưu thế giá rẻ, thường giảm 30 – 90% so với giá gốc, mua sắm theo nhóm trên các trang mạng đã trở thành xu thế trong thời bão giá hiện nay. Tuy nhiên, không phải sản phẩm/dịch vụ (deal) nào cũng thực sự hữu ích cho người sử dụng, nếu bạn không biết cách

Sản phẩm bị treo giá ảo

Trên một số trang web, những con số giảm giá ấn tượng: 50 – 97% cho sản phẩm, dịch vụ, kèm theo lời chào mời “chỉ có tại...” khiến khách hàng luôn sợ bị mất cơ hội. Lợi dụng điểm yếu mê giá rẻ của người tiêu dùng, không ít nhà cung cấp sản phẩm/dịch vụ đã cố tình nâng giá lên rồi hạ xuống hoặc bán hàng tồn. Anh Hoàng (quận 3, TP.HCM) thấy quảng cáo bóng giặt Nano nhiều tính năng, lại giảm đến 50% chỉ còn 300.000 đồng, anh không ngần ngại chuyển khoản 600.000 đồng để mua hai cái. Thế nhưng sau khi nhận phiếu mua hàng để đổi sản phẩm, anh bỗng thấy một trang web khác cung cấp deal y chang nhưng giá chỉ 270.000 đồng. Tìm trên Google, anh tìm được một siêu thị online bán loại bóng giặt đó với giá 370.000 đồng, như vậy thực tế sản phẩm anh mua chỉ giảm 20%. Còn chị Hà Anh (quận Bình Tân, TP.HCM) mua phải hàng tồn với giá chát. Nhìn thấy deal giảm giá quá nửa cho bao da iPhone 3G nhập khẩu từ nước ngoài, kèm theo đó là bản photo tờ khai hải quan chứng nhận xuất xứ và giá tính thuế, chị đặt mua để bảo vệ điện thoại.Khi ra chép ứng dụng, nhân viên shop nói ngay: Giá đó chỉ áp dụng cho hàng vừa nhập! Loại này ra đã gần hai năm rồi!

Đa phần phiếu mua hàng phóng đại giá rơi vào nhóm hàng thời trang vốn muôn hình vạn trạng, chính vì vậy nhiều shop tưởng lỗ nặng để quảng cáo hoá ra vẫn lời. Tiêu biểu như một shop thời trang ở quận 3, dù phát hành phiếu mua hàng chỉ 50.000 đồng cho mệnh giá sử dụng 300.000 đồng (giảm hơn 80%) nhưng vào đây mới biết cửa hàng chuyên kinh doanh đầm dạ hội, giá trên dưới 1 triệu đồng/cái, khách muốn mua phải bù thêm nhiều tiền. Dù bảng giá được niêm yết trên deal chỉ 300.000 – 500.000 đồng nhưng khi đến hỏi thì đã hết hàng hoặc kiểu dáng xấu, vì vậy nhiều khách hàng quyết định bỏ phiếu mua hàng!

Dịch vụ kém chất lượng

Đến spa quận Bình Thạnh để mátxa chân, chị Lan không khỏi ngạc nhiên khi trong phiếu mua hàng ghi gói 60 phút nhưng chỉ được làm khoảng 45 phút, trái cây miễn phí chỉ là một trái chuối và cốc nước lạnh. Dù cô nhân viên mềm mại: “Chị thông cảm, lúc này nhiều khách dùng phiếu mua hàng, tụi em không đủ nhân viên phục vụ” nhưng thật khó chấp nhận vì chị đã đăng ký trước qua điện thoại. Đi ăn bún bò tại một nhà hàng Huế trên đường Nguyễn Thiện Thuật, quận 3, gia đình anh Tâm phát bực vì phải đứng chờ mãi mới có bàn, đồ ăn trong thực đơn thì cái gì cũng hết, gọi mỗi bún bò Huế thì nhà hàng hỏi khách có thể dùng bún cọng nhuyễn (bún dùng để ăn chả giò hay thịt nướng) được không? “Dù biết nhà hàng đã cố hết sức, nhưng cái này không thể thông cảm vì kinh doanh phải liệu cơm gắp mắm. Nhà hàng nhỏ, có bao nhiêu đó nhân lực mà bán tới 3.000 phiếu, hỏi sao không đuối?”, anh Tâm nhận xét. Thế là thay vì giảm giá sản phẩm/dịch vụ để có thêm khách, nhiều đơn vị đã tự đánh mất khách.

