Welcome
Những bí quyết "đem hàng Việt đến người Việt"
Nhiều DN đang sở hữu những thương hiệu gần gũi, thiết yếu với đời sống hằng ngày tại Việt Nam (từng được vinh danh ở Giải thưởng SVĐV), đã chia sẻ các “bí quyết” cũng như hiến kế để thương hiệu Việt phát triển bền vững và dễ dàng đến với người tiêu dùng nội địa.

“Đãi” người tiêu dùng thứ ngon nhất

Có lẽ hàng triệu người tiêu dùng trong nước đã quá quen thuộc với những chiếc thau múc nước, cái xô nhựa… mang thương hiệu Bình Minh, vốn đã gắn bó với họ suốt gần 35 năm qua. Nhờ đó thương hiệu Việt nhựa Bình Minh đã chính thức trở thành thước đo về chất lượng ngành ống.

“Tiêu chí đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng Việt đã được chúng tôi xây dựng cách đây gần 20 năm, với chất lượng sản phẩm là yếu tố then chốt và hàng đầu”, bà Nguyễn Thị Kim Yến, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần nhựa Bình Minh khẳng định.

Trong gần 2 thập niên, để đưa sản phẩm đến người  tiêu dùng cả nước, Công ty nhựa Bình Minh đã sử dụng “bí quyết” áp giá linh động sản phẩm cho từng vùng, miền khác nhau ở từng thời điểm khác nhau.

Bà Yến lý giải về cách làm này: “Chẳng hạn vào thời điểm mưa bão hoành hành ở miền Trung, chúng tôi áp dụng ngay chính sách giảm giá ưu đãi đặc biệt cho bà con vùng lũ, như một cách để chia sẻ gánh nặng cho bà con trong thiên tai”.


Dù ở trong hoàn cảnh nào, các DN Việt Nam luôn nỗ lực mang đến cho người tiêu dùng những mặt hàng chất lượng tốt nhất - Ảnh: Diệp Đức Minh

 

Theo bà Yến, Công ty nhựa Bình Minh còn thường xuyên tổ chức các chương trình sửa bình phun thuốc trừ sâu miễn phí và tư vấn cách dùng hiệu quả cho bà con nông dân.

“Bất kỳ một người nông dân nào mua bình phun của nhựa Bình Minh khi bị hư hỏng nhỏ đều được chúng tôi đưa nhân viên kỹ thuật đến sửa chữa tận nhà. Chúng tôi cũng từng sử dụng ống nhựa của công ty làm đường ống cấp thoát nước đối ứng dẫn về vùng nông thôn, để họ nhìn thấy sản phẩm thiết thực của Bình Minh”, bà Yến chia sẻ.

Mỗi năm, Công ty nhựa Bình Minh tham gia gần 20 hội chợ đưa hàng Việt đến người tiêu dùng Việt khắp cả nước, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Tại đó, công ty luôn triển khai chương trình bán hàng giảm giá cho người tiêu dùng từ 10 - 15%, nhằm khuyến khích người tiêu dùng Việt lựa chọn hàng Việt.

"Từ trước đến nay, dù ở trong hoàn cảnh khó khăn đến mấy, nhựa Bình Minh vẫn "đãi" người tiêu dùng những thứ ngon nhất mà mình có", bà Yến tâm sự.

Trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt với các mặt hàng ngoại nhập, nhựa Bình Minh tích cực tạo ra sản phẩm mới, có tính tiện ích cao và đáp ứng nhu cầu kịp thời của thị trường. Ngoài ra, công ty cũng ý thức cao nạn hàng gian hàng giả, hàng nhái là một trong những thách thức lớn trong hoạt động giới thiệu hàng Việt đến người tiêu dùng Việt. Do vậy, công ty thường xuyên tư vấn cho người tiêu dùng cách phân biệt hàng giả - hàng thật, đồng thời khen thưởng lớn cho người cung cấp thông tin có giá trị xử lý nạn hàng giả, hàng nhái. (Trí Quang)

Cần kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu

Nhắc đến các vật dụng văn phòng phẩm thì tại Hà Nội không ai không biết đến thương hiệu Hồng Hà. Ông Bùi Kỳ Phát, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Văn phòng phẩm Hồng Hà cho biết, người tiêu dùng Việt Nam xưa nay vẫn có nếp nghĩ “ăn chắc mặc bền” do vậy Hồng Hà quyết định kiên trì cải thiện chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa ngành hàng, nguồn hàng.

