Welcome
Hỗ trợ hàng Việt “phủ sóng”
Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển thị trường được cơ quan nhà nước triển khai nhằm tăng sự hiện diện của hàng Việt tại thị trường nội địa

Thế nhưng, số doanh nghiệp biết và tiếp cận được những chính sách này còn hạn chế.

Thiếu thông tin nên doanh nghiệp chọn giải pháp “tự thân vận động” là chính dẫn đến một số chính sách không phát huy được hiệu quả.

Ít thông tin

Bà Nguyễn Bảo Hạnh, Phó giám đốc Công ty cổ phần Pin ăcquy miền Nam (Pinaco), cho biết từ lâu Pinaco rất quan tâm đến thị trường vùng biển bởi ăcquy là sản phẩm được nhiều ngư dân sử dụng làm nguồn điện cho thắp đèn, máy định vị, tầm ngư, câu mực. Đây cũng là nhóm khách hàng khá đặc biệt nên việc xây dựng hệ thống phân phối, chăm sóc khách hàng cũng khác so với đối tượng khác.

Gần đây, Pinaco đã thực hiện chương trình hỗ trợ ngư dân, cụ thể là tăng cường tần suất các chương trình chăm sóc tàu thuyền, kết hợp phát phiếu giảm giá cho ngư dân. Chương trình đã thực hiện hơn 15 lượt trên 10 tỉnh vùng duyên hải từ Thanh Hóa đến Kiên Giang, kinh phí thực hiện được trích từ ngân sách bán hàng. Tuy nhiên, trong quy định mới của chương trình xúc tiến thương mại quốc gia do Thủ tướng ký ngày 15/11/2010, những đối tượng doanh nghiệp như công ty bà Hạnh sẽ được hỗ trợ 100% chi phí tổ chức và phát triển hệ thống phân phối như phí tổ chức bán hàng, quảng bá... nếu tham gia chương trình được Bộ Công thương xét duyệt.

Đây cũng là một trong những nét mới mà chương trình xúc tiến thương mại quốc gia đề cập nhằm khuyến khích doanh nghiệp. Theo quy định mới của Bộ Công thương, các chương trình xúc tiến thương mại miền núi, biên giới và hải đảo sẽ được hỗ trợ kinh phí tùy theo hoạt động bên cạnh công tác xúc tiến xuất khẩu và xúc tiến thương mại thị trường trong nước. Thiếu thông tin về các chính sách hỗ trợ là đặc điểm chung của các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay, điều này cũng làm các chính sách chưa thật sự đi vào cuộc sống, doanh nghiệp lại mất ưu thế cạnh tranh ngay trên sân nhà.

Ví dụ, nhiều năm tham gia hội chợ, bán hàng nông thôn nhưng Công ty cổ phần Sài Gòn Food chưa từng “biết mặt” các khoản hỗ trợ chi phí dành cho các chương trình xúc tiến thương mại tổ chức ở thị trường nội địa. Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Food, cho biết hằng năm công ty dành ra một khoản kinh phí ít nhất 300 triệu đồng để tham gia các kỳ hội chợ nhằm giới thiệu, quảng bá hàng hóa sản phẩm của công ty đến người tiêu dùng.

Với các điểm mới trong chương trình quốc gia năm 2011 như hỗ trợ 70% chi phí khi doanh nghiệp tham gia tổ chức các hoạt động bán hàng, thực hiện các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, các khu công nghiệp, khu đô thị thông qua doanh nghiệp kinh doanh theo ngành hàng..., bà Lâm cho rằng “doanh nghiệp sẽ có thêm động lực để “ra mắt” người tiêu dùng nhiều hơn khi nguồn kinh phí chi cho việc quảng bá hàng hóa vốn eo hẹp”.

Cần hỗ trợ kịp thời

Theo đại diện Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM, để nhận được hỗ trợ nguồn ngân sách của quốc gia, đơn vị phải làm bộ hồ sơ đề xuất, trong đó trình bày khả năng, chi tiết hoạt động chương trình... và gửi Bộ Công thương. Nếu được xét duyệt, chương trình sẽ nhận được hỗ trợ kinh phí quốc gia. Hiện nay, trung tâm vẫn sử dụng nguồn ngân sách của TP để tổ chức các hoạt động xúc tiến như thị trường Campuchia, hàng Việt về nông thôn... cho doanh nghiệp.

Là một trong những đơn vị hỗ trợ các hoạt động đưa hàng Việt đến người tiêu dùng, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, cho biết các chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại hiện nay thường thông qua hội của doanh nghiệp hoặc trung tâm xúc tiến địa phương, những nơi tập hợp được một lực lượng doanh nghiệp đông đảo. Và hiện nay dù không có ngân sách hỗ trợ nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn tự đóng kinh phí tham gia. Như ngày hội hàng Việt diễn ra tại huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi ngày 18-7, toàn bộ quà tặng, chi phí ngày hội đều do doanh nghiệp đóng góp.

Đặc biệt sự hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước sẽ khích lệ được doanh nghiệp hào hứng mở rộng và xâm nhập thị trường mới hiệu quả hơn. Bà Kim Hạnh cho biết một trong những điểm yếu của doanh nghiệp hiện nay là thiếu thông tin và gần như ít quan tâm đến các chính sách hỗ trợ. Vì vậy, điều quan trọng là cơ quan nhà nước cần minh bạch, phổ biến thông tin trước và sau khi phân bổ các chương trình như cấp cho ai, kinh phí thực hiện bao nhiêu... để doanh nghiệp có thể cập nhật và lựa chọn chương trình phù hợp với hoạt động kinh tế

TTO
18/07/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Năm 2012, huy động toàn lực mở rộng “phòng tuyến” hàng Việt
      Khai mạc lớp tập huấn báo chí năm 2010
      Electrolux – Tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới
      Xâu xé miếng bánh web
      Bí quyết thành công của Nokia
      Nắng nóng, quạt hơi nước “cháy hàng”
      Khách hàng và thương hiệu – Có phải tình yêu?