Welcome
Doanh nghiệp nhỏ, nỗi lo lớn
Thiếu tiền, thiếu thông tin, thiếu đối tác... là nỗi lo thường trực khiến hàng loạt doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ở Đà Nẵng phải điều chỉnh việc kinh doanh của mình.

Thiếu đủ thứ

Ông Văn Hữu Thiết - Phó chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Đà Nẵng - cho biết tại TP Đà Nẵng có 13.000 DNNVV đang hoạt động. Hiện có rất nhiều DN gặp khó khăn do thiếu vốn, thiếu thông tin về thị trường, đối tác...   nên gặp rủi ro trong kinh doanh. Đó là thông tin về cơ chế chính sách, pháp luật; thông tin về sản xuất, kinh doanh, thị trường, giá cả; thông tin về khách hàng, đối tác, đối thủ cạnh tranh... "Không có thông tin chính thống, DN bị động và phải luôn đối phó, điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh của mình", ông Thiết nói. Phát biểu với các DNNVV khu vực miền Trung, ông Tạ Đình Xuyên - Phó giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) - khẳng định: "Đối với các DN, thông tin là cơ sở của các quyết định.

Thông tin kịp thời và chính xác sẽ tạo điều kiện để đưa ra các quyết định đúng đắn, tránh hoặc giảm được rủi ro". Đơn cử như chuyện nắm được đầy đủ thông tin về khách hàng của mình là ai, muốn gì, DN có thể chủ động tìm hiểu được các chiến lược sản phẩm, dịch vụ, cách thức phân phối hàng… của đối tác mình như thế nào để có biện pháp và chiến lược kinh doanh phù hợp. Mặt khác, theo ông Văn Hữu Thiết, nỗi lo lớn nhất của DNNVV ở Đà Nẵng chính là lãi suất ngân hàng quá cao. "Đây là lý do làm cho gần 50% trong tổng số DNNVV ở Đà Nẵng bị đình trệ, đuối sức dẫn đến thu hẹp sản xuất" - ông Thiết nói. Ngoài ra, nhiều DNNVV chưa chuẩn bị đầy đủ về nguồn nhân lực, thiếu kinh nghiệm quản trị, thiết bị, công nghệ cũ kỹ, lạc hậu, không đầu tư mở rộng thị trường...

Doanh nghiệp cần gì?

Theo ông Thiết, để DN có thể vượt qua giai đoạn khó khăn, mong chờ lớn nhất chính là điều chỉnh lãi suất vay đang còn quá cao như hiện nay nhằm hỗ trợ tối đa cho sự tồn tại và phát triển của DN, nhất là DNNVV. "Trước mắt, chúng tôi mong mức sàn cho vay không quá 20%/năm, ít nhất cho 6 tháng cuối năm 2011; tăng thêm một chu kỳ nợ đối với những DN đến hạn trả mà chưa thể trả được thay vì phải ghi vào nợ xấu; giảm thuế thu nhập DN (30% đối với các DN xuất khẩu và 50% đối với các DN sản xuất hàng tiêu dùng nội địa)", ông Thiết kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho DNNVV trong giai đoạn hiện nay. Cũng theo ông Thiết, có thể giãn thời hạn nộp thuế VAT cho DNNVV từ 90 ngày (theo quy định) lên 180 ngày. Trong khi chờ đợi các chính sách hỗ trợ, DNNVV cũng tự thân vận động để tồn tại.

Cuối tháng 7.2011, tại Đà Nẵng, Phòng TM-CN Việt Nam phối hợp với Viện Phát triển doanh nghiệp Ấn Độ, Trung tâm phát triển DNNVV Ấn Độ tổ chức hội thảo nhằm hỗ trợ DNNVV hội nhập thị trường toàn cầu. Theo các chuyên gia, khủng hoảng được xem là giai đoạn “lửa thử vàng” đối với DN. Để tồn tại, các DN phải tự điều chỉnh, tìm giải pháp thích hợp và hướng đi mới. Đây chính là cơ hội để DNNVV nâng cao năng lực và trưởng thành hơn.

Viện Quản lý kinh tế trung ương (Bộ KH-ĐT) và dự án “Phát triển cụm các DNNVV” cũng vừa tổ chức hội thảo tại Đà Nẵng nhằm đề xuất giải pháp phát triển cụm DNNVV ở Việt Nam. Dự kiến các chính sách thúc đẩy phát triển cụm DNNVV sẽ được trình Chính phủ vào cuối năm nay.

Nguyễn Hữu
Thanh Niên
12/08/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Những sự kiện BĐS nổi bật nửa đầu năm 2011: Sốt, thắt, liệt, tháo...
      Doanh nghiêp kỳ vọng sức mua hàng điện tử tăng
      Công nghiệp chế biến nông sản và nông nghiệp: Còn khập khiễng
      Sản phẩm công nghệ thông tin Việt: chật vật đường ra
      Vòng tròn đã mở rộng
      Dịch vụ internet: đầu tư mười, chờ gặt hái ba
      Hiện tại, theo công ty Chứng khoán Dầu khí, ROA trung bình nhóm ngành này là 5,26% và ROE trung bình là 14,3%.