Welcome
Trung Quốc tranh mua nông sản, doanh nghiệp Việt Nam lo sợ
Việc để thương lái Trung Quốc ồ ạt thu gom nông sản, kể cả tận thu nông sản kém chất lượng như thời gian qua đã bắt đầu có những hệ lụy, rủi ro khiến doanh nghiệp Việt Nam gặp khó

Thua ngay trên sân nhà

Thương lái Trung Quốc đang đóng vải tươi tại Việt Nam để chở về Trung Quốc. Ảnh: Chí Hiếu

Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông Nguyễn Hoài Nam, phó tổng thư ký hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản (Vasep) cho hay, nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản tại miền Trung và miền Nam đang gặp khó khăn lớn trong thu mua nguyên liệu cho chế biến hải sản, khiến các doanh nghiệp không đủ nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu.

Lý do, theo ông Nam, ngoài việc sản lượng đánh bắt giảm do tình hình trên biển căng thẳng, thì yếu tố chính là vì các doanh nghiệp, thương lái Trung Quốc tranh mua. “Từ miền Nam ra đến miền Trung, doanh nghiệp, thương nhân Trung Quốc thu mua cả trên bờ, ngoài biển, cả thủy sản đánh bắt lẫn nuôi trồng”, ông Nam nói.

Ông Đỗ Hoài Nam, chủ tịch hiệp hội Tiêu nhìn nhận, nhờ hưởng lợi từ chính sách lãi suất thấp trong nước, nên các doanh nghiệp Trung Quốc có tiềm lực tài chính dồi dào, họ sẵn sàng trả giá cao khiến doanh nghiệp trong nước của ta thua ngay trên sân nhà. Hơn nữa, họ có cả đại lý thu mua xuống tận cấp huyện, điều mà hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều yếu. Nếu chuyện này tiếp tục xẩy ra thì doanh nghiệp Việt sẽ thua dần, 1-2 năm nữa không hiểu chuyện gì sẽ xẩy ra với doanh nghiệp chúng ta.

Không chỉ là câu chuyện thua trong cạnh tranh thu gom do yếu tố giá, giám đốc một doanh nghiệp thủy sản lo ngại, vấn đề thương lái Trung Quốc tận thu cả nguyên liệu kém chất lượng như tôm tạp chất không chỉ gây khó trước mắt trong vấn đề thu mua nguyên liệu, mà về lâu dài, sẽ khiến các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản bị “vạ lây” khi nhiều sản phẩm thủy sản kém chất lượng có nguồn gốc từ Việt Nam xuất ra khỏi biên giới.

Ngành tiêu vỡ quy hoạch

Hệ lụy câu chuyện này, theo thứ trưởng bộ Công thương Nguyễn Thành Biên, không chỉ khiến doanh nghiệp gặp khó, nông dân lao đao mà địa phương cũng đang đối mặt với nguy cơ vỡ quy hoạch ngành vì dân phá cây này, thi nhau trồng cây kia. Ông Biên cho rằng, hạt tiêu vừa rồi được giá làm cho nông dân đổ xô đốn cà phê trồng tiêu, có hiện tượng phá vỡ quy hoạch trồng tiêu, như tại Đắk Lắk, quy hoạch diện tích trồng tiêu chỉ 5.000ha nhưng giờ đã vọt lên 10.000ha.

Ông Biên nói: "Bộ Công thương chủ trương, một mặt ủng hộ các hoạt đông buôn bán chính ngạch hoặc mậu dịch biên giới theo pháp luật hai nước và đúng các thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, nếu có hiện tượng thương lái, doanh nghiệp nước ngoài nói chung hay doanh nghiệp Trung Quốc thu mua nông sản trái quy định của pháp luật Việt Nam thì các địa phương, hiệp hội hãy phản ánh các vướng mắc cụ thể ra sao để, đối chiếu với quy định bán buôn với từng khách hàng, qua đó có chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu của ta, đồng thời giảm thiểu tác động mua bán gây xáo trộn trong quy hoạch một số ngành như tiêu, cà phê”.

Ông Biên nhấn mạnh: “Nếu có thu mua sai quy định chúng tôi sẽ xử lý”!

Dẫu vậy, thứ trưởng bộ Công thương cũng cho rằng, đây không phải là vấn đề mới, song tất cả chỉ dừng lại ở mức thông tin chung chung chứ các doanh nghiệp không phản ánh cụ thể ở đâu, vụ việc gì, thu mua sản phẩm gì

Chí Hiếu
SGTT
07/07/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Vì sao vàng trong nước đột nhiên thấp hơn giá thế giới?
      Những bí mật về “CEO thời chiến”
      Thức Ăn Chăn Nuôi Red Sun – Mang Lại Sự Giàu Có Cho Nhà Nông
      Giải pháp nhân sự doanh nghiệp thời hậu khủng hoảng
      Dòng tiền lớn “đánh tiếng” quay trở lại
      Vinpearl Land đã sẵn sàng cho đêm Chung kết HHTG người Việt
      Hậu trường thương vụ thâu tóm MegaStar