Welcome
Chính quyền có thể kiện doanh nghiệp?
UBND quận 12 vừa có văn bản kiến nghị UBND thành phố cưỡng chế, đình chỉ hoạt động sản xuất với các công ty, doanh nghiệp đã bị UBND TP.HCM xử phạt nhưng không khắc phục tình trạng ô nhiễm dọc kênh Tham Lương trên địa bàn quận này. Một câu hỏi đặt ra: với khung pháp luật hiện có, ai có đủ quyền buộc những kẻ giết kênh phải trả lại những gì đã lấy cắp từ môi trường?

Ngọn roi phạt hành chính

Hàng chục cơ sở dệt nhuộm xả thải thẳng ra rạch Cây Liêm trên đường Nguyễn Văn Quá, quận 12, nước bẩn từ đây đổ ra kênh Tham Lương. Ảnh: Lê Quỳnh

Trước lời “cầu cứu” của quận 12, liệu chừng chính quyền quận đã “bó phép” trước nạn xả thải của hàng chục doanh nghiệp đang đóng trên địa bàn phường Đông Hưng Thuận, ven dòng Tham Lương? Trước hết, theo thẩm quyền xử phạt được quy định tại nghị định 81 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, chủ tịch phường và UBND quận có quyền phạt tiền từ 500.000 đồng đến 20 triệu đồng và buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do hành vi vi phạm gây ra. Với lực lượng có sẵn là thanh tra phòng tài nguyên và môi trường và cảnh sát, việc bắt quả tang xả thải không phải chuyện khó, dù có thể làm không xuể. Trong những năm qua, quận, phường đã xử phạt nghiêm túc và buộc khắc phục bao nhiêu trong hàng chục doanh nghiệp vi phạm này? Chưa kể, tuy không có các quyền thu hồi các loại giấy phép (kinh doanh, xả thải...) hoặc tạm đình chỉ hoạt động của các doanh nghiệp, nhưng họ vẫn có quyền kiến nghị UBND thành phố làm việc này.

Có thể nhiều doanh nghiệp sẽ chủ động xả thải và sẵn sàng nộp phạt bởi “rẻ hơn tiền bỏ ra xử lý nước thải”, hiện tượng này sẽ gây khó cho quận. Thành thử, việc cầu cứu cấp trên, ở đây là UBND thành phố, là cần thiết. Sở Tài nguyên và môi trường – cơ quan tham mưu – cũng có nhiều thẩm quyền xử lý. Ngoài quyền xử phạt của chánh thanh tra, sở còn có quyền đề nghị UBND thành phố đóng cửa doanh nghiệp. Cuối cùng, người có quyền lớn nhất – chủ tịch UBND thành phố – có toàn quyền để buộc cống xả của khoảng 30 doanh nghiệp bên dòng Tham Lương phải ngưng xả, nếu sử dụng hết các quyền năng của mình: tạm đình chỉ hoạt động, tước giấy phép kinh doanh, giấy phép môi trường vô thời hạn, cưỡng chế di dời đến vùng xa dân cư... Sau khi xử phạt, thành phố có thể giao cho quận trực tiếp kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quyết định này.

Liệu với chừng ấy quyền phép, một doanh nghiệp có mưu đồ “ăn cắp môi trường” tại kênh Tham Lương liệu có chống đỡ nổi để tồn tại? Thực tế từ trước tới nay, vì nhiều lý do, trong các quyết định xử phạt doanh nghiệp gây ô nhiễm thường “quên” các hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả. Thành thử, phạt xong đâu vẫn nguyên đấy...

Mạnh tay đòi bồi thường

Có thể nhiều doanh nghiệp sẽ chủ động xả thải và sẵn sàng nộp phạt bởi “rẻ hơn tiền bỏ ra xử lý nước thải”, hiện tượng này sẽ gây khó cho quận. Thành thử, việc cầu cứu cấp trên, ở đây là UBND thành phố là cần thiết.