Đến nay, chiến lược kinh doanh này vẫn rất hiệu quả, doanh thu năm sau cao hơn năm trước. 95% sản phẩm của Hồng Hà được tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Theo ông Phát, tiềm năng kinh doanh văn phòng phẩm ở nước ta là rất lớn thế nhưng sự yếu kém, lạc hậu về công nghệ kỹ thuật, tính cộng đồng hạn chế, thiếu sự liên kết khiến DN trong nước chưa thể vươn lên chiếm lĩnh thị trường.

Trong khi đó, các thương hiệu nước ngoài, có tiềm lực mạnh, công nghệ hiện đại, nhân công rẻ, khiến cho cuộc cạnh tranh thêm khốc liệt.

Bài học về sự thua thiệt của DN trong nước khi hội nhập và cạnh tranh với DN nước ngoài đã có rất nhiều. Theo ông Phát: “Trong điều kiện chúng ta còn quá yếu kém về công nghệ, cơ quan nhà nước nên kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu bởi DN Việt Nam hiện nay rất sợ loại hàng hóa nhập theo đường tiểu ngạch. Ở chợ Đồng Xuân, phố Lương Văn Can (Hà Nội) hàng văn phòng phẩm của Trung Quốc rất nhiều. Nếu nhập khẩu chính ngạch, sản phẩm đóng gói bao bì rõ ràng, đóng thuế đầy đủ thì DN Việt Nam không hề ngán ngại khi cạnh tranh về giá”.

 
Người tiêu dùng không quay lưng với hàng Việt chất lượng, giá cả hợp lý - Ảnh: D.Đ.Minh


Nhắc đến vấn đề giá cao của hàng nội, ông Phát cho rằng đời sống kinh tế của người dân ở các khu vực rất khác nhau, nếu giữ mãi giá cao thì sản phẩm chỉ đến được với một bộ phận người tiêu dùng. Chính vì thế, duy trì và giữ vững thị phần ở thị trường nội địa, Hồng Hà liên tục phải cải tiến kỹ thuật, kiểm soát chặt chẽ tránh lãng phí nguyên liệu, tổ chức hệ thống phân phối hợp lý thu hẹp dần khoảng cách về giá tiêu thụ. (Phan Hậu)

Vươn mình ra thị trường quốc tế

Không chỉ là một thương hiệu nổi tiếng trong nước mà đến nay các sản phẩm may mặc của Việt Tiến đã có chỗ đứng trên thị trường Campuchia, Lào và đang hướng tới những thị trường khó tính rộng lớn hơn như Singapore, Malaysia, Myanmar, Indonesia, Trung Quốc, Ấn Độ...

Không chỉ vậy, theo ông Phan Văn Kiệt, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty cổ phần may Việt Tiến, mục tiêu xa hơn nữa là từng bước tiến dần đến thị trường châu Âu và một số nước khác.

“Thời kỳ khủng hoảng chỉ là một giai đoạn ngắn, nhất thời. Chắc chắn khủng hoảng ảnh hưởng đến hoạt động, hiệu quả kinh doanh nhưng không phải vì thế mà chùn bước, lo ngại dẫn đến tâm lý không dám phát triển, không dám vươn ra thị trường mới”, ông Kiệt khẳng định.

Thương hiệu may mặc Việt Tiến ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn - Ảnh: Diệp Đức Minh

 

Trong giai đoạn kinh doanh khó khăn hiện nay, Việt Tiến đã mạnh dạn áp dụng công nghệ mới tiên tiến, hiện đại nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, một kinh nghiệm được lãnh đạo của công ty đã tồn tại và phát triển hơn 35 năm này nhắc đến là tăng cường hơn nữa khâu thiết kế để tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng có thể canh tranh với sản phẩm nước ngoài.

