Welcome
Nghìn lẻ một lý do nhà đầu tư “đổ xô” vào vàng
"Chúng tôi vẫn đang thuyết phục mọi người đưa vàng vào danh mục đầu tư của họ như một phần của chiến lược đa dạng hóa các mặt hàng", Katherine Klingensmith, chiến lược gia thuộc hãng UBS Wealth Management Research, cho hay

Trả lời trên trang tin của kênh truyền hình CNBC, chiến lược gia này bổ sung, "hiện vẫn có một chút lo lắng về tính toàn vẹn cấu trúc của các thị trường tài chính", do đó vẫn có vô số người tìm kiếm 'chỗ núp" để tránh những tác động từ đà tăng trưởng yếu của thế giới.

Kết thúc phiên giao dịch đêm qua, trên thị trường New York (Mỹ), giá vàng quốc tế loại hợp đồng giao tháng 12/2011 lại xác lập kỷ lục mới khi lên tới 1.782,5 USD/oz, trước khi chốt phiên ở 1.743 USD/oz, tăng 29,8 USD, tương ứng 1,7% so với phiên liền trước.

Thị trường chứng khoán Mỹ cũng hồi phục mạnh. Chốt phiên 9/8, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 429,92 điểm (+3,98%) lên 11.239,77 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 53,07 điểm (+4,74%) lên 1.172,53 điểm. Chỉ số Nasdaq nhảy 124,83 điểm (+5,29%) lên 2.482,52 điểm.

Tuy nhiên, tình trạng bán tháo cổ phiếu sau khi Standard & Poor hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ đã đẩy giá trị của thị trường trái phiếu toàn cầu lên mức cao kỷ lục. Chỉ số Broad Market toàn cầu Chỉ số này đã tăng 1,09% trong tháng này, do giá trị cổ phiếu toàn cầu bị mất khoảng 2.500 tỷ USD, gia tăng thua lỗ trên thị trường cổ phiếu kể từ ngày 26/7 lên đến 7.800 tỷ USD.  

Hôm qua, kết thúc cuộc họp chính sách, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết sẽ duy trì chính sách lãi suất siêu thấp từ 0%- 0,25% đến giữa năm 2013, trong bối cảnh đà phục hồi kinh tế thấp hơn kỳ vọng.

Trong tuyên bố của mình, FED đánh giá: "Các điều kiện kinh tế hiện hành, bao gồm các mức lãi suất thấp để sử dụng nguồn lực và triển vọng lạm phát giảm bớt trong trung hạn - nhiều khả năng sẽ khiến lãi suất quỹ liên bang tiếp tục duy trì ở mức đặc biệt thấp cho tới giữa năm 2013."

Với chính sách này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hy vọng sẽ kích thích người Mỹ tăng chi tiêu, thúc đẩy nền kinh tế vốn tăng trưởng “rất thấp” so với dự báo của họ đưa ra trong cuộc họp hồi tháng 6.

FED cũng đưa ra nhận định, nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng yếu hơn trong thời gian tới và dự kiến lạm phát sẽ không có trong tương lai gần. Tỷ lệ thất nghiệp, hiện đang ở mức 9,1%, sẽ có xu hướng đi xuống nhưng chậm và đều.

Cùng với việc duy trì lãi suất cơ bản, cơ quan này cũng cho biết đã sẵn sàng sử dụng các công cụ bổ sung để giải quyết tình trạng thất nghiệp cao và mức chi dùng yếu kém của các hộ gia đình Mỹ.

Quyết định này của FED được giới phân tích cho là nỗ lực lớn nhất kể từ tháng 11 năm ngoái nhằm khôi phục kinh tế và tăng cường niềm tin thị trường. Tuy nhiên, điều này cũng là một tín hiệu cho thấy sẽ không có chương trình nới lỏng tín dụng thứ ba (QE3).

