Welcome
Máy tính bảng Việt Nam lại lỗi hẹn
Thị trường máy tính bảng Việt Nam đang sôi động và các nhà sản xuất trong nước cũng rất quyết tâm tham gia. Tuy nhiên, từ quyết tâm tới hiện thực vẫn còn rất xa

Hiện có hơn 30 thương hiệu máy tính bảng tại Việt Nam, gần gấp đôi so với máy tính xách tay. Đa phần các dòng máy tính bảng đang có mặt tại Việt Nam đều có giá trên 10 triệu đồng/chiếc như iPad của Apple, Dell (Mỹ), Samsung Galaxy Tab (Hàn Quốc), Asus (Đài Loan)... Bên cạnh đó là những dòng giá rẻ có xuất xứ từ Trung Quốc hay Đài Loan như Axio, ZTE, ViewSonic…

Điệp khúc hẹn

Nhận thấy sự hấp dẫn của thị trường này, các nhà sản xuất trong nước đã manh nha tham gia từ cuối năm 2010. Phát pháo đầu tiên là từ Công ty Điện tử Hà Nội với sản phẩm Hanel Pad. Hãng này đã cung cấp đầy đủ thông tin về tính năng, cấu hình, giá bán và người tiêu dùng cũng được thử tính năng của chiếc máy tính bảng này. Khấp khởi mừng vì sắp có máy tính bảng thương hiệu Việt đầu tiên với giá rẻ nhưng chờ mãi mà người tiêu dùng vẫn không thấy tăm hơi sản phẩm, dù nhà sản xuất đã công bố chỉ 1 tháng sau ngày ra mắt, dòng máy này sẽ có mặt trên thị trường.

Theo bước Hanel, Công ty Máy tính CMS (thuộc Tập đoàn Công nghệ CMC) cũng công bố trong tháng 12.2010 hoặc chậm nhất là quý I/2011 sẽ đưa máy tính bảng ra thị trường. Nhưng cho tới nay sản phẩm cũng chưa xuất hiện. Ông Nguyễn Phước Hải, Tổng Giám đốc CMS cho biết, dự kiến khoảng cuối quý II, đầu quý III CMS sẽ ra mắt một vài sản phẩm mẫu, còn dạng thành phẩm sẽ muộn hơn. Thời điểm cuối quý II đã đến nhưng máy tính bảng của CMS vẫn chưa thấy trình làng.

Có vẻ khá hơn, Pi Vietnam đã chính thức trình làng Pi Ipad, máy tính bảng thương hiệu Việt đầu tiên được bán ra thị trường. Sau Pi Ipad vẫn còn 2 công ty viễn thông giữ ý định tấn công vào thị trường máy tính bảng Việt Nam là FPT và HiPT. Theo kế hoạch thì khoảng đầu tháng 7, máy tính bảng của 2 hãng này sẽ được tung ra thị trường. Riêng HiPT đã trưng bày sản phẩm mẫu.

Câu hỏi đặt ra là các thương hiệu Việt sẽ làm gì giữa cơn bão máy tính bảng với rất nhiều hàng hiệu như Apple, Sony, Dell, HTC…?

Trên website của Pi Vietnam có treo thông báo rằng số lượng đặt hàng máy Pi C002 đã vượt quá 4.000 và đề nghị khách hàng gọi điện trước khi đến lấy máy. Kèm theo đó là thông tin về những đợt giảm giá sốc mà hãng này kết hợp với HotDeal.vn. Thế nhưng, phản hồi của người tiêu dùng trên các diễn đàn trực tuyến đều tiêu cực. Những nhận xét thường thấy là cấu hình thấp, hàng Trung Quốc gắn mác Việt, cảm ứng không nhạy… Trước những thông tin đó, Pi Vietnam chưa đưa ra bình luận nào.

Ông Lê Huy Toàn, Trưởng ngành hàng Kỹ thuật số của Thế Giới Di Động cho biết Pi Vietnam muốn phân phối máy tính bảng tại Thế Giới Di Động nhưng sau khi dùng thử nhà bán lẻ này nhận thấy Pi Ipad có tính cạnh tranh kém nên đã từ chối. Theo ông Toàn, khi mới ra đời, Pi Ipad muốn bán tại Thế Giới Di Động với giá khoảng 12 triệu đồng, trong khi Samsung Galaxy Tab cũng chỉ có giá 14 triệu đồng.

Ông Toàn cũng cho biết thêm, mặc dù có rất nhiều dòng máy tính bảng khác nhau nhưng iPad của Apple vẫn đứng đầu khi thu hút đến 60-70% sự quan tâm của người tiêu dùng và luôn trong tình trạng thiếu hàng.

4 điểm yếu của máy tính bảng Việt Nam

Từ đầu năm 2011 đến nay, các hãng máy tính bảng liên tục ra mắt các sản phẩm mới khiến cho thị trường này nóng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, chưa có thêm nhà sản xuất Việt Nam nào tấn công được vào lĩnh vực này.

Cái khó của máy tính bảng Việt Nam hiện nay cũng giống như câu chuyện của điện thoại di động. Rất nhiều thương hiệu điện thoại di động Việt Nam ra đời, nhưng để có một cái tên nổi đình đám như Nokia hay Samsung thì chưa thể.

Ông Toàn cho rằng có 4 điểm khiến máy tính bảng Việt Nam khó cạnh tranh. Thứ nhất là doanh nghiệp Việt Nam không có thương hiệu mạnh nhưng lại dùng phương pháp OEM, tức là sản xuất tại Trung Quốc và gắn thương hiệu Việt vào. Phương pháp này chỉ hợp với những hãng đã có thương hiệu mạnh.

Thứ 2, mức giá của máy tính bảng thương hiệu Việt không thấp hơn là mấy so với các dòng chính hãng và lại rất cao so với các dòng giá rẻ Trung Quốc.

Thứ 3 là hệ điều hành. Máy tính bảng Việt Nam, tiêu biểu là Pi Ipad, dùng hệ điều hành Android 2.2, là hệ điều hành phổ biến của các dòng smartphone, trong khi các dòng máy tính bảng khác đa phần dùng Android 3.0. Đây là vấn đề lớn, vì các thương hiệu Việt chưa đủ lớn để mua được Android 3.0 để có thể gia tăng sức cạnh tranh.

Vấn đề cuối cùng, theo ông Toàn, là do định vị khách hàng của các hãng máy tính bảng Việt Nam chưa tốt. Theo đó, khách hàng của máy tính bảng được xem là cao cấp hơn cả những khách hàng mua laptop. Do đó, yêu cầu của họ cao hơn, mua hàng cũng muốn mua ở những siêu thị, cửa hàng lớn, chất lượng cao. Máy tính bảng Việt Nam ra sau, lại dùng hệ điều hành cũ, kiểu dáng không đột phá và không được phân phối trong những siêu thị lớn thì khả năng thất bại là rất lớn.

Cùng chung nhận định, ông Hải từ CMS cho biết: “Nếu chỉ là làm ra cái máy tính bảng thì đơn giản, nhưng làm ra có bán được như iPad không mới là vấn đề. Muốn có một cái máy tính rồi gắn logo của mình lên thì chỉ cần 10 ngày là chúng tôi đã có, nhưng định vị nó là cái gì và cạnh tranh như thế nào mới là khó”.

Theo nghiên cứu của hãng Gartner (Mỹ), thị trường máy tính bảng toàn cầu đang trên đà phát triển mạnh mẽ với 54,8 triệu máy sẽ được bán ra vào năm 2011 và lên đến con số kỷ lục 208 triệu máy trong năm 2014. Rõ ràng, cơ hội cho mọi hãng đều còn đó, song tận dụng cơ hội đó như thế nào mới là vấn đề

NCĐT
23/06/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Hội chợ “Tháng khuyến mãi” tại TP. Hồ Chí Minh: Tràn lan hàng kém chất lượng (05/09/2011)
      Vì đâu thương hiệu Việt “chết” trên sân nhà?
      Cuộc đua trên thị trường Internet tốc độ cao
      Hà Nội cho xây 2 khu nhà tái định cư trên đường Lê Văn Lương
      Nga bán cổ phần tại 11 nhà máy để bù thâm hụt ngân sách
      12 ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất còn 17 - 19%
      Tương lai Internet nằm trong tay phụ nữ