Welcome
“Ổn định kinh tế của Việt Nam sẽ rất vất vả”
Hôm qua (6.9), tại buổi tham vấn, góp ý kiến cho các chính sách kinh tế của Việt Nam mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp chủ trì, lắng nghe, nhiều chuyên gia kinh tế nước ngoài tuy thừa nhận kinh tế Việt Nam đang có nhiều tin tốt nhưng cũng thẳng thắn cho rằng, các bất ổn kinh tế vĩ mô Việt Nam đang bị lặp lại và ngày càng gay gắt

Những cái nhất đáng lo

Trong phần trình bày của mình, ông Deepak Mishra, chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng Thế giới (WB) điểm lại hàng loạt “những cái nhất đáng lo ngại” của Việt Nam như lạm phát trong tám tháng đầu năm ở mức 23% so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất ở châu Á; VND là đồng tiền duy nhất ở châu Á giảm giá so với USD; dự trữ ngoại tệ đạt tám tuần nhập khẩu, mức thấp nhất kể từ năm 1994, trong khi hầu hết các nước châu Á khác đều tăng dự trữ ngoại tệ; nợ nước ngoài ở mức 42% GDP (cao hơn nhiều nước ở ASEAN); rủi ro tín dụng ở mức 400 điểm chuẩn (bp), trong khi hầu hết các nước Đông Nam Á khác đều dưới 200 bp; lợi nhuận từ thị trường chứng khoán thuộc mức thấp nhất ở châu Á. “Thách thức mà nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt thực sự nghiêm trọng khi đặt trong góc độ lịch sử của Việt Nam và so với các quốc gia khác trong khu vực”, ông Mishra kết luận.

Đại diện WB Việt Nam thừa nhận, kinh tế Việt Nam đang có một số “tin tốt lành” như: tốc độ tăng trưởng khá cao, xuất khẩu tăng mạnh trong tám tháng (33,7%), tỷ giá hối đoái ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng và mức độ bất ổn kinh tế vĩ mô là “ở mức vừa phải”.

Tuy nhiên, vị này cho rằng, những thành quả đó còn “mong manh”, ví dụ như xuất khẩu các mặt hàng (không kể dầu thô và vàng) không tốt lắm, có dấu hiệu về sức ép mới lên tỷ giá hối đoái). Đáng chú ý, sức ép lạm phát sẽ tiếp tục tăng cao trong quý 4.

Bà Victoria Kwakwa, giám đốc quốc gia của WB nhận xét: “Có lúc nền kinh tế (Việt Nam) có sự ổn định tạm thời do các triệu chứng được xử lý, nhưng nguyên nhân gốc thì chưa được giải quyết”. Theo bà này, do cấu trúc doanh nghiệp và ngành ngân hàng của Việt Nam bị bóp méo nên việc ổn định kinh tế sẽ rất vất vả. “Nếu trì hoãn việc tái cấu trúc thì có thể dẫn đến khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng hơn trong tương lai”, bà Kwakwa góp ý.

Quan ngại về ngân hàng

Theo một số chuyên gia nước ngoài tại hội thảo, những bất ổn kinh tế vĩ mô của Việt Nam có những nguyên nhân nội tại như đầu tư không hiệu quả, doanh nghiệp công không hiệu quả… nhưng đáng lo ngại nhất hiện nay là ngành ngân hàng dễ bị tổn thương. Theo đại diện WB, tính dễ tổn thương đó ở chỗ: tăng trưởng tín dụng nhanh (trung bình 35% trong ba năm qua) và tỷ lệ tín dụng cao trên GDP (125%); có nghi ngờ về chất lượng danh mục dự án (nợ xấu) – rủi ro do yếu kém trong doanh nghiệp nhà nước, các khoản vay cho thị trường bất động sản và chứng khoán đang đi xuống, lãi suất cao dẫn đến nghi vấn liệu vốn ngân hàng có đủ không? “Hệ thống ngân hàng cũng yếu về giám sát và thực hiện các quy định về cẩn trọng và những khoảng cách so với chuẩn mực quốc tế; yếu kém về công bố thông tin và tính minh bạch; các chính sách có tính chất xử lý tình huống”, ông này nói.

