Welcome
Thực phẩm "giết người", trách nhiệm của ai?
Chuyên gia của Viện Công nghệ thực phẩm cho biết không có cách nào giải độc nếu ăn phải chất DEHP. Người tiêu dùng hoang mang cho rằng hoạt động kiểm tra của các cơ quan chức năng chỉ là "xuống nhìn ngó qua loa rồi về". Đó có phải là nguyên nhân khiến cho thực phẩm không an toàn ngày càng phổ biến?

LTS: Liên tục những vụ ngộ độc thực phẩm thức ăn, những loại thực phẩm, đồ uống bị nhiễm độc bị phát hiện trong thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người tiêu dùng và thị trường thực phẩm. Điển hình nhất có thể kể đến vụ việc thạch rau câu vị khoai môn nhãn hiệu Taro của Công ty New Choice Foods bị cơ quan chức năng phát hiện ra có chất phụ gia DEHP, một chất nguy cơ gây ung thư; vụ việc hàng loạt quán sử dụng cà phê, bột cam giả, bột cam làm từ hóa chất, không rõ xuất xứ, bột cam nhập từ Trung Quốc...

Các chuyên gia và đại diện cơ quan chức năng, doanh nghiệp đã chia sẻ quan điểm và đưa ra những lời khuyên với người tiêu dùng tại buổi giao lưu trực tuyến do báo VTC News tổ chức ngày 13/6. Diễn đàn Kinh tế Việt Nam xin lược thuật lại một số ý chính của buổi giao lưu này.

Không có cách nào giải độc nếu ăn phải DEHP

Trong thời gian qua, thông tin đại chúng nói nhiều về chất DEHP có trong thạch. Nói về nguy cơ mắc bệnh sau khi ăn thạch, ông Lê Đức Mạnh, Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm cho biết để trả lời chính xác về nguy cơ mắc ung thư do ăn thạch là rất khó vì không biết số lượng thạch mà mỗi em nhỏ đã ăn là bao nhiêu, trong loại thạch đó có chứa DEHP hay không chứa DEHP, và nếu có chứa thì chứa nhiều hay ít DEHP.

DEHP là chất tạo đục trong thực phẩm có vai trò duy nhất là tạo cảm giác hấp dẫn cho người tiêu dùng. Hàm lượng DEHP có thể phát hiện được ở mức độ rất thấp ở ngưỡng phần triệu (ppm) bằng các thiết bị phân tích hiện đại như: HPLC, GC - MS... Quy định giới hạn DEHP là không có. Bởi, DEHP không được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm ở Việt Nam.

Quy định giới hạn nhóm Phthalate trong thực phẩm, vật dụng bằng nhựa ( đựng thực phẩm, đồ chơi trẻ em...) đã được Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm đã ban hành. Những chất không được phép mà tồn tại trong nhựa, dụng cụ đựng thực phẩm, đồ ăn cũng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Tùy thuộc vào mức độ nhiều hay ít mà có những ảnh hưởng khác nhau.
Các chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý và doanh nghiệp tại buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: VTC News


"Trách nhiệm của nhà quản lý là tăng cường kiểm tra, còn trách nhiệm của nhà sản xuất là phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Nhà nước và đặc biệt là nhà sản xuất phải đề cao chữ tâm khi đưa các sản phẩm của mình ra thị trường.", ông Mạnh cho biết. Khi lỡ ăn phải hóa chất như DEHP thì không có cách nào để "giải độc". Nếu có thể, có thể uống nhiều nước để pha loãng DEHP trong thực phẩm mà bạn đã ăn. Tuy nhiên, hiệu quả của phương pháp này cũng hạn chế.

Thanh tra "xuống ngó rồi về"?
Liên quan đến quản lý các chất phụ gia thực phẩm ngày 31/8/2011, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành quyết định số 3742/2001/QĐ-BYT "Quy định Danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm".

Tại Việt Nam, DEHP không được sử dụng trong chế biến thực phