Welcome
Đoàn DN Mỹ lớn nhất tìm cơ hội đầu tư ở Việt Nam
Trong buổi gặp gỡ báo giới chiều ngày 7.9 tại Hà Nội, nhân chuyến thăm Việt Nam của đoàn doanh nghiệp Mỹ được coi là lớn nhất từ trước đến nay (hơn 40 công ty), ông Alexander C. Feldman, chủ tịch hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) nhấn mạnh, các doanh nghiệp Mỹ rất quan tâm và lạc quan về triển vọng ở Việt Nam nên lần này muốn đến để trực tiếp thảo luận với Chính phủ mới

Sau khi lặp đi lặp lại triển vọng tốt của môi trường kinh doanh ở Việt Nam, ông Feldman cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp Mỹ vẫn đang rất quan ngại một số vấn đề của Việt Nam như lạm phát, giá trị của VND, các bất ổn kinh tế vĩ mô. Đó là những “quan ngại thực sự”, mà các doanh nghiệp đang phải “vượt qua hàng ngày”.

Do đó, đại diện của hãng quản lý quỹ KKR đã nói lên “nỗi lòng” của các doanh nghiệp Mỹ là, “trong chuyến thăm lần này, chúng tôi rất quan tâm đến định hướng chính sách của Chính phủ mới ở Việt Nam. Đặc biệt chúng tôi muốn tìm hiểu về về chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ, cách tiếp cận chung để phát triển kinh tế cho Việt Nam trong thời gian tới”.

Đáng chú ý, ông Feldman cho hay, một trong những nội dung quan trọng của chuyến thăm này là đoàn đã thảo luận rộng rãi với bộ Công thương nói chung và tập đoàn Điện lực Việt Nam về hợp tác năng lượng. Các doanh nghiệp Mỹ đã bàn về năng lượng khí đốt, năng lượng mặt trời, năng lượng hạt nhân với Việt Nam. Tuy nhiên, “với năng lượng hạt nhân thì còn nhiều việc phải làm và nhiều bước đi cần thực hiện về phía Chính phủ hai bên. Thảo luận các vấn đề này còn đang tiếp diễn”, ông nói.

Chia sẻ ý kiến này, ông Stuart Dean, Chủ tịch GE (General Electric) khu vực ASEAN cho biết, ông rất ấn tượng về chính sách đa dạng hoá nguồn năng lượng của EVN, điều đó có nghĩa thị trường sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các nhà cung ứng, trong đó có GE.

“Khi xem xét tiềm năng thì chúng tôi thấy rằng nhất định chúng tôi phải có mặt ở Việt Nam vì ở đây có những cơ hội rất tốt, tiềm năng lớn”, ông Dean nói. Hiện GE đang tiến hành nhà máy sản xuất turbine gió và hơi nước ở Hải Phòng, và GE rất lạc quan về các cơ hội mới ở Việt Nam.

Về phía Chevron, hiện đang chuẩn bị tài liệu để ký với đối tác Việt Nam một dự án về dầu khí, bao gồm cả khai thác khí ngoài khơi và xây dựng đường ống, xây dựng các nhà máy điện.

Đại diện của KKR thì cho hay, là nhà đầu tư dài hạn, KKR nhận thấy Việt Nam có những thế mạnh và ưu điểm, đặc biệt về dân số cũng như tốc độ tăng trưởng ấn tượng vài năm qua. Bên cạnh đó, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam càng ngày càng phát triển và phương thức tiêu dùng của những người có thu nhập cao trong xã hội cũng là động lực để KKR quyết định đầu tư dài hạn ở Việt Nam, vì thị trường tiêu dùng ở Việt Nam chắc chắn sẽ có tiềm năng phát triển rất lớn trong tương lai gần.

Trả lời câu hỏi của Sài Gòn Tiếp Thị, về việc đầu tháng 8, phó đại diện Thương mại Mỹ Demetrios Marantis cho rằng, khu vực châu Á – Thái Bình Dương là trọng tâm chính sách thương mại của Mỹ và Việt Nam là trọng tâm trong chính sách ở khu vực này, thì các doanh nghiệp Mỹ có cùng quan điểm không, ông Feldman cho hay, việc đoàn doanh nghiệp Mỹ lần này đến Việt Nam có quy mô lớn nhất từ trước đến nay đã thể hiện tầm quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp Mỹ quyết định vào thị trường nào, thời điểm nào, như thế nào thì phụ thuộc vào mỗi công ty, chứ không tất cả các công ty đều giống nhau. “Các công ty Mỹ không có nghĩa vụ phải chấp hành chỉ thị từ các nhà ngoại giao, các nhà lãnh đạo Mỹ mà tự đưa ra quyết định cho mình”, ông nói.

Theo kế hoạch, ngày 8.9, đoàn sẽ gặp gỡ bộ Kế hoạch và đầu tư, chào Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và một phó Thủ tướng

Việt Anh
SGTT
08/09/2011
  CÁC TIN KHÁC
      5 sự thật hiển nhiên các Marketer cần biết về truyền thông kỹ thuật số
      Dow Jones chính thức vượt ngưỡng 11.000 điểm
      Ra chợ sắm đồ đắt tiền
      Sau 24 lần bị kiện, taxi nhái vẫn cứ hoành hành
      Doanh nhân nữ Việt Nam nhạy bén với thương mại điện tử
      Nhà vô địch thương hiệu World Cup 2010: Adidas hay Nike ?
      “Dế” thông minh HP sẽ chỉ dùng WebOS