"Thực hiện tiết kiệm trên các khâu sản xuất nhằm hạ thấp giá thành, tạo ra lợi thế cạnh tranh. Trong chiến lược sản phẩm, tạo ra những sản phẩm mới và tăng tính năng sử dụng của một số sản phẩm đã có. Thực hiện thường xuyên công tác quảng bá, quảng cáo, giới thiệu...”, ông Phan Văn Kiệt đúc kết phương pháp để vượt qua khủng hoảng và tiếp tục đứng vững trong lòng người tiêu dùng.

Mới đây nhất, thương hiệu sản phẩm San Sciaro của Việt Tiến ra đời là một trong những bước đi táo bạo nhằm cạnh tranh với các thương hiệu thời trang nổi tiếng khác trên thế giới trong phân khúc thị trường dành cho khách hàng cao cấp, doanh nhân. San Sciaro cũng là thương hiệu mà Việt Tiến dùng như con bài chủ chốt nhằm từng bước thâm nhập thị trường quốc tế.

“Nếu đưa ra thị trường một sản phẩm cao cấp, với cách xây dựng thương hiệu chuyên nghiệp từ khâu chất lượng sản phẩm, xây dựng hình ảnh, hệ thống phân phối… thì sẽ gặt hái thành quả”, ông Kiệt chia sẻ. (Trần Duy)

Luôn đồng hành cùng người tiêu dùng

Là một thương hiệu bia có tiếng ở miền Trung, Công ty TNHH Bia Huế với các nhãn hàng: Huda, Festival Beer đã trở nên thân thuộc với nhiều người tiêu dùng bất chấp hàng loạt tên tuổi bia có tiếng trên khắp thế giới đã có mặt ở Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Mậu Chi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bia Huế để có được thành quả trên thì trong tiêu chí hoạt động của công ty “chúng tôi luôn hướng đến người tiêu dùng, đặt lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu”.

Những điều này thể hiện qua việc cam kết phục vụ khách hàng sản phẩm chất lượng ổn định nhất thông qua quy trình sản xuất và kiểm tra nghiêm ngặt. Việc bảo vệ môi trường cũng được Bia Huế hết sức quan tâm.

 
Người tiêu dùng xem hàng hóa của một doanh nghiệp trong nước tại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao - Ảnh Diệp Đức Minh


Theo ông Chi, tình hình kinh tế trong năm 2011 rất khó khăn, đặc biệt là đối với ngành bia khi giá cả nguyên vật liệu sản xuất như malt, houplon tăng đột biến do mất mùa và hạn hán ở các quốc gia xuất khẩu nguyên liệu này. Trong nước, tỷ giá USD/VND tăng bất lợi cho việc nhập khẩu và giá nhiên liệu cũng tăng cao. Thêm vào đó, người tiêu dùng cũng gặp nhiều khó khăn do lạm phát và giá cả tiêu dùng hầu hết các mặt hàng đều tăng lên đáng kể... Chính điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến sức mua và khả năng tiêu thụ bia do cầu giảm.

Tuy nhiên, Bia Huế đã nhanh chóng thực hiện nhiều biện pháp để vượt qua giai đoạn khó khăn bằng cách điều chỉnh chiến lược để phù hợp với tình hình mới như chuyển các đầu tư dài hạn sang các mục tiêu ngắn hạn nhằm giữ vững thị trường, đồng thời không đặt nặng mục tiêu lợi nhuận nhằm tập trung vào việc chăm sóc khách hàng.

Cụ thể, dù trong tình hình khó khăn, giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao, nhưng các nhãn hàng của Bia Huế vẫn giữ nguyên giá bán sản phẩm để phù hợp với sức mua đang thấp của thị trường.

Ông Chi còn cho biết thêm công ty đã thực hành tiết kiệm đối đa triệt để trong toàn công ty. Ví dụ như việc thay đổi sử dụng dầu FO để tạo nhiệt sang sử dụng hơi đốt, tiết kiệm cho Bia Huế hơn 32 tỉ đồng/năm. Ngoài ra, với phương pháp mới này, còn góp phần bảo vệ môi trường bằng việc giảm lượng CO2 thải ra môi trường. (Bùi Ngọc Long)

Nghệ sĩ Quyền Linh, Đại sứ hàng Việt:
Doanh nghiệp phải trân trọng người tiêu dùng Việt

Dù đang kẹt lịch quay tại Hà Nội nhưng nghệ sĩ Quyền Linh, Chủ nhiệm CLB Đại sứ hàng Việt rất hào hứng khi đề cập đến những bức xúc và tồn tại, ít nhiều cản trở việc đưa hàng Việt đến với đông đảo người tiêu dùng Việt…

PR và hình thành ý thức còn yếu

Quyền Linh đánh giá, hiện nay hàng Việt đã bắt đầu tạo niềm tin với người tiêu dùng, nhất là với những người có tuổi, giữ hầu bao trong gia đình. Thế nhưng, với giới trẻ ở các đô thị lớn thì vẫn còn cảm giác “chưa tin tưởng vào hàng Việt” vì hàng ngoại hiện nay chiếm lĩnh quá nhiều ở các lĩnh vực do PR quá tốt.

“Rõ ràng công nghệ làm PR của DN nước ngoài quá "đẹp" từ các loại phim ảnh để giới thiệu mỹ phẩm, phụ tùng thời trang..., nên gần như giới trẻ bị phụ thuộc vào đó. Trong khi đó, ở phim Việt Nam thì vẫn chưa khéo léo, nhồi nhét quá nhiều sản phẩm, trong đó có cả những sản phẩm không chất lượng”, Quyền Linh chia sẻ.

Bên cạnh đó, đại sứ hàng Việt này còn cho rằng: “Không chỉ quảng cáo giỏi mà cách thiết kế hàng hóa của DN nước ngoài cũng đặc biệt: mẫu mã đa dạng, phong phú, nhìn bóng loáng, đáng đồng tiền. Do đó vấn đề tâm lý sính ngoại của lớp trẻ là điều dễ hình thành, muốn thay đổi thì phải cần làm dài hơi để ý thức này dần mất đi. Nên đưa sự yêu thương, trân trọng hàng Việt vào các chương trình từ nhà trường, các cấp phổ thông để các em nhỏ bạn trẻ hiểu rằng chính những món hàng đó có thể là do người cô, người chị, hay chú bác mình đã tự tay làm nên”.

Ngày càng nhiều người tiêu dùng trong nước ưu tiên dùng hàng Việt - Ảnh Diệp Đức Minh


Phải yêu thương, trân trọng người tiêu dùng Việt

Một trong những nguyên nhân lớn mà người tiêu dùng Việt bị “ám ảnh” chất lượng hàng Việt là các hội chợ. Theo Quyền Linh, hiện tại có quá nhiều hội chợ để giới thiệu hàng cho bà con vùng xâu, vùng xa nhưng lại không ai quản lý nghiêm túc chất lượng các sản phẩm tại những hội chợ này.

Anh tâm sự: “Tôi đi vận động bà con xài hàng Việt nhiều lần ở các hội chợ thì thấy rất nhiều hàng chất lượng xấu, mẫu mã thô, không nhãn mác lại được bày bán nhan nhãn. Bà con tin tưởng nhưng khi mua phải hàng xấu, kém chất lượng về thì sau đó sẽ tẩy chay. Do vậy, Quyền Linh đề xuất tại các hội chợ cần có nhiều cấp quản lý, cơ quan chức năng kiểm tra chặt chẽ để hàng Việt có thương hiệu không bị tổn thương về hình ảnh”.

Là cầu nối giữa hàng Việt với người tiêu dùng nhưng Quyền Linh cho rằng: “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam là để giúp đỡ DN, công nhân. Nhưng rõ ràng cũng cần phải đặt vấn đề DN hiện nay cần làm gì để tạo thuận lợi và ưu tiên cho người tiêu dùng”.

Là đại sứ hàng Việt nên Quyền Linh và các anh em hay gặp phải những phản ánh từ bà con rằng: “Rất nhiều DN đã làm cẩu thả, lô hàng đầu có thể tốt nhưng các lô hàng tiếp sau thì trễ hẹn, hậu mãi kém, bỏ mặc khách hàng, thực hiện không đúng cam kết”.

Đó còn chưa kể việc bà con cứ cho rằng: “Hàng Việt cứ mắc hơn sản phẩm ngoại trong khi mẫu mã hàng ngoại đẹp hơn”. Chính vì vậy mà Quyền Linh nghĩ rằng phải thật công bằng trong chuyện này. “Chiến dịch người Việt ưu tiêu dùng hàng Việt nhưng họ là những người tiêu dùng thật thông minh: chất lượng, giá cả bằng nhau thì ưu tiên cho hàng Việt. Chứ còn nếu hàng Việt xấu hơn, mắc hơn thì làm sao bắt người tiêu dùng mua được".

Do đó, Quyền Linh đề xuất phía Hội DNT Việt Nam cũng cần phải: “Phát động thành một chiến dịch DN cũng phải ưu tiên dành tình yêu, sự thuận lợi cho người tiêu dùng Việt. Không để xảy ra hiện tượng một số DN không coi trọng và có tâm lý coi thường người tiêu dùng như hàng tốt thì xuất khẩu, còn hàng kém thì tung ra thị trường; khi đã có thương hiệu thì nâng giá lên”.

Những điều đó cũng rất cần các cơ quan quản lý thật chặt để kiểm tra, kiểm soát những DN làm ẩu, xem thường người tiêu dùng, phá hỏng tình yêu thương của người tiêu dùng đối với hàng Việt.

Nghệ sĩ Hiếu Hiền, Đại sứ hàng Việt:
Cần tẩy chay hàng ngoại nhập chất lượng kém

Trên người "diện" toàn những nhãn hàng của Việt Nam, Hiếu Hiền hào hứng chia sẻ về quan điểm dùng hàng Việt cách đây khoảng 6 năm trở lại. Theo Hiếu Hiền khoảng 8 năm trước, bản thân anh và rất nhiều người dường như cũng không tin tưởng lắm đến chất lượng hàng Việt Nam. “Nói không ngoa chứ khi ấy khoảng 60 - 80% người dân đặc biệt là người dân thành thị đều chuộng hàng ngoại”, Hiếu Hiền hồi tưởng.

Tuy nhiên, cách đây vài năm khi "cơn sóng" hàng ngoại nhập chất lượng kém ồ ạt tràn vào Việt Nam từ quần áo, hàng điện tử đến xe máy... qua những con đường không chính thống thì Hiếu Hiền đã chuyển hẳn qua xài hàng nội. “Không chỉ quần áo mặc trên người mà cả đồ dùng trong nhà Hiếu Hiền và người thân đều đến với hàng nội”, Hiếu Hiền khoe.

 
Với mẫu mã đa dạng, phong phú, chất lượng được nâng cao, giá thành hợp lý..., nhiều sản phẩm Việt đã nhận được sự tin yêu của người tiêu dùng - Ảnh Diệp Đức Minh


"Trong thời điểm hiện tại mình nhận thấy dường như tinh thần đoàn kết của người tiêu dùng Việt Nam còn chưa cao, chưa đồng lòng để chiến dịch xài hàng Việt có thể được nhân rộng và lan tỏa đến nhiều người hơn", Hiếu Hiền tâm sự.

Lấy ví dụ về câu chuyện chiếc xe hơi Hàn Quốc, Hiếu Hiền nhận xét: “Ban đầu họ làm cũng từ một chiếc xe nội nhưng người Hàn Quốc đã biết đồng lòng xài hàng trong nước. Từ đó, thương hiệu xe dần lớn mạnh với giá cả hợp lý, kiểu mẫu đẹp và công nghệ máy móc ngày càng tiến bộ. Nếu người Việt chung sức xài hàng Việt thì đó cũng là động lực để các DN nội phát triển thương hiệu mạnh mẽ hơn”.

Còn một điều mà Hiếu Hiền cũng rất tâm tư là hiện nay nhiều người có thu nhập thấp nên họ chỉ còn biết tìm đến hàng giá rẻ. Mà những món hàng này thường là hàng trôi nổi, nhập lậu, xuất xứ không rõ ràng và chất lượng kém, có thể gây nguy hại sức khỏe.

