Welcome
Giữ vững tinh thần trong sóng gió
Những khó khăn của nền kinh tế đang khiến nhiều doanh nhân mất tinh thần, phó mặc cho số phận. Trong tình cảnh đó, các doanh nhân thân hữu của TBKTSG đã có cuộc bàn tròn (diễn ra hôm 24-8-2011) bàn cách vượt qua sóng gió, đồng thời cùng động viên nhau giữ vững bản lĩnh và tinh thần doanh nhân để vượt khó

Sống trong lo lắng

Hiện nay, tâm trạng chung của giới doanh nhân là hoang mang và lo lắng. Dường như niềm tin vào sự phục hồi của nền kinh tế quá mong manh đến nỗi thay vì tin vào bản thân, một số người lại đặt niềm tin vào những lực lượng siêu nhiên, xem đó như một chỗ dựa tinh thần trước những bất ổn của doanh nghiệp.

Trong khó khăn, người thì tìm quên trong những đêm tụ tập ca hát; người thì đi du lịch, tạm gác lại nỗi lo; người thì tìm đến bạn bè để có được những lời động viên, hay dành thời gian chăm sóc người thân, gia đình; có người thúc đẩy nhân viên “nhắm mắt chèo tới” vì không còn đường lùi...

Chứng kiến cái chết của những doanh nghiệp bạn, doanh nghiệp đối thủ, họ chợt lo cho số phận của mình.

Địa ốc và chứng khoán là nơi chịu nhiều sóng gió, khiến doanh nghiệp hai ngành này tưởng như không thể chịu đựng nổi. Ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Công ty Thương mại Dịch vụ Ngạc Nhiên, dùng từ “sợ” để nói về tâm trạng của mình. Ông cho biết không thể nào định hình được tương lai sẽ đi về đâu.

Dù đã tìm mọi cách huy động vốn, tìm đủ chiêu để chia sẻ rủi ro với khách hàng, “nhưng với tình hình này thì chẳng chóng thì chày, các doanh nghiệp trong nước sẽ tắt thở và lúc đó giới đầu tư nước ngoài sẽ có mặt và mua lại dự án với giá bèo”, ông Phong chia sẻ. Ông lo rằng viễn cảnh doanh nghiệp bất động sản trong nước phải “làm công” cho doanh nghiệp nước ngoài không còn xa.

Lĩnh vực chứng khoán, nói như ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, Tổng giám đốc Công ty Chứng khóa Sen Vàng, đang lâm vào tình trạng bi đát, giới đầu tư ai nấy đều rất hoang mang. Các công ty chứng khoán, theo ông Chinh, số thì đang sống lay lắt, số thì đã chết lâm sàng, và sức chịu đựng gần như đã cạn.

Tương lai của các công ty chứng khoán đang rất bất định. Những giải pháp về mặt chính sách thì vẫn chưa cho thấy hiệu quả. Tất cả đang ở trong một vòng luẩn quẩn, hậu quả của cái này chưa giải quyết xong đã lo chống chọi với cái kia.

Sa thải công nhân là một bài toán hóc búa mà giới doanh nhân đang đối mặt. Lo vấn đề lương cho công nhân trong thời bão giá đã là một chuyện khó, sa thải công nhân lại là chuyện khó hơn. Vì ngoài lòng kiêu hãnh của doanh nhân, vốn là cái tôi rất lớn, còn là trách nhiệm xã hội, cũng như là sự dự phòng khi thị trường phục hồi, lúc đó sẽ khó tuyển công nhân.

Giữ vững tinh thần trong sóng gió

Hàng trăm, hàng ngàn công nhân đã sát cánh với doanh nghiệp trong những năm qua vẫn hướng ánh mắt chờ đợi về doanh nghiệp. Uy tín, sự kiêu hãnh và bản lĩnh doanh nghiệp như trỗi dậy. Không ai bảo ai, tất cả đều tự nhủ: điều tiên quyết trong lúc này là phải giữ vững tinh thần.

