Welcome
Bắt đầu từ lĩnh vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước
“Tái cấu trúc nền kinh tế, không còn là lúc bàn nên hay không nên, mà phải được xác định có ý nghĩa sống còn với nền kinh tế Việt Nam”. Lời mở đầu bài phát biểu của PGS.TS Trần Đình Thiên, viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam trong buổi hội thảo về chủ đề này vừa tổ chức tại Hà Nội nhận được sự đồng thuận của hầu hết đại biểu tham dự

Tại hội thảo hội tụ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế, nhiều diễn giả chung quan điểm: lĩnh vực ngân hàng, khối doanh nghiệp nhà nước và thủ tục hành chính là những mũi nhọn cần được xem xét đầu tiên và tập trung tái cơ cấu trong quá trình thực hiện mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế.

Gồng gánh quá sức

Trung bình mỗi khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghiệp chỉ tạo ra khoảng hơn 100 triệu USD mỗi năm – quá nhỏ bé so với chi phí vốn và nguồn lực bỏ ra. Ảnh mang tính minh hoạ.

Theo viện trưởng viện Kinh tế Trần Đình Thiên, nền kinh tế nước ta mới đạt quy mô 100 tỉ USD. Để sản xuất ra 100 tỉ USD đó, nền kinh tế có tới hơn 100 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài; 100 cảng biển (tuỳ theo cách phân loại, con số này có thể tăng lên đến 260 hoặc giảm còn 70 cảng); 18 khu kinh tế ven biển, gần 30 khu kinh tế cửa khẩu, 260 khu công nghiệp, 650 cụm công nghiệp… Như vậy tính bình quân, mỗi ngân hàng, mỗi cảng biển chỉ phục vụ cho việc tạo ra chỉ chưa đến 1 tỉ USD. Tương tự như vậy, nếu trừ đi đóng góp vào GDP của nông nghiệp (khoảng 20 tỉ USD), dịch vụ (40 tỉ USD), trung bình mỗi khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghiệp chỉ tạo ra khoảng hơn 100 triệu USD mỗi năm – quá nhỏ bé so với chi phí vốn và nguồn lực bỏ ra. “Có thể thấy cấu trúc tổ chức công nghiệp của Việt Nam rất “li ti”. Và ngân sách Nhà nước đang nuôi các “khu” này hơn là các “khu” này giúp nền kinh tế phát triển”, ông Thiên nhận xét.

Phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa cho biết, theo tính toán của quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), từ năm 2007 đến nay, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam luôn vượt quá GDP tiềm năng. Cụ thể như năm 2007, tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam là 8,46%, trong khi GDP tiềm năng chỉ là 7,66%. Con số GDP thực tế/GDP tiềm năng tương ứng với các năm 2008, 2009, 2010 lần lượt là: 6,31/4,71; 5,32/3,82; 6,70/5. Hậu quả là, lạm phát trong những năm này đều tăng rất cao (trừ năm 2008, nền kinh tế có nguy cơ giảm phát). Ông Nghĩa nhận xét, diễn biến nền kinh tế Việt Nam giống như một người có thể lực đủ mang vác được 50kg, nhưng vì đói nghèo, nên lúc nào cũng gồng mình gánh nặng 70 – 80kg, và nếu không được điều trị, cứu chữa kịp thời, sẽ rơi vào tình cảnh sức cùng lực kiệt dần.

Một trong những biện pháp để tái cấu trúc mạnh mẽ, theo viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên là chúng ta phải cải cách hệ thống tiền lương một cách hệ thống. Khi nào còn tình trạng Nhà nước không nuôi nổi cán bộ của mình, chính bộ máy ấy sẽ phá vỡ kỷ cương của Nhà nước. Chỉ khi thu nhập đảm bảo, Nhà nước mới có thể gắn quyền lợi với trách nhiệm của đội ngũ cán bộ của mình.

Bắt đầu từ đâu?