Theo thống kê của UBND quận 12, nguyên nhân gây ô nhiễm làm chết con kênh này chỉ tập trung ở phường Đông Hưng Thuận. Có tới 50 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất về nhuộm, giặt tẩy, chế biến cao su có phát sinh khí thải vào khu dân cư và nước thải ra kênh Tham Lương. Theo thống kê này, trách nhiệm xác định thiệt hại và yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với con kênh Tham Lương sẽ thuộc UBND quận 12, theo nghị định 113 của Chính phủ về xác định thiệt hại đối với môi trường.

Nghị định số 113 nêu, UBND cấp huyện có trách nhiệm tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn của mình. Tương tự, UBND cấp huyện có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ hai xã, thị trấn, thị tứ trở lên.

Cái khó ở khâu xác định thiệt hại và yêu cầu các doanh nghiệp gây ô nhiễm ven kênh Tham Lương sẽ là trình tự thủ tục phải như thế nào. Vì chưa có tiền lệ, chắc chắn quận sẽ phải thỉnh thị cấp trên: sở Tài nguyên và môi trường, UBND thành phố hoặc bộ Tài nguyên và môi trường (cơ quan chịu trách nhiệm hướng dẫn). Dù không dễ dàng buộc kẻ gây ô nhiễm phải trả tiền làm sống lại kênh Tham Lương, nhưng thỉnh thị cấp trên một cách làm (theo luật), chắc chắn hợp pháp và dễ được chấp nhận hơn việc chuyển trách nhiệm xử lý vi phạm lên cấp trên.

Doãn Khởi

Buộc kẻ gây ô nhiễm chứng minh

Một cái khó nữa đối với cơ quan quản lý nhà nước (và cũng là chỗ núp của các doanh nghiệp gây ô nhiễm) là có nhiều người cùng thải ra trên con kênh Tham Lương. Nhiều người cùng gây thiệt hại cũng là tình trạng khá phổ biến trong lĩnh vực môi trường. Luật Bảo vệ môi trường quy định, trong trường hợp có nhiều tổ chức, cá nhân cùng gây ô nhiễm môi trường thì cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm phối hợp với các bên liên quan để làm rõ trách nhiệm của từng đối tượng trong việc khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường.

Tuy nhiên, trên thực tế không dễ dàng xác định chính xác mức độ “đóng góp” của dệt may Thái Tuấn chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong hành trình gây ô nhiễm con kênh. Trong trường hợp này, một thẩm phán đưa nguyên tắc “bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau”, một giải pháp đã được bộ luật Dân sự tính đến trong trường hợp này. Theo pháp luật dân sự, để đảm bảo sự công bằng trong áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường, nếu người gây thiệt hại chứng minh được mức độ mà mình gây thiệt hại đối với môi trường là không đáng kể thì họ chỉ phải bồi thường thiệt hại theo phần tương ứng với mức độ gây hại đó. Nghĩa vụ chứng minh lúc này, thuộc về đối tượng gây thiệt hại sẽ giúp các tổ chức, cá nhân nâng cao hơn trách nhiệm bảo vệ môi trường cũng như nâng cao năng lực tự bảo vệ mình trong lĩnh vực này.

Dự án công trình tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên của sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM đang triển khai với tổng kinh phí cả hai giai đoạn dự án khoảng 6.300 tỉ đồng. Tất nhiên, con số hàng ngàn tỉ đồng đổ xuống con kênh Tham Lương không chỉ vì ô nhiễm, nhưng làm sống lại con kênh chết sẽ tốn một phần không nhỏ trong khối tiền ngân sách trên

Doãn Khởi
SGTT
22/09/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Doanh nghiệp công bố lỗ khoảng 700 đồng/lít xăng
      Top 500 thương hiệu: Microsoft “tái chiếm” số 1 từ Google
      Nhập khẩu gặp khó, điện thoại xách tay lên ngôi?
      Tìm lợi thế chiến lược ở đâu?
      Bốn cách xây dựng niềm tin
      Bạn đang gắn kết hay chỉ tạo sự chú ý nơi khách hàng?
      Dụng cụ học tập: hàng nội thua trên sân nhà