Welcome
Tinh thần Luật Doanh nghiệp còn không?
Thành quả lớn nhất mà Luật Doanh nghiệp 1999 và Luật Doanh nghiệp 2005 mang lại là tạo ra bước đột phá về tư duy, từ tư duy cơ chế xin-cho sang tư duy tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền tự do kinh doanh của người dân. Thế nhưng, theo các chuyên gia, đang có những xu hướng đáng lo ngại khiến cho thành quả mang tính nền tảng ấy bị “lung lay”.

Nhiều rào cản mới 

Bao trùm trên hết, theo TS. Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, là xu hướng can thiệp vào thị trường của Nhà nước nhằm kiểm soát nền kinh tế nổi lên trong vài năm trở lại đây. Mật độ can thiệp ngày càng dày đặc, rộng khắp với việc đưa hàng loạt mặt hàng, lĩnh vực vào diện bị kiểm soát giá như sữa, thuốc, lương thực, thực phẩm, thức ăn gia súc, xi măng, vàng... Trong bối cảnh như vậy, quá trình tự do hóa thị trường nói chung và quyền tự do kinh doanh nói riêng tất yếu cũng phải bị ảnh hưởng.

Bà Phạm Chi Lan, chuyên viên kinh tế, cũng cho rằng so với thời kỳ Luật Doanh nghiệp 1999 và Luật Doanh nghiệp 2005 mới ra đời thì những năm gần đây “tinh thần Luật Doanh nghiệp” có vẻ đang chùn xuống. Người ta không còn cảm nhận được không khí cải cách, đổi mới vì một môi trường thuận lợi cho kinh doanh như ngày trước. “Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập vẫn tiếp tục tăng, kể cả sáu tháng đầu năm nay nhưng con số đó vẫn không thể bù đắp nổi một thực tế đáng lo ngại hiện nay”.

Theo bà Lan, nếu như trước đây hầu hết các bộ ngành, địa phương đều sẵn sàng cải cách để tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng thì bây giờ những tiếng nói như thế đang trở nên ít đi. Trong khi đó, nhiều rào cản kinh doanh mới lại được âm thầm dựng lên thông qua việc áp dụng các biện pháp hành chính, các điều kiện kinh doanh, các giấy phép con...  Một ví dụ minh chứng là năm 2001, có hơn 150 giấy phép con đã từng được bãi bỏ. Tuy nhiên, thời gian gần đây hàng loạt giấy phép con vẫn tiếp tục ra đời bất chấp một số lượng nhất định thủ tục hành chính được cắt giảm theo Đề án 30 của Chính phủ. 

Khi hợp nhất các luật thành Luật Doanh nghiệp chung là nhằm tạo một sân chơi thống nhất, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Thế nhưng, trên thực tế do sự chồng lấn của Luật Đầu tư mục tiêu này đã không đạt được.

Theo TS. Nguyễn Quốc Vinh, Công ty Luật Tilleke & Gibbins, để tránh làm tổn thương đến quyền tự do kinh doanh, pháp luật của nhiều quốc gia chỉ cho phép đặt ra điều kiện kinh doanh trong trường hợp nhằm bảo vệ lợi ích công cộng. Còn ở ta thì có lúc mục đích là để dễ quản lý, có lúc lại mù mờ, không rõ nhằm bảo vệ ai. Rút cuộc doanh nghiệp phải gánh chịu thiệt hại.

Hàng loạt quy định gây nên những ách tắc không đáng có vừa qua như quy định về vốn điều lệ; chào bán cổ phần riêng lẻ... là những ví dụ cụ thể. Ngoài ra, trong thực tế doanh nghiệp còn bị áp đặt bởi những điều kiện, rào cản thiếu minh bạch do các cơ quan cấp phép hoặc các bộ, ngành tự đặt ra.

Ví dụ gần đây nhất là việc một số cơ quan đăng ký kinh doanh địa phương yêu cầu phải thực hiện thủ tục đầu tư khi thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp có “yếu tố nước ngoài” hoặc Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu ghi và mã hóa ngành, nghề theo danh mục ngành, nghề cấp bốn khi thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh.

Ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban pháp chế kiêm Phó tổng thư ký VCCI, cũng thừa nhận trong quá trình xây dựng các điều kiện kinh doanh, hầu hết các cơ quan soạn thảo vẫn chưa thực hiện tốt việc đánh giá tác động pháp luật; việc giải trình mục tiêu bảo vệ lợi ích công cộng vẫn còn quá “trừu tượng”, “chung chung”. Đặc biệt, theo ông, vẫn chưa xây dựng được một bộ máy công chức thân thiện để có thể thực thi Luật Doanh nghiệp một cách hiệu quả hơn.

Chồng lấn

Sự chồng lấn của một số luật chuyên ngành với Luật Doanh nghiệp, theo luật gia Cao Bá Khoát, Giám đốc Công ty Tư vấn KAC, cũng đang gây ra nhiều hệ quả làm tổn hại đến quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Theo ông, chức năng của Luật Doanh nghiệp là để khai sinh và tổ chức bộ máy hoạt động của doanh nghiệp. Thế nhưng, nhiều văn bản luật lại tìm cách lấn sân sang chức năng ấy của Luật Doanh nghiệp, tạo nên những thủ tục hết sức phức tạp, lòng vòng trong đầu tư kinh doanh.

Ví dụ, Luật Đầu tư quy định: giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Hoặc theo luật về kinh doanh bảo hiểm, Bộ Tài chính cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì trao quyền cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy phép đối với hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động; Luật Chứng khoán thì Ủy ban Chứng khoán cấp phép thành lập và hoạt động đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán...

“Một doanh nghiệp chỉ được “đẻ” và khai sinh một lần bằng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Nay lại cấp thêm giấy giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nữa nghĩa là sao?”. Ông Khoát gọi đây là hiện tượng “gặm nhấm” Luật Doanh nghiệp bởi các văn bản luật chuyên ngành. Tình trạng gặm nhấm này không những làm cho thành quả của Luật Doanh nghiệp mai một dần mà còn tạo ra những cơ chế quyền lực xin - cho rất tai hại.

Theo luật gia Khoát, bộ luật gây ra sự chồng lấn nhiều nhất là Luật Đầu tư nên sớm được bãi bỏ. “Lúc này, chỉ còn lại một vấn đề là cam kết với WTO thì chúng ta cứ theo lộ trình mà thực hiện. Nếu mở cửa thì ta cho “đẻ” theo Luật Doanh nghiệp, còn chưa mở thì thôi, không được “đẻ”. Việc gì cứ bắt doanh nghiệp phải làm thủ tục đầu tư một cách khổ sở, dấm dúi như vậy?!”, ông Khoát đề nghị.

Mặt khác, khi hợp nhất các luật thành Luật Doanh nghiệp chung là nhằm tạo một sân chơi thống nhất, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Thế nhưng, trên thực tế do sự chồng lấn của Luật Đầu tư mục tiêu này đã không đạt được. Sự phân biệt giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn rất lớn.

Và ngay cả giữa các doanh nghiệp trong nước, theo chuyên gia Phạm Chi Lan, cũng có những khoảng cách đáng báo động. Đó là việc nổi lên các nhóm lợi ích từ các tập đoàn kinh tế nhà nước và một số tập đoàn kinh tế tư nhân. “Những nhóm lợi ích này tìm cách bắt tay với những người có quyền có chức để thiết kế chính sách sao cho có lợi cho họ. Cạnh tranh trên thị trường vì thế càng trở nên bất bình đẳng trầm trọng”, bà Lan phát biểu.

Cần có chế tài thực hiện cam kết góp vốn

Các quy định khác nhau về vốn điều lệ trong Luật Doanh nghiệp (DN) và Nghị định 102/2010 đang là những sơ hở dễ bị lợi dụng lừa nhà đầu tư. Luật DN thì quy định vốn điều lệ là số vốn do các thành viên, cổ đông góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào điều lệ công ty. Nhưng Nghị định 102 lại quy định vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng giá trị mệnh giá số cổ phần đã phát hành; số cổ phần này phải được thanh toán đủ trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Mặc dù Luật DN không hạn chế thời gian các thành viên công ty TNHH được cam kết góp vốn nhưng Nghị định 102 quy định cho công ty TNHH thời hạn không quá 36 tháng phải góp đủ số vốn đã cam kết, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Vì quy định này mà hầu hết các công ty TNHH khai vốn thoải mái vì không có hạn chế nào khi làm thủ tục thành lập doanh nghiệp.

