Welcome
Cái khó đang dồn lên doanh nghiệp nhỏ
Tại hội nghị Đầu tư 2011 do báo Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức hôm qua, 28.7, một giám đốc doanh nghiệp nhỏ kể giữa hội trường rằng trong hai năm 2009 – 2010, dù kinh tế khó khăn doanh nghiệp của ông vẫn làm ăn có lời, nhưng quý 1 vừa qua thì bắt đầu thua lỗ và khả năng lỗ nặng trong quý 2 này mà vẫn chưa tìm ra hướng đi

Ông nhờ các chuyên gia tư vấn: “Với các chính sách tiền tệ và sức khoẻ của nền kinh tế như hiện nay, có cơ hội nào cho doanh nghiệp tư nhân nhỏ như chúng tôi làm ăn tốt thời gian tới hay không?”

Doanh nghiệp nhỏ đang nghèo đi

Trả lời câu hỏi của doanh nhân trên, TS Lê Xuân Nghĩa, phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng cấu trúc đầu tư năm nay có cải thiện với việc đầu tư tư nhân đang tăng lên hơn 40% so với năm ngoái 36%, đầu tư nước ngoài vẫn duy trì mức 20%, trong khi đầu tư công trên 40% thì năm nay giảm xuống mức 37%. Dù vẫn còn cao nhưng phản ánh luồng tài chính sẽ đổ vào khu vực tư nhân tăng lên. Mặt khác, cơ hội hạ lãi suất là có thể. “Cầu tiêu dùng giảm, cầu đầu tư giảm thì lãi suất không thể cao nhất thế giới như hiện nay với 22 – 24%. Không có doanh nghiệp nào có thể chịu nổi mức lãi suất này một cách lâu dài”. Theo ông Nghĩa, các chính sách ngân hàng cho doanh nghiệp nhỏ hiện đang rất khắc nghiệt, mặc dù doanh nghiệp nhỏ có độ an toàn vốn cao hơn rất nhiều.

Ông Nguyễn Đức Vinh, tổng giám đốc Techcombank, cho biết, trong 50.000 khách hàng của ngân hàng này thì khoảng 10 – 15% doanh nghiệp có giao dịch thường xuyên. 70% doanh nghiệp đang khó khăn mà nguyên nhân lớn nhất là mất cân đối về nền tảng vốn. 30% trong số này đang rất khó khăn, có thể nằm trong diện kiểm soát. Lãi suất cao là một trong những yếu tố làm tràn sự khó khăn trong doanh nghiệp. Thị trường suy giảm làm cho nhiều khoản tài sản không sinh lời trong khi chi phí vốn tăng lên. Nguyên nhân chủ yếu do tỷ trọng vốn thực trong doanh nghiệp thấp. Cấu trúc vốn đang tạo ra sự nguy hiểm vì có hơn 60% doanh nghiệp đang dùng vốn ngắn hạn để đầu tư trung hạn và dài hạn. Đại bộ phận doanh nghiệp lại đầu tư ra ngoài ngành nghề chính mà hơn 90% liên quan đến nhà đất. “Chỉ 60% lượng vốn sử dụng cho hoạt động chính, tiền vay ngân hàng trong thời điểm này lãi suất cao nhưng lại nằm im không tạo ra giá trị. 60% vốn đang chịu chi phí vốn cho 100% là gánh nặng và rủi ro của đa số doanh nghiệp”, theo ông Vinh. Ông Vinh cũng thừa nhận 80% vốn ở ngân hàng hiện nay là ngắn hạn, vì thế các doanh nghiệp nhỏ khó thể dựa vào nguồn vốn này. Doanh nghiệp vừa và nhỏ thường phải dựa vào các nguồn vốn dài hạn khác như các quỹ đầu tư tư nhân, các nguồn quỹ hỗ trợ tại địa phương.

Theo TS Võ Trí Thành, phó viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nếu như năm 2007 Việt Nam ra đời chương trình “làm giàu không khó” thì đến năm 2011, doanh nghiệp đang biến thành nghèo đi bởi những tác động khắc nghiệt về thị trường và chính sách kinh tế thiếu ổn định. Doanh nghiệp dường như đang “bị đánh” từ cả hai hướng: nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng cao, trong khi đầu ra đang bị “đánh chặn” vì thị trường suy giảm. “Tiếng kêu gào của doanh nghiệp là có thật vì thị trường hiện hết dư địa nào để chống lại nó”.