Mua thế nào thì tốt?

Bất chấp những “quả lừa”, các trang web mua sắm theo nhóm vẫn có sức hút mãnh liệt. Chị Mai Hoa vốn đang tìm trường cho con học Anh văn, nhưng tham khảo các trung tâm uy tín đều 200 – 300 USD/khoá làm chị ngao ngán. May nhờ có deal giảm 90% cho phiếu mua hàng trị giá 4 triệu đồng/khoá của một trung tâm lớn có trụ sở chính trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, chị mua ngay bốn phiếu mua hàng trị giá 1.600.000 đồng và đóng thêm 7 triệu đồng cho con học suốt cả năm, thay vì nếu đóng 100% học phí phải gần 20 triệu đồng. Bạn Mỹ Phượng sinh viên năm hai đã trích tiền lương dạy kèm đầu tiên mua phiếu mátxa tặng mẹ. “Mẹ mình vất vả quanh năm, nay cơ hội giảm giá 70% là mình mạnh dạn đưa mẹ đến thư giãn. Dùng phiếu mua hàng thay tiền khiến mẹ cứ tưởng mình được miễn phí, thỉnh thoảng hỏi mình còn phiếu không?” Bạn cho biết chỉ mua các deal xuất phát từ những đơn vị có tên tuổi hoặc thực hiện chuyên nghiệp.

Nếu không am tường, bạn có thể xem số lượng người mua phiếu nhiều hay ít vì những deal tốt luôn “cháy hàng”, như deal gần đây giảm 50% phiếu ăn kem của một nhãn hiệu từ Mỹ, 5.000 phiếu hết vèo sau vài tiếng đồng hồ, hay deal mua sắm thời trang cho bé giảm 60% của một cửa hàng trên đường Ba Tháng Hai, quận 10, khiến nhiều người mua không kịp. Tính thiết thực của loại hình này không thể phủ nhận khi nó được thực hiện nghiêm túc.

Để tránh bẫy mua hàng theo nhóm, bạn cần rất nhiều bí quyết, kinh nghiệm. Bạn Yến Vi, một “fan” ruột của loại hình này chia sẻ kinh nghiệm: “Các bạn nên tỉnh táo, trước hết là tạm quên con số giảm giá hấp dẫn đi mà nhìn vào cái mình thực sự có nhu cầu. Nhiều người mua loạn xạ để rồi dùng không hết… hoặc xếp xó rất lãng phí. Khi đã thấy deal mình cần, bạn phải xem đơn vị cung cấp có uy tín hay không. Bạn có thể dò giá thị trường trên mạng, hoặc trực tiếp đến cửa hàng tham khảo, hoặc cẩn thận hơn là vào phần thảo luận ngay dưới deal để xem mọi người bình luận rồi mới nhấn “mua”. Có thể lời bình luận mang tính chủ quan, nhưng bạn có thể tin vào số đông, như nhiều deal vừa mới tung ra đã được khách hàng nhấn “Like” liên tục, những deal này khi có nhu cầu bạn đừng nên bỏ qua. Với những loại hàng nhãn hiệu lạ, bạn nên gọi điện thoại đến cửa hàng trước để hỏi giá trung bình của sản phẩm tại đó. Nếu không phải bù thêm nhiều tiền mới nên mua”.

Than phiền lớn nhất của khách hàng mang phiếu mua hàng đến sử dụng dịch vụ chính là không thoải mái và có cảm giác bị đối xử phân biệt. Do vậy nhiều người truyền kinh nghiệm cho nhau là đến khi tính tiền hãy đưa phiếu mua hàng để không bị nhân viên “đổi nét mặt” khi phục vụ

Thanh Châu
SGTT
22/10/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Đồng USD giảm mạnh nhất trong 14 tháng
      Nhập siêu từ Trung Quốc : Ba giải pháp kiềm chế
      Xu hướng tiêu dùng 2012
      Saigon Co.op dành 45 tỉ đồng cho chương trình “Tự hào hàng Việt”
      Tăng giá đi kèm khuyến mãi
      Apple tại Việt Nam: Ngổn ngang hàng giả!
      Xây dựng cộng đồng khách hàng “chiến lược toàn diện”