Welcome
Gia công phần mềm: điểm sáng trong khó khăn
Giữa lúc nhiều doanh nghiệp trong cả nước đang gặp khó khăn thì các doanh nghiệp gia công phần mềm ra nước ngoài lại làm ăn khá thuận lợi, dự báo năm nay sẽ là năm được mùa và xu hướng thị trường đang tiếp tục tốt lên.

Các doanh nghiệp cho biết được vậy là nhờ ngành kinh tế này trên toàn cầu vẫn phát triển tốt, trong khi các doanh nghiệp hiện đã đạt những kinh nghiệm và quy mô nhất định sau nhiều năm tham gia thị trường, vì thế khả năng hồi phục sau khủng hoảng đã nhanh hơn. Với tình hình khả quan như vậy, nhiều doanh nghiệp đã đạt mục tiêu cả năm ngay từ quý 3, và càng về cuối năm càng có thêm các dự án mới có quy mô lớn và dài hạn.

Các lập trình viên một công ty phần mềm tại TP.HCM đang viết và thử nghiệm phần mềm ứng dụng. Ảnh: Lê Quang Nhật

Tốt hơn mong đợi

Theo ông Ngô Văn Toàn, phó tổng giám đốc Global CyberSoft (GCS), tình hình đã tốt hơn nhiều so với mong đợi. Trong tám tháng đầu năm GCS tăng trưởng doanh thu 40% so với cùng kỳ và đạt 70% kế hoạch năm.

Ông Ngô Hùng Phương, tổng giám đốc CSC Vietnam, cũng cho biết nhân sự cho mảng gia công phần mềm của CSC đã tăng 30% so với năm trước, lên xấp xỉ 800 người.

Tháng 7 vừa rồi TMA Solutions cũng đạt mốc 1.000 kỹ sư, tăng 20% so với năm trước và kỳ vọng đạt 1.200 người vào cuối năm nay. Theo chủ tịch Nguyễn Hữu Lệ, sở dĩ khả quan như vậy là nhờ có thêm nhiều khách hàng mới từ Úc và châu Âu bên cạnh thị trường Bắc Mỹ khá ổn định.

Đối với LogiGear thì nhân sự cho hai dự án chính về dầu khí và bảo mật của Halliburton và McAfee đang tăng trưởng nhanh. Vài tháng nay LogiGear đã mở thêm văn phòng miền Trung để tuyển dụng, khả năng cuối năm nay vượt qua con số 600 kỹ sư so với 400 người hồi năm 2010.

Tính ở quy mô, hiện nhiều doanh nghiệp đã đáp ứng được những dự án với hàng trăm kỹ sư trong nhiều lĩnh vực. Ví dụ GCS vốn thiên về mảng tự động hoá ở thị trường Nhật thì hiện nay phát triển giải pháp phần mềm cho mạng viễn thông vệ tinh của một khách hàng Bắc Mỹ, sử dụng hơn 100 kỹ sư và đang tiếp tục tăng lên, bên cạnh mảng quan trọng khác cũng phát triển tốt là hệ thống nhúng. Ở CSC, ngoài hai mảng trọng tâm hàng chục năm nay là y tế và viễn thông thì năm nay phát triển giải pháp bảo hiểm cho hãng Jurich lên đến cả trăm kỹ sư và dự án kéo dài nhiều năm. Ông Lệ cũng lý giải, sau khi có kinh nghiệm ở mảng viễn thông nhiều năm thì đến nay thị trường dịch vụ ứng dụng di động phát triển, doanh nghiệp trong mảng này cũng tận dụng được cơ hội khởi điểm cùng với xu hướng chung của thị trường.

Theo ông Phương, vấn đề khả quan không chỉ ở phần trăm tăng trưởng mà quan trọng nhất là mức tăng trên quy mô cũng như chất lượng hiện lớn hơn nhiều so với những năm trước. Thị trường cũng có những khác biệt tích cực nữa là ngày càng có nhiều doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu cao hơn trong các ngành công nghiệp, chứ không chỉ gia công đơn thuần. Ông Phương phân tích, xu hướng của ngành gia công toàn cầu là dịch vụ bảo hành bảo dưỡng chiếm giá trị 70%, việc phát triển phần mềm chỉ 30%. Đây là một đặc trưng đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải có nguồn nhân sự giỏi từ tiếng Anh, có năng lực ngành công nghiệp, khả năng tư vấn cho khách hàng và người của công ty gia công phải hỗ trợ khách hàng 24/7.