“Nhà đầu tư cảm thấy thất vọng vì không có gói QE3, nhưng bản tuyên bố cũng cho thấy chính phủ sẽ không sẵn sàng để kích thích kinh tế”, chiến lược gia cao cấp Adam Klopfenstein thuộc tổ chức MF Global Holdings Ltd cho biết. Theo ông, những lo lắng về kinh tế vẫn hỗ trợ tốt cho giá vàng.

Trong một động thái khác, hôm qua (9/8), Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã chủ trì Hội nghị thường vụ Quốc vụ viện, đánh giá tình hình và bàn biện pháp đối phó với những biến động của tình hình tài chính thế giới đối với nước này.

Hội nghị chỉ rõ thị trường tài chính thế giới hiện đang có biến động mạnh mẽ, các yếu tố không xác định và bất ổn trong quá trình phục hồi của nền kinh tế thế giới tăng lên, Trung Quốc cần quan sát và đối phó bình tĩnh, phòng tránh hữu hiệu với những biến động rủi ro.

Trung Quốc cần giữ được tính liên tục, ổn định, nâng cao tính linh hoạt, tính dự báo, chủ động về mức độ, nhịp độ và trọng tâm trong điều chỉnh vĩ mô, xử lý tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng, điều chỉnh kết cấu và quản lý lạm phát, ra sức kiềm chế mức độ tăng giá, áp dụng biện pháp tổng hợp giữ cho kinh tế tài chính ổn định.

Hôm qua, cơ quan thống kê nước này cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của Trung Quốc đã bất ngờ vọt lên 6,5%, ngược với dự báo của giới phân tích. Điều này dự kiến sẽ làm tăng thêm sức ép lên các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc trong bối cảnh thế giới đang có quá nhiều rủi ro.

Nguyên nhân chính khiến lạm phát của Trung Quốc tăng vọt là bởi chi phí thực phẩm tháng qua đã tăng tới 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng giá thịt lợn, thực phẩm quan trọng ở Trung Quốc, đã vọt tới gần 57% trong tháng 7.

Liên quan tới một nền kinh tế khác cũng thuộc châu Á là Nhật Bản, tổ chức đánh giá tín dụng Moody's vừa cảnh báo nước này rằng, việc can thiệp tiền tệ không hiệu quả của Chính phủ Nhật sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mức nợ công cao ngất ngưởng hiện nay, cũng như nỗ lực khôi phục tài chính.

Hiện nợ công của Nhật đã lên hơn 11.000 tỷ USD, cao gấp đôi trị giá kinh tế nước này. Như vậy, tiếp sau Mỹ bị Standard & Poor đánh tụt hạng tín dụng từ AAA xuống còn AA+, nền kinh tế Nhật Bản cũng đang bị hãng đánh giá tín dụng nổi tiếng của Mỹ, Moody's, đưa vào diện xem xét.

Moody cảnh báo, việc Nhật đơn phương can thiệp thị trường tiền tệ và nới lỏng chính sách tiền tệ hồi tuần trước làm cho đồng Yên hạ giá so với USD, nhưng kết quả sau đó cho thấy những điều chỉnh này chỉ có tính ngắn hạn và có thể gây tổn thương cho nền kinh tế.

Theo tổ chức trên, một mình Nhật Bản thi hành chính sách tiền tệ sẽ không thể giúp giải quyết các vấn đề ngày một nghiêm trọng ở đây, như chi phí tái thiết khổng lồ sau thiên tai và thảm họa hạt nhân, chi phí cải cách phúc lợi xã hội… nhằm mục đích vực dậy nền kinh tế.

Đánh giá chung về triển vọng khu vực châu Á, tổ chức xếp hạng tín dụng Standard and Poor's cảnh báo, khu vực này sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn nếu xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lần thứ hai, nhất là các nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động xuất khẩu.

Standard and Poor's cho rằng, nếu trường hợp xấu nhất là một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lần thứ hai xảy ra, thì khu vực châu Á sẽ phải chịu những hậu quả sâu sắc và kéo dài hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng trước.

