Welcome
Thị trường điện máy, điện tử: Khó kiểm soát!
Gần đây, nhiều trung tâm điện tử, điện máy tập trung xây dựng hệ thống bán hàng để tạo niềm tin cho khách hàng. Thế nhưng vấn đề chất lượng vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ

Thực tế các hệ thống này bán hàng chất lượng tạp nham, hàng không hóa đơn chứng từ, hàng xách tay, trôi nổi… Hầu hết sản phẩm trong các trung tâm, siêu thị điện tử, điện máy hiện nay thường có xuất xứ từ Trung Quốc, chất lượng không được kiểm soát, giá rẻ, nhìn qua rất bắt mắt nhưng mua về xài một thời gian phải… đem bỏ.

Nhiều thương hiệu lạ

Nắm bắt tâm lý chuộng hàng rẻ lại có nhiều tính năng của khách, các nhãn hiệu điện thoại di động (ĐTDĐ) lạ hoắc xuất hiện ngày càng nhiều như: Go, Alo, Italk, Avio, Ring, SH Phone, PPhone, Blue Phone… Các mặt hàng trên không thấy ghi rõ xuất xứ trên bảng giới thiệu, nhưng khi được hỏi, nhân viên tư vấn “rao” đây là thương hiệu “X” từ châu Âu, thương hiệu “Y” từ Singapore, thương hiệu “Z” từ Hongkong… nhưng thực chất là hàng “Made in China”, thậm chí có một số nhãn hiệu được lắp ráp tại Việt Nam nhưng mọi công đoạn để tạo ra sản phẩm đều từ Trung Quốc.

Hiện nay, tại Trung Quốc có khá nhiều nhà máy sản xuất thiết bị gốc. Những nhà máy này thường sản xuất ĐTDĐ theo một loạt mẫu mã, các đối tác kinh doanh chỉ việc chọn lựa model, cân nhắc giữa kiểu dáng, tính năng, số lượng đơn hàng và giá bán để quyết định đặt hàng và được đặt tên thương hiệu theo ý mình. Vì chạy theo giá cả, các nhà nhập khẩu tại Việt Nam không đòi hỏi nhiều về chất lượng, từ đó chất lượng cũng thả nổi, và việc không có linh kiện thay thế xảy ra thường xuyên do nhà cung chỉ sản xuất theo lô. Khi đó, cửa hàng vẫn có lý do rất hợp lý để giải thích với khách: “Hàng sản xuất phục vụ riêng cho từng trào lưu tiêu dùng, hiện nay kiểu dáng này đã ngưng sản xuất để nhường chỗ cho model mới hơn, nên không có linh kiện thay thế. Muốn có linh kiện phải đặt hàng giá cao, nhưng phải chờ gom đủ số lượng mới đặt hàng được”. Cứ như vậy, khách hàng mua máy giá rẻ nhưng tốn tiền sửa chữa gần bằng giá mua.

Dạo quanh các cửa hàng chuyên kinh doanh mặt hàng công nghệ thông tin tại TPHCM, người tiêu dùng cũng có thể nhận thấy bên cạnh các thương hiệu nổi tiếng, còn có sự xuất hiện của các thương hiệu lạ lẫm như: chuột Delux, keyboard Macsaite, tai nghe Iwin, sạc pin Vipow… Các mặt hàng này giá tương đối rẻ, xuất xứ hầu hết cũng từ Trung Quốc. Đặc biệt, khi mua bộ máy tính, khách hàng cũng rất dễ nhầm lẫn về chất lượng sản phẩm vì cửa hàng thường giấu tên hãng sản xuất các linh kiện đã lắp trong máy, chỉ ghi thông số kỹ thuật. Do vậy, với người không phải trong nghề, khó có thể kiểm chứng được chất lượng thật của sản phẩm.

Bên cạnh những thương hiệu lạ trong lĩnh vực điện tử, nhiều mặt hàng điện máy khác cũng “trình làng” với những tên na ná với những thương hiệu tên tuổi như máy xay sinh tố Pensonic (gần giống thương hiệu Panasonic), quạt Rowenta, bếp điện Cornell, nồi lẩu Tatung… Khách hàng không chú ý sẽ dễ nhầm lẫn với những thương hiệu khác.

 Chất lượng thả nổi

TPHCM hiện có chợ Nhật Tảo tại quận 10 chuyên cung cấp hàng nhái, hàng thương hiệu lạ, muốn hiệu nào có hiệu nấy, muốn bao nhiêu có bấy nhiêu, và đặc biệt giá rất thấp. Trong đó, điện thoại, USB, máy nghe nhạc MP3, MP4, nồi cơm điện, bàn ủi, bếp điện, máy sấy tóc... được làm dỏm nhiều nhất với “mác” ăn theo những thương hiệu nổi tiếng như Nckia, Nokig (Nokia), Ciphone (iphone)…

Chị N.T, ngụ tại Tân Bình, kể lại một kinh nghiệm thương đau khi mua phải sản phẩm có thương hiệu lạ: “Lúc đầu tôi vẫn quyết định mua một chiếc điện thoại “Made in China” vì giá quá rẻ, kiểu dáng cũng hợp thời trang, cộng thêm người bán tư vấn quá hay. Tuy nhiên, khi về dùng thử mới phát hiện âm thanh của tai nghe không đều nhau, nói chuyện một chút là máy nóng bỏng lỗ tai, nếu vừa sạc pin vừa nói chuyện thì rất nguy hiểm vì tôi cảm thấy như có dòng điện chạy vào cơ thể mình”. Biết mua phải máy chất lượng kém, nhưng vì giá thành rẻ nên chị đành bấm bụng tự an ủi: “tiền nào của nấy!”.

Nắm được tâm lý “sính” hàng rẻ và “thời trang” của người tiêu dùng, giới kinh doanh hàng điện máy gần đây bất chấp uy tín thương hiệu, liên tục nhập ồ ạt các sản phẩm không tên từ Trung Quốc về rồi tự xây dựng thương hiệu theo hướng thiên về tính năng đa dạng, kiểu dáng thời trang để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng hơn là quan tâm đến chất lượng sản phẩm hay hoạt động hậu mãi. Chính vì thế, ma trận nhãn hiệu điện tử giả, nhái và kém chất lượng trên thị trường cứ thế tăng lên và ngày càng tinh vi. Người tiêu dùng vẫn tiếp tục đặt ra nhiều nghi vấn, liệu có tiêu cực gì, tại sao cơ quan chức năng không vào cuộc can thiệp để tình trạng bát nháo thị trường ngày càng nghiêm trọng? Các đại diện thương hiệu nước ngoài cũng không thấy có động thái gì chống hàng gian, hàng giả, hàng nhái sản phẩm của mình để bảo vệ người tiêu dùng?

SGGP
13/09/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Thêm khu đô thị lớn nhất tỉnh Vĩnh Phúc
      Nâng cao tiếng nói của người tiêu dùng
      Xe nội “hồi sinh”
      Dow Jones chính thức vượt ngưỡng 11.000 điểm
      Làm sao để doanh nghiệp trường tồn?
      Nhập siêu từ Trung Quốc : Ba giải pháp kiềm chế
      Smartlink và VNBC mở rộng kết nối liên thông