Welcome
Doanh nghiệp kiệt sức vì vốn
Tại buổi giao ban, làm việc với đại diện các hiệp hội, hội DN và DN do VCCI vừa tổ chức, “vốn” tiếp tục trở thành bức xúc của các DN, gây khó khăn trong sản xuất kinh doanh

Ông Phan Thông - Tổng thư ký Hiệp hội chủ hàng trăn trở: Vốn là một trong những vấn đề các DN XK đau đầu nhất hiện nay. Lãi suất hiện ở mức quá cao so với sức chịu đựng của DN. Ở thời điểm này, hầu hết các DN kinh doanh không có lãi bởi lãi chủ yếu để trả lãi cho ngân hàng. Đa số các hoạt động đầu tư đã lên phương án từ trước đều phải “treo” lại. Trước tình thế đó, nhiều DN phải tìm các nguồn vay khác ngoài ngân hàng, trong đó vay cá nhân là một lựa chọn ưu tiên.

40% DNNVV không thể vay vốn ngân hàng

Vốn cũng hiện đang là khó khăn lớn đối với các DN dệt may. Ông Tăng Văn Hấn, Phó Tổng thư ký Hiệp hội dệt may VN chia sẻ: “Lãi suất hiện nay vay tới 23% là quá cao, riêng với ngành dệt, kể cả ngân hàng có cho vay lãi suất thấp hơn nữa thì các DN vẫn khó “trụ”. Thậm chí nhiều DN còn không dám vay để đầu tư sản xuất!

Trao đổi với DĐDN về khó khăn của DN do lãi suất cao hiện nay, một chuyên gia nhận định: Hiện nay trong tổng số 400 ngàn DNNVV, chỉ 30% DN có quan hệ tốt, có khả năng thì vay được ngân hàng thường xuyên, 30% ở dạng lúc vay được lúc không, còn khoảng 40% là không thể vay được nên phải tìm các nguồn vay khác từ dân sự. Những khoản vay này Nhà nước không thể kiểm soát được. Cũng theo vị chuyên gia này, với 40% số DN không vay được vốn cũng đồng nghĩa là họ đang chấp nhận chi phí vốn cao và rủi ro lớn, khó tránh khỏi nguy cơ sống “ngắc ngoải”, bắt buộc phải dừng sản xuất, lao động cũng vì đó mà mất việc. Ông cho rằng, lúc này việc giảm thuế, giãn thuế cho DN là điều cần thiết để DN tiếp tục tồn tại và phát triển.

DN tự xoay xở

Trong khi đó, một khảo sát của VCCI mới đây đã chỉ ra rằng, chính sách điều hành lãi suất được nhiều DN cho là có tác động không tốt tới hoạt động kinh doanh của DN. Vẫn có khoảng 17% DN không vay được với lãi suất ngân hàng theo giá niêm yết và trên 44% DN đang đi vay với lãi suất trên 18%. Trong khi đó, số DN có thể “cắn răng” chịu đựng mức lãi suất này vào khoảng 20% số DN. Khoảng 5% DN đang đi vay với lãi suất trên 21%, trong khi đó 100% DN đang khẳng định lãi suất hợp lý nhất ở thời điểm hiện tại vào khoảng 17 - 18%.

Rõ ràng, một khi lãi suất huy động sàn do Ngân hàng nhà nước quy định chỉ có 14% thì với nhu cầu hiện tại, đang diễn ra tình trạng lách luật trong huy động vốn của các ngân hàng.

Theo các chuyên gia, giả sử với mức lãi suất như hiện nay vào khoảng 20%, và lạm phát là 12%/năm thì DN phải có tỉ lệ sinh lời trên 33% thì mới đủ khả năng bảo toàn vốn. Tuy nhiên, điều này dường như đang nằm ngoài khả năng của các DN.

Và, khi đó sẽ xảy ra hai vấn đề: Thứ nhất các DN tiếp tục phải duy trì sản xuất kinh doanh bằng cách tiếp tục vay vốn và chịu mức lỗ ngày càng gia tăng và rủi ro ngày một cao do tỉ lệ vay vốn trên vốn chủ sở hữu ngày một gia tăng.

Thứ hai, các DN sẽ phải huy động thêm phần vốn bên ngoài hệ thống các tổ chức tín dụng với mức lãi suất cao hơn. Và do vậy khó khăn càng chồng chất.

Ngưỡng nào?

Theo TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, giờ là lúc cần phải trả lời được câu hỏi: Sức chịu đựng của DN đến ngưỡng nào và liệu họ có “trụ” được trong hoàn cảnh hiện nay không ? TS Vũ Tiến Lộc cho biết, đánh giá về sức chịu đựng của DN hiện nay so với thời kỳ 2008 đang có hai luồng ý kiến: thứ nhất cho rằng chỉ một vài phần trăm DN đang đuối sức; thứ hai cho rằng đa số các DN, nhất là DNNVV đang đuối và cần phải có các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ DN.

Trên thực tế, nhiều DN đang kinh doanh do khó khăn nên đã phải “ăn” cả vào phần vốn dự trữ. Tuy nhiên, nếu tình hình tiếp tục không có chuyển biến thì dần dần số vốn đó cũng cạn kiệt. Nhiều dự án đầu tư của các DN do thiếu vốn đã phải nằm “đắp chiếu” chờ thời cơ.

Việc các DN, nhất là các DNNVV có “trụ” được trong bối cảnh hiện nay hay không rất cần tới những giải pháp kịp thời của các bộ, ngành trong thời gian tới.

DĐDN
18/06/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Ngành nhựa : Quy hoạch lệch thị trường
      Trong hỏa mù của thị trường nước chấm
      Công ty giấy Sài Gòn: Giằng co bán để tiếp tục phát triển
      Đầu tư cho công nghiệp ôtô : Có dừng lại ?
      Thị trường sữa trong nước: Chơi không đẹp!
      Doanh nghiệp bán lẻ đua nhau mở cửa hàng
      Miễn thuế NK thiết bị phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường