Welcome
Dụng cụ học tập: hàng nội thua trên sân nhà
Hàng năm, các công ty sản xuất đồ dùng học tập trong nước cố gắng đưa ra nhiều mẫu mã sản phẩm mới nhưng vẫn không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc rẻ, tiện dụng lại đẹp mắt

Gian hàng dụng cụ học tập của nhà sách Tiền Phong trên phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội những ngày này tấp nập phụ huynh, học sinh đến mua sắm. Không cần giới thiệu, cũng chẳng đặt ở vị trí đẹp nhưng các sản phẩm lạ mắt, đầy màu sắc được các em học sinh lui tới lựa chọn. Cũng là bút sáp, bút dạ, bút chì màu nhưng có hàng chục mẫu mã khác nhau và đều thấy “made in China” với giá khá mềm. Ngay bên cạnh là sản phẩm bút dạ của Việt Nam vẫn là những mẫu truyền thống: hộp bút dạ 12 màu đựng trong vỏ nilông đã tồn tại bao năm nay không thay đổi.

Chị Việt Linh, ở phố Ngọc Hà đang đưa con gái mua sắm đồ dùng năm học mới cho hay, hầu hết các sản phẩm con gái chọn đều của Trung Quốc hoặc Thái Lan vì nó khá đẹp, lại mới lạ. Chẳng hạn, chiếc lọ để bút trên bàn học nhưng của Trung Quốc thiết kế thành hình con vật ngộ nghĩnh với đủ các loại bút, thước, tẩy… giá chỉ 34.000 đồng, “trong khi đó hàng trong nước chỉ là những ngăn hình tròn đơn điệu”.

Những chiếc ví vải kéo khoá hình con thú rất ngộ nghĩnh giá từ 29.000 – 80.000 đồng. Trong khi đó, các công ty trong nước chỉ dừng lại ở hộp sắt, hộp nhựa một ngăn để tất cả các loại giá cũng 20.000 – 35.000 đồng. Chị Kim Oanh, nhân viên nhà sách Tiền Phong cho biết, “hầu hết các đồ dùng học tập là của Trung Quốc hoặc Thái Lan”. Hàng trong nước chủ yếu là vở viết, nhãn vở, giấy kiểm tra, bút bi, bút mực… Những sản phẩm này dùng tiếng Việt nên không có hàng Trung Quốc hay Thái Lan.

Chị Oanh chỉ sang ngăn bút của các công ty Thiên Long, Bến Nghé, Hồng Hà… nói, “dù có khá nhiều loại khác nhau nhưng mẫu mã đã quá quen thuộc nhiều năm qua”. Còn hàng Trung Quốc năm nay vẫn là các loại bút nhưng vỏ bên ngoài in màu sắc rất cầu kỳ, mặc dù giá các loại ngang nhau. Ngay cả những chiếc gọt bút chì đơn giản cũng có hàng chục kiểu với giá từ 5.000 – 25.000 đồng/chiếc nhưng không thấy bóng dáng của hàng trong nước. Hay bộ compa (bốn chiếc) – vật dụng đơn giản – cũng chỉ có hàng Trung Quốc với giá từ 14.000 – 20.000 đồng/bộ.

Tại chợ Đồng Xuân, chị Lan kinh doanh mặt hàng này cho hay, trên 80% dụng cụ học sinh như bút viết, thước kẻ, cục gôm, hộp bút, đồ chuốt bút chì... là hàng Trung Quốc, Thái Lan. Hàng trong nước được các công ty bày bán ở siêu thị, có hệ thống bán hàng riêng. Cũng theo chị Lan, người tiêu dùng thường chọn hàng ngoại; “cùng giá thành nhưng hàng của họ đẹp, mẫu lạ hơn”. Với cặp, hàng trong nước chỉ có màu đen, xanh với hình thù con vật quá quen thuộc trong khi hàng ngoại biết nắm bắt sở thích con trẻ đưa vào các nhân vật trên phim hoạt hình. Giá dao động 120.000 – 350.000/chiếc cặp tuỳ loại, có cả dây đeo và kéo.

Năm nay, mặc dù các công ty trong nước đã có nhiều chương trình khuyến mãi nhưng vẫn không thu hút được người mua so với hàng Trung Quốc. Hàng nội đã thua ngay trên sân nhà

Lệ Hà
SGTT
12/08/2011
  CÁC TIN KHÁC
      5 cách để tối ưu hoá tác dụng của các kênh bán hàng trực tuyến cho các sản phẩm cao cấp
      Vàng “dập dềnh” tăng giá
      Lắng nghe khách hàng bằng mạng xã hội
      Nhìn lại chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
      Đại gia nhà nước sắp "vỡ trận" hàng loạt vì thắt chặt tiền tệ?
      Bình luận từ cuộc chiến mì gói
      Cơ hội trúng hàng nghìn giải thưởng lớn của Electrolux