Theo ông Lệ, xu hướng dịch chuyển gia công để giảm chi phí vẫn đang phát triển và cơ hội này đang diễn ra trên toàn cầu chứ không riêng Việt Nam. Vấn đề quan trọng là các dự án vào Việt Nam hiện đòi hỏi kỹ thuật cao hơn, và doanh nghiệp đã đáp ứng được nhờ doanh nghiệp đã đạt được những cột mốc nhất định và được biết đến nhiều hơn. Các kỹ sư hiện nay tay nghề cũng vững hơn dù chi phí lao động giá rẻ trong nước không còn nhiều lợi thế nữa. “Nhân tố tích cực cho mảng gia công là nhân sự trong ngành đã tham gia được vào dự án chất lượng cao chứ không chỉ làm thợ IT”, ông Lệ nói.

Thêm thị trường mới

Rút kinh nghiệm về những khó khăn khi gặp khủng hoảng, đa số doanh nghiệp hiện đã phát triển đa dạng thị trường nên các rủi ro không bị dồn vào một rổ. Ví dụ, CSC mạnh ở thị trường Mỹ thì nay tăng mạnh ở thị trường châu Âu và Úc. FPT Software có lượng khách hàng lớn tại Nhật nên gặp nhiều khó khăn do đơn hàng bị giảm sau vụ động đất hồi tháng 3. Tuy nhiên, công ty này vẫn hoàn thành 70% kế hoạch năm từ quý 3, tăng 25% về doanh số và 20% lợi nhuận so với cùng kỳ. FPT Software cũng đẩy mạnh thị trường Âu – Mỹ nên cho biết vẫn đạt mục tiêu tăng trưởng 30% năm nay.

Theo ông Nguyễn Hải Triều, giám đốc Pyramid Consulting Vietnam, nhóm khách hàng Nhật của họ cũng bị suy giảm do sự cố sóng thần ảnh hưởng đến một số tập đoàn xe hơi. Tuy nhiên, nhờ tăng trưởng mạnh ở các nhóm khác nên năm nay Pyramid vẫn tăng trưởng khoảng 20%. Đặc biệt, hợp đồng lớn phát triển ứng dụng di động cho cả iOS, Android và BlackBerry tại thị trường Nam Phi sẽ hỗ trợ cho kế hoạch tăng trưởng dài hạn của Pyramid sắp tới. Nếu so với năm năm trước thì hiện khả năng hài lòng của khách hàng với đối tác Việt Nam cao hơn rất nhiều, các doanh nghiệp cũng đã linh hoạt tìm kiếm các khách hàng mới nên chắc chắn sẽ duy trì được công ăn việc làm tốt. “Điều quan trọng là nỗ lực cải tiến phương pháp phát triển dự án sao cho chi phí thấp mà chất lượng vẫn cao để cạnh tranh tốt hơn trong dài hạn”.

Ông Toàn cho biết lo ngại lớn nhất của GCS trước nay là thị trường Nhật vì đây là nơi chiếm tỷ trọng doanh thu lớn nhưng đến nay, ông đã “thở phào” vì các khách hàng của họ không bị ảnh hưởng và dự án đang tăng lên. Tương tự, ông Lệ cho biết trước đây TMA chỉ có mỗi khách hàng Nhật là Toshiba với các dự án nhỏ thì mới đây, TMA giành được dự án của Toshiba chuyển từ Đại Liên (Trung Quốc) sang Việt Nam. “Ảnh hưởng từ thị trường Nhật là có nhưng chỉ ngắn hạn, trong khi xu hướng dịch chuyển của công ty Nhật ra nước ngoài đang tăng lên, hứa hẹn đây tiếp tục là mảng thị trường gia công tốt trong những năm tới”.

Các doanh nghiệp nhận định rằng nhu cầu thị trường toàn cầu vẫn cao, các tập đoàn đều muốn đa dạng đối tác bên cạnh việc tập trung lớn vào Ấn Độ, vì thế doanh nghiệp Việt Nam đang có cơ hội. “Theo kinh nghiệm nhiều năm dẫn dắt công ty qua các chu kỳ tăng trưởng và suy giảm của ngành, theo tôi ngành mình đã thật sự bắt đầu một chu kỳ tăng trưởng mới, chu kỳ đó đã phát tín hiệu tốt từ đầu năm và sẽ tiếp tục tốt lên trong những năm tới”, ông Phương nhận định

Tuyết Ân
SGTT
19/10/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Chevron - Thương hiệu đáng tin cậy hàng đầu của nền công nghiệp ô tô
      Xu hướng mở rộng thương hiệu sẽ tiếp tục trong năm 2010
      Apple tại Việt Nam: Ngổn ngang hàng giả!
      Vietcombank chính thức bán 15% cổ phần cho Mizuho
      Kinh nghiệm đưa sản phẩm mới ra thị trường
      Tổng thống Obama sẽ tới thăm Việt Nam
      Nguyên tắc trong thiết kế website chuyên nghiệp