Theo ông Nguyễn Trí Kiên, Giám đốc Công ty May túi xách Minh Tiến, nỗi sợ có thể do cảm xúc gây nên. Vì thế, vấn đề là phải chiến đấu với cảm xúc, nếu không trong bão tố cái sợ sẽ làm cho mình chết trước. “Nỗi sợ lấn át lý trí khiến ta không biết đầu tư ở đâu, quản lý thế nào, khiến cho tư duy phân tán”. Vì thế, điều cần thiết là phải thoát ra khỏi nỗi sợ.

Ông Đoàn Đình Quốc, Tổng giám đốc DQ Corp, công ty sản xuất kính xây dựng có 400 lao động, cho rằng doanh nghiệp đã “dũng cảm” khi biết vượt lên định kiến của bản thân để tìm cách ứng xử với khủng hoảng.

Ông Quốc cho biết trước đây DQ không màng đến phân khúc giá rẻ hay bỏ qua những khách hàng nhỏ, thì giờ đây những sản phẩm giá rẻ đã được sản xuất. Ông cùng đội ngũ nhân viên đã đến từng đại lý, chăm sóc từng khách hàng để lấy lại thị trường, nhằm bù đắp phần doanh số sụt giảm. “Là doanh nhân, phải dũng cảm đối mặt với khủng hoảng, con nợ, nhân viên của mình, và tinh thần đó mang đến niềm tin mình sẽ vượt qua”, ông Quốc nói.

Theo ông Kiên, đây là thời điểm những bài học từ sách vở cần được áp dụng, từ việc nâng cao nguồn nhân lực đến áp dụng các công cụ quản lý, tăng năng suất, giảm hao phí... Hơn lúc nào hết, thời điểm này cần đề cao việc sử dụng hiệu quả đồng vốn, chế ngự được cơn sợ hãi và đầu tư thêm cho công việc kinh doanh bán lẻ. “Hiện tại mỗi tháng tôi vẫn đều đặn khai trương nhiều điểm bán hàng mới để tăng thêm lưu lượng tiền mặt cho công ty”, ông nói.

Cách làm của ông Dương Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Austdoor, doanh nghiệp sản xuất cửa cuốn ở Hà Nội, là xác định chiến lược dài hạn. Chính điều này làm cho nhân viên biết đích đến ở đâu, và hiểu rằng những khó khăn hiện tại chỉ là ngắn hạn. Việc nghiên cứu sản phẩm mới, mở rộng thị trường ra nước ngoài đang được doanh nghiệp này thực hiện, với niềm tin “sẽ vượt qua được bằng chiến lược lâu dài, vì thế đội ngũ nhân viên vẫn vững tin, không ai ta thán”.

Ông Đỗ Hòa, Giám đốc Công ty Tư vấn chiến lược IME, nhìn nhận đây là lúc doanh nghiệp cần nhìn lại mình, và “tái cơ cấu ngược với những gì đã tái cơ cấu trước đó”. Thay cho phân quyền là tập quyền, thay cho tuyển dụng là cắt giảm lao động, thay cho giải pháp tình thế là chiến lược lâu dài, thay cho mở rộng là co cụm phòng thủ, với mục tiêu cuối cùng là để doanh nghiệp tồn tại. “Cơ hội bây giờ chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn, vì thế cơ chế quản lý cũng phải thích nghi và phản ứng nhanh với thị trường”, ông nhận định.

Không phủ nhận chuyện hoang mang và xao động khi khủng hoảng ập đến, nhưng các doanh nhân nhận ra rằng: nếu người đứng đầu doanh nghiệp dao động sẽ làm ảnh hưởng lớn đến đội ngũ bên dưới, và lúc đó doanh nghiệp sẽ nguy khốn. Hơn ai hết, với họ, việc giữ vững cơ nghiệp là điều quan trọng nhất lúc này, và chờ một ngày tươi sáng sẽ đến

Hoàng Hà
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online
08/09/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Sau 24 lần bị kiện, taxi nhái vẫn cứ hoành hành
      Nhìn lại chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
      Truyền thông kỹ thuật số đang lấn át ngành báo in Mỹ
      Nhân lực quản trị doanh nghiệp: Tìm ở đâu?
      Chiến lược tiếp thị thời khủng hoảng
      Giá vàng nhích nhẹ
      Mất nhãn hiệu là mất thị trường