Thực tế đã có nhiều trường hợp lợi dụng quy định này để lừa bên thứ ba nhờ cam kết một nguồn vốn ảo rất lớn nhưng không hề có khả năng bảo đảm trên thực tế. Vì vậy, đồng thời với việc tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thỏa thuận hợp tác, góp vốn thành lập công ty TNHH, Luật DN cần có chế tài buộc các nhà đầu tư phải công khai và thực hiện đúng các cam kết góp vốn để bảo vệ quyền lợi cho chủ nợ, khách hàng và các nhà đầu tư khác.

M.K

Chưa kiểm soát được việc lạm quyền

Luật Doanh nghiệp (DN) thiếu các quy định nhằm kiểm soát việc lạm quyền của hội đồng quản trị (HĐQT), tổng giám đốc (TGĐ) và các chức danh quản lý khác.

Thực tế hiện nay, ở một số công ty cổ phần như các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp lớn đang bị một số thành viên HĐQT đang thâu tóm và lũng đoạn hoạt động của công ty bằng tỷ lệ sở hữu cổ phần. Bởi vì, Luật DN chỉ cấm cổ đông rút vốn trực tiếp từ công ty nhưng lại không cấm thành viên HĐQT hoặc TGĐ dùnga tài sản của công ty để bảo đảm cho khoản tiền vay của cổ đông dùng để mua cổ phần của chính công ty đó hoặc dùng tài sản của công ty cho cổ đông vay để mua cổ phần của công ty. Về bản chất thì đây không phải là việc rút vốn ra khỏi công ty, nhưng lại làm giảm vốn thực tế của công ty, dẫn đến thiệt hại cho các cổ đông nhỏ khác.

Bên cạnh đó, Luật DN cũng chưa có các quy định nhằm hỗ trợ các cổ đông liên kết với nhau để thực hiện được các quyền của cổ đông trong việc tham gia quản trị doanh nghiệp.

Theo thông lệ quốc tế, để bảo vệ các cổ đông nhỏ, HĐQT bắt buộc phải có sự tham gia của các thành viên độc lập, không phụ thuộc vào tỷ lệ sở hữu cổ phần, các thành viên độc lập này sẽ có tiếng nói trong HĐQT một cách khách quan, độc lập, bảo vệ lợi ích chung của công ty, lợi ích của số đông các cổ đông nhỏ, chứ không chỉ bảo vệ quyền lợi cho phần vốn góp như các thành viên HĐQT khác.

Ở Việt Nam chưa có các quy định tương tự, các thành viên HĐQT đều đại diện cho tỷ lệ góp vốn theo quy định hoặc theo Điều lệ công ty. Thực tế thì các cổ đông nhỏ hầu như không có quyền gì trong hoạt động quản trị doanh nghiệp, mọi việc đều phụ thuộc vào quyền quyết định của các cổ đông lớn, các thành viên HĐQT và TGĐ.

Hiện nay, Luật DN chưa có quy định mạnh mẽ trong việc bảo vệ cổ đông thiểu số trước các hành vi lạm dụng trực tiếp hoặc gián tiếp của các cổ đông nắm quyền kiểm soát.

Bản chất của nhiều công ty cổ phần là công ty gia đình, trong đó các thành viên của một gia đình nắm phần lớn số lượng cổ phiếu của công ty và qua đó nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp. Khi đó lợi ích của các cổ đông nhỏ lẻ bên ngoài thường không được coi trọng trong quá trình hoạch định chiến lược kinh doanh cũng như quyết định quan trọng của công ty. Các cổ đông này dù biết rõ các hành vi lạm quyền, gây thiệt hại cho các cổ đông của các thành viên HĐQT, TGĐ nhưng không có căn cứ pháp lý nào để khởi kiện. Các cổ đông nhỏ hầu như không tham gia được vào quá trình giám sát hoạt động của ban quản trị doanh nghiệp.

Minh Khuê

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online
26/08/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Doanh nghiệp siêu nhỏ "lững thững" với hóa đơn
      Giá trị thương hiệu và đạo đức kinh doanh
      Đã có siêu thị ô tô đầu tiên của Việt Nam tại Cần Thơ
      Mổ xẻ nguyên nhân giá tân dược liên tục tăng
      Giảm chi phí nhờ bán hàng mạng
      Khuyến khích phát triển tập đoàn kinh tế tư nhân
      Làm gì khi thương nhân Việt Nam bị “thủng lưới” trên sân nhà?