Welcome
Vất vả tìm khách thuê mặt bằng
Trong báo cáo thị trường TP.HCM quý 3, một trong những tiêu điểm của phân khúc mặt bằng bán lẻ mà công ty CBRE đề cập đến, đó là việc đã bắt đầu xuất hiện nhiều nhà phố thương mại trống tại một số tuyến đường “vàng” ở khu vực trung tâm

Trước đây muốn tìm một mặt bằng tại các tuyến đường buôn bán sầm uất như Đồng Khởi, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng… để mở cửa hàng thời trang, văn phòng đại diện… không dễ, và trong giới kinh doanh thường gọi đây là “những chú gà đẻ trứng vàng”. Thế nhưng trong thời gian gần đây đã bắt đầu xuất hiện hàng loạt mặt bằng được rao biển cho thuê nhưng ít khách đến hỏi.

Mặt bằng hết đẻ trứng vàng

Anh Hùng, một nhân viên môi giới cho biết, anh được chủ một mặt bằng khá lớn trên đường Hai Bà Trưng, vốn là nơi trưng bày sản phẩm một công ty điện tử lớn, nhờ tìm khách thuê. Hai tháng qua, Hùng cố gắng thoả thuận nhiều mức giá kèm theo đó là một số ưu đãi nhưng chưa thấy có người thuê. Chủ một mặt bằng khá lớn trên đường Cộng Hoà cũng than thở, hơn một năm trước, mặt bằng này được cho thuê mở cửa hàng trang trí nội thất, với mức giá cho thuê hơn 2.000 USD/tháng. Một năm trở lại đây, buôn bán ế ẩm, người thuê cứ đòi trả lại mặt bằng, dù anh đã đồng ý đàm phán giảm giá thuê xuống nhưng dường như bên thuê vẫn muốn trả mặt bằng.

Trên nhiều tuyến đường xa trung tâm thành phố như Cách Mạng Tháng Tám, Lê Văn Sỹ (quận Tân Bình)… tình hình cho thuê còn khó khăn hơn. Một số chủ cửa hàng đã đăng biển đóng cửa, chuyển địa điểm, sang lại cửa hàng.

Tại chợ Bến Thành, một trong những “điểm nóng” trong phân khúc mặt bằng bán lẻ ở TP.HCM, giá cho thuê sạp trong ba năm gần đây luôn trên 1.000 USD/sạp và có lúc đỉnh cao giá cho thuê đạt đến 4.500 USD/sạp đôi, nhưng ở thời điểm tháng 10.2011 này, cận kề tháng kinh doanh cuối năm đón khách du lịch, bán hàng tết thì giá cho thuê chỉ còn khoảng 850 USD/sạp. Bà N.T.Thu, vừa cho thuê sạp đơn ngay góc ngã tư, thuộc khu vực 2 chợ Bến Thành cho biết: “Do bán ế, nên tôi chấp nhận cho thuê giá chỉ có 17 triệu/tháng”. Một số sạp nằm trong góc khuất chợ Bến Thành, không có người thuê buôn bán, chỉ có những chủ sạp trong chợ chịu thuê làm kho chất hàng, giá chỉ còn khoảng 4 – 5 triệu đồng/tháng.

Theo nhận định từ các đơn vị tư vấn bất động sản, từ năm 2012 trở đi, dự kiến thị trường mặt bằng cho thuê tại TP.HCM sẽ có thêm khoảng 1,2 triệu m2 mới đi vào hoạt động. Trong số này tập trung chủ yếu tại quận 1, 2 và 7, nơi có nhiều trung tâm thương mại mới đang hình thành và chiếm khoảng 70% mặt bằng cho thuê trên toàn thành phố. Diện tích mặt bằng cho thuê tăng nên khó khăn hơn trong việc thu hút khách thuê, đồng thời tạo sự cạnh tranh về giá thuê giữa các trung tâm thương mại, có lợi cho bên thuê hơn.

Đóng cửa hoặc cho thuê lại

Sự sụt giảm sức mua của thị trường bán lẻ khiến nhiều doanh nghiệp đã phải quyết định đóng cửa và trả mặt bằng trước hạn. Chẳng hạn như thời trang C. từ 80 showroom đã giảm còn 45 showroom, nhãn hiệu P. từ 76 cửa hàng còn 56 cửa hàng… Anh Ninh, chủ một chuỗi cửa hàng bán đồ gỗ xuất khẩu cho biết vừa phải quyết định dẹp một tiệm trên đường Nguyễn Thái Bình, quận Tân Bình và huỷ luôn kế hoạch mở chi nhánh trên đường 3.2, chấp nhận mất tiền đặt cọc mặt bằng vì kết quả kinh doanh không đạt như kế hoạch ban đầu. Chủ doanh nghiệp này chia sẻ, chuyện mặt bằng tăng giá thực sự không phải là vấn đề lớn. Mấu chốt của vấn đề nằm ở việc buôn bán khó khăn, không đủ sức trang trải cho tất cả các chi phí nên đành phải điều chỉnh lại kế hoạch để giảm áp lực.

Đó cũng là một giải pháp mà khá nhiều người đã lỡ thuê mặt bằng dài hạn tính đến trong bối cảnh tình hình kinh doanh không lấy gì phát đạt. Chị N. Lan, quản lý của một công ty thời trang có thuê mặt bằng trên đường Hai Bà Trưng, quận 3 cho biết, năm ngoái công ty của chị đã thuê mặt tiền của hai căn nhà phố liền kề trên đường này để mở showroom. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh không tốt, trong khi đó để lấy được mặt bằng này công ty của chị đã đặt cọc khá nhiều tiền cũng như chấp nhận một giá thuê khá cao với thời hạn hợp đồng ba năm. Do đó, chị đã thu hẹp showroom cửa hàng còn một nửa và một nửa được rao cho thuê lại để bù đắp chi phí. Nhưng chị Lan vẫn chưa cho thuê được. Việc chia sẻ mặt bằng thuê đang xuất hiện khá nhiều trên tuyến đường này, chị Lan cho biết thêm

Bảo Chương – Bích Thảo
SGTT
10/10/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Nhãn Trung Quốc "đội lốt" nhãn lồng Hưng Yên
      Các yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn chiến lược giá
      Thực hiện đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng
      Lạm phát 2011: Nhận diện và giải pháp
      Bản chất của việc "làm giá" Air Blade và Exciter
      Vocarimex: Gà nhà đá nhau
      Aria Cosmetics và bài học xây dựng thương hiệu thời khủng hoảng