Tổ chức trên lưu ý nhu cầu tiêu thụ nội địa ổn định, lĩnh vực doanh nghiệp và hộ gia đình khá vững mạnh, nguồn thanh khoản bên ngoài dồi dào và tỷ lệ tiết kiệm cao của châu Á-Thái Bình Dương là những điểm mạnh của khu vực này.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường toàn cầu ràng buộc chặt chẽ như hiện nay, thì sự sụt giảm bất ngờ tại các thị trường phát triển có thể kéo theo những hệ quả xấu đối với các thị trường đang phát triển, như bài học mà các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu phải trải qua trong cuộc khủng hoảng 2008-2009.

Trong khi đó, Vietnamplus dẫn nguồn báo Độc lập của Nga cho hay, việc Standard & Poor's hạ bậc xếp hạng tín dụng của Mỹ đang khiến dự trữ ngoại tệ của Nga giảm đi và ảnh hưởng lớn đến thị trường nguyên nhiên liệu.

Các nhà kinh tế độc lập cho rằng, Nga đã bị mất một phần dự trữ ngoại tệ do đồng USD suy yếu. Theo số liệu công bố hôm 2/8, do sự chênh lệch tỷ giá nên Quỹ Phúc lợi quốc gia Nga từ ngày 1/1 đến 31/7 đã mất hơn 108 tỉ rúp. Quỹ dự trữ vì lý do trên cũng đã mất 39,92 tỉ rúp.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Tài chính Nga Sergei Storchak nói: "Dù sao thì đây cũng chỉ là sự điều chỉnh nhẹ nên có thể bỏ qua, xét về quan điểm quản lý đầu tư trong dài hạn. Là một nhà đầu tư, chúng tôi hiểu rằng đây là một tín hiệu đối với những người cho vay, chứ không phải đối với các nhà đầu tư."

Theo ông Storchak, thị trường nợ của Mỹ có tính thanh khoản cao nhất và là một trong những thị trường đáng tin cậy nhất. Ông tin rằng, việc hạ điểm tín nhiệm trước hết là tín hiệu gửi tới chính nước Mỹ, chứ không phải tín hiệu báo động đối với các nhà đầu tư đang bỏ tiền vào các trái phiếu Mỹ.

Hiện nay, cơ cấu của Quỹ dự trữ và Quỹ phúc lợi quốc gia Nga là 45% bằng USD, 45% bằng euro và 10% bằng bảng Anh. Ông Storchak cho biết, Nga vẫn giữ chính sách bảo tồn đầu tư và nhấn mạnh: "Nếu trái phiếu của Mỹ tăng giá thì đó là điều tốt, nhưng điều quan trọng là làm sao để độ tin cậy của các khoản đầu tư không bị suy giảm."

Theo Thứ trưởng Tài chính Nga, các thỏa thuận đạt được gần đây giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ ở Mỹ nhằm giảm thâm hụt ngân sách đã tạo ra một xu hướng bền vững và giới hạn nợ công là một quyết định hoàn toàn mang tính kỹ thuật, chứ không mang tính hệ thống.

Ông nhấn mạnh, chính quyền Mỹ đã không thể chấp nhận những cam kết quá chặt chẽ nhằm tạm ngừng việc cung cấp tài chính cho các cam kết của Mỹ thông qua các khoản vay. Vì vậy, việc S&P hạ mức xếp hạng tín dụng của Mỹ có thể xuất phát từ thực tế này

DIỆP ANH
10/08/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Lao động di cư đối mặt nhiều rủi ro
      Vì sao hàng Việt "thua" hàng Trung Quốc ở nông thôn?
      Tự tạo tin rao vặt trên mạng
      Bốn cách xây dựng niềm tin cho thương hiệu
      Có thể gọi điện thoại bằng Gmail
      Chợ tạm hoa quả Hồng Bàng – Hải Phòng : Cần giải quyết triệt để !
      Bán lẻ nội địa: cần những “ông lớn”