Lòng tin bị đánh đố

Giai đoạn bốn năm qua của nền kinh tế có quá nhiều thay đổi về chính sách, từ chống suy giảm, kích cầu, nới lỏng đến thắt chặt chính sách tiền tệ. Theo TS Thành, tình hình kinh tế vĩ mô xấu có thể do nhiều yếu tố: lạm phát tăng, dự trữ ngoại tệ giảm, nợ xấu tăng, rủi ro tài chính lớn… Tuy nhiên, tất cả các yếu tố này chưa quan trọng bằng lòng tin của người dân và doanh nghiệp vào thị trường thấp. Liệu doanh nghiệp có thể “sống được” sau bốn tháng nữa? “Thời làm giàu dễ đã qua, và thị trường đang cần một chính sách tiền tệ chặt chẽ chứ không phải là thắt chặt hay nới lỏng tiền tệ như lâu nay đã làm”.

Theo TS Nghĩa, năm 2011 khó khăn quá lớn, xếp hạng tín dụng của Việt Nam xuống mức 12, ngang hàng với Bangladesh. Ông so sánh Thái Lan có nhiều bất ổn về chính trị vẫn tăng trưởng liên tục. Điều này cho thấy, Việt Nam có cấu trúc kinh tế dễ tổn thương từ những cú sốc bên ngoài và cả những cú sốc do chính mình gây ra. Nguồn thu ngân sách thiếu bền vững với chủ yếu từ dầu thô và các mặt hàng xuất khẩu, nghĩa là phụ thuộc vào thị trường bên ngoài. “Khi những hàng rào thuế quan giảm đi bắt đầu từ năm tới sẽ tiếp tục ảnh hưởng xấu đến khu vực xuất khẩu”, ông Nghĩa dự báo.

Ông Nghĩa cho biết việc 130 doanh nghiệp niêm yết trên chứng khoán có bảng cân đối tài sản đều trong dạng xấu, lãi suất đồng đôla Mỹ thấp khiến doanh nghiệp lao vào vay cũng làm rủi ro tăng lên. Trong khi còn nhiều khó khăn cho doanh nghiệp thì khả năng cầu thực về ngoại tệ tăng lên sẽ tạo áp lực cho dòng tiền. Nếu nóng ruột kéo lạm phát xuống nhanh cũng sẽ gây khó khăn cung cầu trong doanh nghiệp, nhất là hàng tồn kho trong doanh nghiệp tăng lên trong ba tháng gần đây đã tạo cơ hội cho hàng Trung Quốc tràn về khu vực nông thôn.

Nguyên thứ trưởng bộ Thương mại Trương Đình Tuyển so sánh: năm 2008 và 2011 là hai năm lạm phát rất lớn nhưng năm 2008 tiềm lực doanh nghiệp còn mạnh, lực kiều hối còn cao trong khi năm 2011 các nguồn năng lượng này đã bị tiêu hao sau quá nhiều khó khăn kéo dài. Cho đến nay số doanh nghiệp nhỏ phá sản là khá lớn, số lượng hàng tồn kho tăng vượt quá năm 2008 với mức 37% trong sáu tháng đầu năm là tình trạng hết sức lo ngại. Tích tụ nợ xấu đang ở mức lớn trong doanh nghiệp nhà nước và hậu quả xấu này sẽ bộc lộ trong cuối năm nay. Nhìn vào thanh khoản vốn lưu động – hàng tồn kho cũng báo động. “Doanh nghiệp hiện nay đang bị đẩy đến ngưỡng tồn tại. Lời khuyên cho các doanh nghiệp nhỏ là rà soát lại danh mục đầu tư, cấu trúc lại các hoạt động cho thật sự hiệu quả. Một doanh nghiệp mà liên tiếp lỗ trong ba quý là... tiêu!”, ông nói. “Nhiều quỹ đầu tư cũng nhắm vào các doanh nghiệp nhỏ khối tư nhân vì tính hiệu quả cao. Tuy nhiên hiệu quả đó phải diễn ra song song với chính sách thắt chặt đầu tư công hiệu quả thì doanh nghiệp tư nhân có cơ hội tiếp cận nguồn vốn đa dạng”, TS Nghĩa khẳng định

Tuyết Ân
SGTT
30/07/2011
  CÁC TIN KHÁC
      8 “huyền thoại” ngoi lên từ vực thẳm
      Kinh doanh đồng giá: lỗ 1 để lãi 9
      Ý nghĩa ẩn giấu sau 10 logo thương hiệu nổi tiếng
      Bảy bước cho một blog tiếp thị thành công
      Thực hư chuyện Công ty Phát Đạt “phá sản”
      Câu chuyện Thương hiệu VINASUN TAXI
      Đằng sau những cuộc “sinh nở” dễ dàng