Để tái cấu trúc nền kinh tế, chúng ta phải bắt đầu từ đâu, làm gì, làm như thế nào? Ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng, Việt Nam không nên và không đủ sức để đặt ra một chương trình quá “hoành tráng”, vì khó ai đủ sức “tổng chỉ huy”, kiểm soát nổi. Thay vào đó, chúng ta nhắm vào một vài chương trình tái cơ cấu then chốt – xuất phát từ đòi hỏi thực tế của thị trường là không tái cơ cấu sẽ “chết”, trong đó, theo ông Nghĩa, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay. “Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng cao, gần như không có cách nào giảm được và nếu chúng ta không kiên quyết tái cấu trúc, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cả nền kinh tế”, ông Nghĩa lo lắng. Nguyên bộ trưởng bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng cùng với nhiệm vụ ổn định vĩ mô, tái cấu trúc mạnh mẽ khối DNNN và hệ thống ngân hàng thương mại là điều cần được nhắm đến trước tiên. Ông Tuyển lưu ý: “Không nên chỉ coi cổ phần hoá là tái cấu trúc, mà quan trọng là phải chuyển đổi mạnh mẽ về năng lực quản trị. Khi đó, bản thân các doanh nghiệp tư nhân cũng phải tái cấu trúc”. Ông Tuyển kiến nghị, phải xây dựng và vận hành nền kinh tế theo hướng thị trường, thúc đẩy cạnh tranh và đó là động lực quan trọng để nâng cao hiệu quả chung. Cùng với đó, phải tái cấu trúc cơ cấu đầu tư để dịch chuyển nguồn lực hợp lý. Bởi hiện nay, nguồn lực xã hội chủ yếu dồn vào lĩnh vực bất động sản, khai thác các nguồn lợi từ đất đi, do vậy không tạo ra nền tảng bền vững.

Viện trưởng viện Chiến lực phát triển, bộ Kế hoạch và đầu tư Ngô Doãn Vịnh đặt ra vấn đề đáng suy nghĩ: khu vực nông nghiệp, thuỷ sản chỉ đóng góp 20% tỉ trọng GDP, song 70% dân số Việt Nam sống và hoạt động trong lĩnh vực này, nhưng thực tế lâu nay, các chính sách của chúng ta gần như quay lưng lại với người nông dân khi đặt quá nhiều mục tiêu, ưu đãi cho phát triển công nghiệp. “Rất nhiều nước không có công nghiệp phát triển, nhưng nền kinh tế vẫn mạnh, như New Zealand, Thuỵ Sỹ, Singapore… Nếu không xác định được mũi nhọn tái cấu trúc, chúng ta chả khác nào húc đầu vào đá”, ông Vịnh nhấn mạnh.

Thảo Nguyễn

Giám sát hệ thống tài chính theo kiểu “việc ai nấy làm”

Đó là nhận định của ông Hà Huy Tuấn, phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia tại hội thảo “Tái cấu trúc nền tài chính quốc gia: thách thức chính sách và xu hướng liên kết” do bộ Tài chính tổ chức ngày 29.9. Theo ông Tuấn, hệ thống giám sát tài chính Việt Nam hiện nay, về thực chất, được tổ chức theo mô hình chuyên ngành, nghĩa là mỗi bộ phận của thị trường tài chính được giám sát bởi một cơ quan giám sát chuyên ngành. Nói cách khác, đây là kiểu giám sát “việc ai nấy làm”. Với cách giám sát này, theo ông Tuấn, sẽ dẫn đến những kẽ hở trong thị trường. Mặt khác, hệ thống tài chính phát triển ngày càng phức tạp so với mô hình giám sát hiện nay, điển hình là sự khó phân định các hình thức dịch vụ trên thị trường tài chính, ví dụ như nghiệp vụ cho vay margin của thị trường chứng khoán đến nay chưa phân định được là dịch vụ tín dụng hay chứng khoán... Ông Tuấn cho rằng những khuyết tật, sự phức tạp của thị trường đã bộc lộ ngày càng rõ nét, đòi hỏi hệ thống giám sát tài chính phải được đổi mới nhanh chóng.

Thành Nam

SGTT
03/10/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Viettel và chiến lược marketing “ngược dòng”
      11 doanh nghiệp bị phạt vi phạm giá hàng hóa
      Kinh nghiệm đưa sản phẩm mới ra thị trường
      Đẩy mạnh xuất khẩu thông qua thương mại điện tử
      "Nhà đài” vẫn tiếp tay quảng cáo cho hàng kém chất lượng
      Hai hãng sản xuất điện tử Sony và Toshiba bán một số nhà máy cho Đài Loan
      Trung Quốc tranh mua nguyên liệu nông sản: Bài cũ học hoài chưa thuộc