Welcome
Cái gì cũng hỏi!
Nhiều người đã than phiền như vậy về “đoạn trường” thủ tục đầu tư, trong đó khâu “hỏi ý kiến các sở, bộ, ban ngành liên quan” càng ngày càng bị lạm dụng, gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp

Biến thành “người chuyển công văn”!

A - một nhà đầu tư nước ngoài yêu cầu giấu tên nộp hồ sơ lên Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TPHCM xin làm thủ tục đầu tư để thực hiện quyền xuất nhập khẩu một số mặt hàng nông sản. Theo cam kết với WTO và quy định của pháp luật (*) , trừ một số loại hàng hóa đặc biệt, đây là lĩnh vực Việt Nam cho phép đầu tư dưới hình thức 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh. Pháp luật không những quy định rõ trình tự cũng như các loại giấy tờ của hồ sơ xin đầu tư mà còn nhấn mạnh rằng cơ quan nhà nước quản lý về đầu tư căn cứ vào quy định để cấp hoặc bổ sung giấy chứng nhận đầu tư mà không cần phải hỏi ý kiến của Bộ Thương mại (nay sáp nhập thành Bộ Công Thương) (**) .

Tuy nhiên, trên thực tế trường hợp xin cấp phép của nhà đầu tư A vẫn được sở KH&ĐT đưa đi hỏi ý kiến. Điều đáng nói ở đây là sở không hỏi Bộ Công Thương mà lại làm công văn hỏi một loạt các cơ quan khác như Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thế nhưng, có lẽ do thấy việc hỏi không phù hợp hoặc vì những lý do khác nên các cơ quan được hỏi đều không có phản hồi dù đã quá thời hạn luật định.
Theo nhiều luật sư, thông thường trong trường hợp trên cơ quan quản lý về đầu tư sẽ lại gửi công văn hỏi tiếp. Hệ quả là thủ tục bị kéo dài lê thê, đặc biệt với những ngành nghề như phân phối, dịch vụ thời gian giải quyết có khi kéo dài từ vài tháng đến cả năm trời. “Theo quy định, sở KH&ĐT là cơ quan chịu trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và trình cho UBND tỉnh, thành phố quyết định việc cấp phép. Nhưng với cách làm như hiện nay, sở đang thực thi trách nhiệm của mình chẳng khác gì một người chuyển công văn”, một luật sư phát biểu.

Theo nhận xét của các luật sư và nhiều doanh nghiệp, cách thức giải quyết thủ tục đầu tư dường như không thống nhất trên cả nước. Ví dụ như ở ban quản lý các khu công nghiệp Bình Dương, Đồng Nai… việc đăng ký thực hiện quyền xuất nhập khẩu hàng hóa hoặc trong nhiều trường hợp khác của nhà đầu tư được giải quyết nhanh chóng. Ngược lại, một số địa phương khác lại bị phàn nàn là giải quyết chậm, trong đó nguyên nhân một phần do thủ tục “hỏi ý kiến”. Một doanh nghiệp cho biết như ở Quảng Trị có trường hợp cơ quan quản lý về đầu tư còn yêu cầu nhà đầu tư phải tự đi hỏi các cơ quan của ngành thuế về một vấn đề liên quan đến thuế thì thủ tục mới được giải quyết.

Tù mù

Luật Đầu tư không có bất kỳ điều khoản nào quy định về việc phải “hỏi ý kiến các cơ quan liên quan”. Nghị định 108/2006/NĐ-CP của Chính phủ lại có điều khoản quy định trong trường hợp thuộc diện phải thẩm tra dự án đầu tư thì “cơ quan tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm tra của sở, ngành liên quan; trường hợp cần thiết thì gửi hồ sơ lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan” (***) .

Các luật sư cho rằng đây là một quy định mơ hồ vì không rõ thế nào là trường hợp cần thiết; nội dung cần lấy ý kiến là gì và các bộ, ngành liên quan ở đây cụ thể bao gồm những cơ quan nào... Chính quy định không rõ ràng cộng với sự không rạch ròi về trách nhiệm công vụ đã dẫn đến sự lạm dụng và hình thành thói quen “cái gì cũng hỏi” của một số cơ quan quản lý về đầu tư.

Nhưng không chỉ việc hỏi mà ngay cả việc trả lời cũng là vấn đề đáng bàn. Theo các luật sư, có không ít trường hợp công văn hướng dẫn trả lời của các bộ, ngành cũng rất chủ quan. Ví dụ, trả lời sở KH&ĐT về một trường hợp xin thành lập công ty dịch vụ xây lắp công nghiệp, Bộ Xây dựng cho rằng đây là một loại hình dịch vụ nghề nghiệp, không phải là loại hình đưa vốn vào Việt Nam để tạo ra tài sản. Vì vậy, không nên khuyến khích thành lập doanh nghiệp này để hoạt động tại Việt Nam. Ý kiến trên của Bộ Xây dựng là rất chủ quan, vừa không có cơ sở pháp lý, vừa hiểu sai vấn đề về vốn, tài sản.

Còn và còn rất nhiều công văn trả lời tương tự như trên của các bộ, ngành. Hệ quả là hàng loạt doanh nghiệp bị điêu đứng vì ắch tắc, khó khăn trong thủ tục đầu tư.

Sau thời kỳ Luật Doanh nghiệp 1999 và Luật Doanh nghiệp 2005 Chính phủ đã từng có những nỗ lực để minh bạch hóa thị trường, trong đó đặc biệt là minh bạch hóa về điều kiện đầu tư, kinh doanh. Khi các điều kiện gia nhập thị trường được quy định rõ ràng thì cơ quan cấp phép chỉ cần dựa vào đó để thực thi, không cần phải hỏi ai, xin ai và trường hợp nào cũng được giải quyết như nhau. Thủ tục “hỏi ý kiến” (cho từng trường hợp xin cấp phép) và việc lạm dụng thủ tục này thực chất đang cản trở nỗ lực minh bạch hóa thị trường, đồng thời tạo cơ hội cho tiêu cực, tham nhũng sinh sôi, nảy nở.

________________________________________________

(*) Quyết định số 10/2007/QĐ-BTM của Bộ Thương mại về lộ trình thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa.

(**) Khoản 3, điều 5 Nghị định 23/2007/NĐ-CP ; điểm b, khoản 1, mục II Thông tư 09/2007/TT-BTM của Bộ Thương mại.

(***) Khoản 1, điều 49 Nghị định 108/2006/NĐ-CP

Tiến Tài
TBKTSG
29/08/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Có nên vay tiền mua nhà?
      Vì sao hàng Việt Nam bị thu hồi tại Mỹ tăng?
      Nghìn lẻ một lý do nhà đầu tư “đổ xô” vào vàng
      Cuộc cạnh tranh giữa các mạng di động đã bắt đầu
      Ngân hàng “ăn hết” lãi của doanh nghiệp
      Cải cách hành chính: Nhiều doanh nghiệp chưa thể cảm nhận
      Cơ hội và nguy cơ của các nhà bán lẻ Việt Nam năm 2010