Ngoài ra, theo ông Deepak Mishra, WB lo ngại về việc thiếu thông tin cập nhật đáng tin cậy về dự trữ ngoại hối, thâm hụt ngân sách, đầu tư công… Đặc biệt là các tín hiệu đưa ra thị trường không rõ ràng. Do đó, WB đề xuất tăng cường thực hiện nghị quyết 11 để xử lý hiệu quả những vấn đề cấu trúc và ngăn chặn bất ổn định lặp lại. “Nới lỏng thực hiện nghị quyết 11 có thể tạm thời giảm căng thẳng cho các doanh nghiệp nhà nước được đầu tư quá mức, nhưng có thể sẽ gây bất ổn kinh tế vĩ mô trầm trọng hơn và có thể dẫn đến khủng hoảng (kép) cán cân thương mại và ngân hàng”, ông này nói.

Bày tỏ ý kiến lo ngại “Việt Nam có nới lỏng chính sách tiền tệ hơi sớm”, ông Benedict Bing Ham, chuyên gia cao cấp của IMF tại Việt Nam cho rằng, Chính phủ Việt Nam nên “tập trung nhiều hơn trong chính sách tiền tệ để kỳ vọng lạm phát giảm xuống”. Theo ông này, bằng việc làm tăng niềm tin vào tiền đồng mới có cơ sở để giảm lãi suất.

Một số ý kiến góp ý khác đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực nông nghiệp, nông thôn, hạn chế tăng nợ xấu và tránh đổ vỡ thị trường bất động sản. Thực hiện các biện pháp giảm thiểu rủi ro, giảm nợ xấu, tăng cường năng lực giám sát tài chính và cảnh báo rủi ro tài chính. Rút dần can thiệp hành chính trên thị trường tín dụng, tiền tệ, ngoại hối. Thực hiện các biện pháp hạn chế áp lực tăng tỷ giá vào cuối năm 2011 và đầu năm 2012. Tiếp tục thắt chặt tài khoá, cắt giảm đầu tư công một cách quyết liệt.

Thủ tướng: “Sẽ không dao động về mục tiêu…”

Sau khi nghe các ý kiến tư vấn của các đối tác, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ vẫn quyết liệt điều hành theo nghị quyết 11, tập trung ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. “Chúng tôi không dao động mục tiêu này, không chạy theo tốc độ tăng trưởng, mà xem tăng trưởng tốc độ GDP là một nội dung để ổn định kinh tế vĩ mô”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ sẽ cố gắng giữ các chỉ tiêu: lạm phát cả năm 2011 ở mức 18%, và đưa xuống một con số vào năm sau 2012; tăng trưởng GDP duy trì ở mức 6% để đảm bảo an sinh xã hội và ổn định vĩ mô. Để đạt được các mục tiêu này, Chính phủ sẽ kiểm soát tăng trưởng dư nợ tín dụng dưới 20% trong năm 2011, có thể không nhất thiết là sử dụng hết chỉ tiêu tăng 20%; tiếp tục giữ ổn định tỷ giá. Về lãi suất, Thủ tướng cho biết sẽ điều hành theo hướng lãi suất giảm đi liền với giảm lạm phát, lãi suất ngân hàng có giảm thì mục tiêu tăng dư nợ tín dụng cũng không được vượt lên tới 20%.

Theo Thủ tướng, song song với các giải pháp trước mắt, Chính phủ sẽ chỉ đạo đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, giảm đầu tư xã hội để giảm tổng cầu, giảm lạm phát, tăng hiệu quả đầu tư công, minh bạch đầu tư công. Ông cũng cho biết, sắp tới sẽ đẩy nhanh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. “Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tập trung tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, các định chế tài chính”, Thủ tướng nói với đại diện các tổ chức nước ngoài. Ngoài ra, nhiệm vụ lớn của Chính phủ sắp tới là tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tập trung cho doanh nghiệp nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu

Thiên Bình
SGTT
07/09/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Bật mạnh về cuối phiên, Phố Wall lập đỉnh mới
      Doanh nghiệp siêu nhỏ "lững thững" với hóa đơn
      Chanel – Thời trang có thể thay đổi nhưng phong cách vẫn còn sống mãi
      Kim ngạch nhập khẩu vải tháng 1/2010 từ các thị trường hầu hết đều giảm so tháng 12/2009
      Lego – Học mà chơi, chơi mà học
      Nhập khẩu gặp khó, điện thoại xách tay lên ngôi?
      Yamaha VN: Ra mắt hai dòng xe mới