Chính vì vậy mà Hiếu Hiền cũng mong rằng các DN Việt nên dẹp bớt bảng lợi nhuận cao "ngút trời" mà hãy chú trọng đến chất lượng sản phẩm và ưu tiên cho người tiêu dùng. “DN nội hãy cứ kiếm lời nhưng ở một chừng mực nào đó mà đừng vì lợi nhuận cao để tạo ra hố ngăn cách giữa hàng Việt và người tiêu dùng Việt”, Hiếu Hiền mong mỏi.


Giải thưởng Sao vàng Đất Việt (SVĐV) là một trong những nội dung lớn và đặc biệt quan trọng của Cuộc vận động hội nhập kinh tế quốc tế của doanh nghiệp trẻ (DNT) và thanh niên Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ giao T.Ư Hội LHTN và T.Ư Hội DNT Việt Nam chủ trì tổ chức từ năm 2003, dưới sự định hướng, bảo trợ của Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế và Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương).

Giải thưởng SVĐV được xét trao hàng năm cho các thương hiệu, sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam có thể so sánh và cạnh tranh với thế giới.

Mục đích của giải thưởng là khuyến khích, động viên, định hướng giới DNT và các DN Việt Nam quan tâm đến công tác xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp để sẵn sàng cho hội nhập quốc tế.

Giải thưởng SVĐV còn có ý nghĩa đề cao các giá trị Việt Nam, tôn vinh lòng tự hào dân tộc và nâng cao nhận thức cho thanh niên, giới DNT nói riêng và DN Việt Nam nói chung trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, cũng như trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Được sự hưởng ứng nhiệt tình của các DN, giải thưởng được tổ chức với qui mô ngày càng lớn, các tiêu chí bình xét ngày càng được hoàn thiện và nâng cao, giải thưởng SVĐV đã nhanh chóng trở thành một trong những chương trình bình chọn và quảng bá thương hiệu có uy tín và qui mô lớn nhất tại Việt Nam.

Qua 8 năm triển khai (2003 - 2010) rất thành công, SVĐV đã trở thành một biểu tượng tự hào của thương hiệu, sản phẩm Việt Nam trong cạnh tranh và hội nhập quốc tế, đồng thời giải thưởng cũng đem lại hiệu quả thiết thực nhiều mặt cho DN, được xã hội và giới DN đặc biệt ghi nhận.

Chương trình bình chọn giải thưởng SVĐV 2011 được triển khai từ tháng 6 đến  tháng 10.2011. Lễ trao giải thưởng được tổ chức vào Ngày Doanh nhân Việt Nam (13.10.2011), tại Hà Nội.

Đặc biệt, năm 2011, trong thời gian diễn ra lễ trao Giải thưởng SVĐV 2011, Hội DNT Việt Nam đăng cai tổ chức Diễn đàn Doanh nhân trẻ ASEAN mở rộng 2011 tại Hà Nội. Diễn đàn có sự tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ ngành, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, T.Ư Hội LHTN Việt Nam và trên 300 đại biểu là DN đến từ Hội DNT các nước ASEAN và Việt Nam. Đây là cơ hội để các DN, DNT của Việt Nam và ASEAN mở rộng xúc tiến thương mại, giao lưu và hợp tác.

Bên cạnh đó, các hoạt động thường niên đi cùng giải thưởng như: Hội chợ Việt Nam Hội nhập kinh tế quốc tế; Hội thảo “Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”; Chương trình đi bộ Diễu hành Sao vàng Đất Việt… cũng sẽ được tổ chức trong tháng 10.2011.

Thanh Niên
30/07/2011
  CÁC TIN KHÁC
      90 tỷ đồng tôn tạo di tích lịch sử đền thờ Tản Viên Sơn Thánh
      Báo chí – loại hình truyền thông
      BBC
      TP.HCM: 6 dự án thi công chậm do “vướng” giải tỏa
      WonderBuy tuyên bố phá sản
      Ý tưởng quảng cáo - Doping cho người tiêu dùng
      Đi tìm lời giải cho các vấn đề về bán hàng?