Welcome
Hàng nội “đẩy” hàng ngoại
Điều này rõ ràng nhất là ở các siêu thị. Thử dạo một vòng vào các siêu thị ở trong nước như Big C, Co-opMart sẽ thấy được độ chênh lệnh tỷ lệ hàng nội và hàng ngoại có sự thay đổi đáng kể

Cứ đi chợ, đi siêu thị, đi đến đâu cũng nghe đến “bão giá”, lạm phát, người người cắt giảm chi tiêu... Nhưng hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm thì không thể tiết giảm được. Và người tiêu dùng bắt đầu băn khoăn, tìm hiểu các mặt hàng cùng chủng loại về mức độ cạnh tranh về giá để làm sao vừa mua được hàng hóa tốt vừa tiết kiệm được ngân sách.

 

Chất lượng đã nâng cao, giá cả rất phù hợp, hàng Việt đang giành ưu thế trong siêu thị - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Gia đình chị Lê (Q.9, TP.HCM) cuối tuần dẫn nhau vào siêu thị mua hàng, cả hai vợ chồng đang lựa mua một cái chảo chống dính. Họ đang cầm trên tay hai cái chảo chống dính của hai hãng khác nhau, cuối cùng họ chọn chảo của Công ty Happy Cook. Ở gần đấy, chị Mỹ Tiên và em gái cũng tìm hiểu để “rinh” về một cái tủ đựng quần áo. Sau một hồi phân vân giữa tủ vải và tủ nhựa, cuối cùng họ mua một chiếc tủ nhựa Tabi.

Trên thị trường hàng tiêu dùng trong nước, ở một vài lĩnh vực, hàng nội đã có chỗ đứng vững chắc trong ý thức tiêu dùng của người dân, nhắc đến nhựa người ta nhớ đến nhựa Duy Tân, Đại Đồng Tiến, xoong nồi của Kim Hằng, đồ sứ của Minh Long, Chuan Kou…

Giá cả và chất lượng là hai yếu tố mà người tiêu dùng luôn quan tâm. Bà Lê Quang Thục Quỳnh, Giám đốc marketing của Saigon Co.op cho biết: “Chúng tôi đang xúc tiến phát triển hàng Việt Nam, các thương hiệu trong nước bây giờ không chỉ có sản phẩm tốt mà họ bắt đầu quan tâm đến quảng bá hình ảnh đến khách hàng. Đặc biệt, nhiều công ty bắt đầu kết hợp với các nhà phân phối để khuyến mãi nhằm phục vụ khách hàng một cách tốt nhất”.

Giữa thời điểm giá cả mọi thứ leo thang, các bà nội trợ cũng bắt đầu chiến dịch “thắt lưng buộc bụng”, họ so đo giá cả từng mặt hàng một, đồng thời quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, tính an toàn của sản phẩm… Và dường như, hàng gia dụng Việt Nam đang đáp ứng được nhu cầu đó.

90% hàng Việt

Nhiều siêu thị công bố con số 90% hàng gia dụng trong siêu thị mình là hàng nội. Có thể nói, con số đó mang lại niềm hy vọng cho các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, dựa vào khảo sát của chúng tôi, số lượng hàng nội chiếm tỷ lệ 60% đã là con số đáng mơ ước của nhiều người. Bởi, hàng hóa “made in Vietnam” ngoài sản phẩm do chính công ty trong nước sản xuất thì còn có các doanh nghiệp nước ngoài lập cơ sở, nhà máy sản xuất ngay tại Việt Nam, hàng hóa của họ cũng nghiễm nhiên có dòng chữ “made in Vietnam”.

Dù có lợi thế sân nhà nhưng hàng Việt vẫn chưa thể chiếm lĩnh thị trường hàng tiêu dùng cao cấp, đồ dùng trang trí. Ở phân khúc thị trường này, các thương hiệu như Lock&Lock, Zebra… chiếm ưu thế cao và hàng Việt chưa thể chen chân vào. Khó có thể trách cứ người tiêu dùng khi không thể “ưu tiên” dùng hàng nội bởi hàng nhập khẩu ngoài mẫu mã đẹp, chất lượng sản phẩm luôn được đầu tư và quan tâm triệt để. Chị Thanh Hằng (Q.Phú Nhuận) chia sẻ: “Nhìn hàng nhập khẩu vẫn thấy sang trọng, tinh tế và nhất là thấy an tâm về chất lượng”.

Mặt khác, hàng hóa bày bán trong siêu thị như “ma trận” vây quanh người tiêu dùng. Các mặt hàng được trưng bày xen kẽ với nhau, hàng Trung Quốc, hàng Nhật có nhãn hàng tương tự nhau dễ tạo nhầm lẫn cho những người mua, những người chưa có thói quen xem nguồn gốc sản phẩm.

Có lợi thế sân nhà, chất lượng hàng hóa đã nâng cao, giá cả rất phù hợp, đây sẽ là những tiền đề để hàng Việt có thể cất cánh bay cao trong thị trường hàng hóa “mở” như hiện nay

Nhuyên Trang
Thanh Niên
23/07/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Thuần hóa rau rừng
      Đồng Việt Nam tăng giá: Rủi ro dài hạn
      Thị trường tiếp tục điều chỉnh giảm mạnh
      20 điều tuyệt vời và xấu xí của web
      Sáng tạo kiểu dáng để xây dựng thương hiệu
      Ngân sách marketing xoay quanh tuyền thông xã hội
      PBS đưa phim tài liệu “American Experience” lên Facebook