Welcome
Mở cửa hàng tiện ích cho nhẹ vốn
Trong nửa đầu tháng 9, tại TP.HCM đã có gần chục cửa hàng tiện ích mới khai trương, thuộc các hệ thống Satra Foods, Co.op Food, Vissan, Seaspimex… Ước tính của các doanh nghiệp, từ đầu năm 2011 đến nay, chỉ riêng tại TP.HCM đã có cả trăm cửa hàng tiện ích mới đi vào hoạt động, nâng tổng số cửa hàng tiện ích tại TP.HCM lên hơn 1.000

Chỉ tính riêng tại TP.HCM đã có khoảng 30 hệ thống cửa hàng tiện ích khác nhau, như Shop & Go, FamilyMart, B&B, Circle K, Day – Night, 24hours, Co.op Food, Satra Foods, New Chợ… Từ đầu năm 2011 đến nay, các cửa hàng tiện ích mới mở có cơ cấu hàng hoá hơi khác so với mô hình này ở nước ngoài.

Bà Nguyễn Ánh Hoa, chủ hệ thống B&B cho biết: “Đi chợ ở cửa hàng tiện ích Việt Nam có đủ thức ăn và đồ dùng cơ bản cho gia đình hàng ngày”. Thực phẩm chiếm đến 60 – 70% hoặc nhiều hơn nữa trên tổng số các mặt hàng bày bán. Các cửa hàng tiện ích của nước ngoài thì gần như không có thực phẩm tươi sống, đông lạnh và chế biến sẵn. Trong khi đó, cửa hàng tiện ích Việt Nam lại ít bán các sản phẩm y tế như thuốc thông dụng, bao cao su, thực phẩm chức năng… (do phải có giấy phép riêng).

Hiện nay, người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên chọn mua hàng hoá có nguồn gốc rõ ràng. Giá của cửa hàng tiện ích đã cạnh tranh được với tiệm tạp hoá, lại có thêm dịch vụ giao hàng tận nơi, và nhất là lượng hàng bày bán từ 2.000 – 10.000 mặt hàng, nên có khả năng tạo ra kênh bán lẻ có khả năng tăng trưởng khá tốt.

Cửa hàng tiện ích còn là cách giúp siêu thị đưa hàng về khu dân cư, những nơi mà siêu thị khó tìm được mặt bằng đủ lớn. Bà Dương Thị Quỳnh Trang, giám đốc đối ngoại Big C xác nhận: New Chợ là nơi có hợp tác thương mại với Big C, được Big C cung ứng hàng hoá và tư vấn dịch vụ quản lý, được hỗ trợ các hoạt động kinh doanh thương mại… Bà Nguyễn Thị Tuyết Hoa, giám đốc chuỗi cửa hàng Co.op Food nhận xét: “Tại TP.HCM đường sá giao thông ngày càng chật hẹp, kẹt xe, mưa nước ngập… nên đi chợ hay siêu thị xa nhà đều vất vả. Do vậy mua sắm hàng ngày ở cửa hàng tiện ích sẽ được người tiêu dùng chọn lựa, nếu nơi đó có đủ hàng hoá”.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đầu tư vào siêu thị hay trung tâm thương mại cần vốn lớn, thời gian lâu dài, việc mở cửa hàng tiện ích được xem là giải pháp nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường bán lẻ, đồng thời mở ra cơ hội kinh doanh khá tốt trong tương lai. Hiện nay, chuỗi cửa hàng của Vissan là 76, Foodcomart và Shop & Go từ 50 – 60 cửa hàng cho mỗi hệ thống, còn lại Co.op Food có 23 cửa hàng.

Ông Lâm Minh Huy, tổng giám đốc Citimart nói: “Mở siêu thị có thể lãi cao nhưng chi phí lớn, mà nếu vắng khách thì lỗ nhiều. Mở cửa hàng tiện ích lãi thấp nhưng ít rủi ro hơn”. Cụ thể, theo tính toán của các nhà bán lẻ, mở siêu thị cần vốn tối thiểu 50 tỉ đồng, mất năm năm mới hoà vốn. Còn mở cửa hàng tiện ích cần 2 – 4 tỉ đồng, sau một năm có thể hoà vốn và sau hai năm có thể thu lãi.

Tổng giám đốc một hệ thống siêu thị lớn cho biết, đơn vị này có kế hoạch mở cả chục siêu thị mới năm 2011 nhưng vay ngân hàng lãi suất đến 24%/năm thì cầm chắc lỗ nên đành hoãn lại, mở hệ thống cửa hàng tiện ích trước”.

Bích Thảo
SGTT
26/09/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Sau DVD, nhiều DN có nguy cơ bị yêu cầu phá sản
      Thay đổi mới là ổn định!
      American Express - Với vị trí thương hiệu hàng đầu...
      Bẫy “ảo” trên thị trường chứng khoán
      Thất thu từ phụ phẩm, hạ giá mua chính phẩm
      Hai hãng sản xuất điện tử Sony và Toshiba bán một số nhà máy cho Đài Loan
      Siêu thị điện máy nhiều kế bẫy khách hàng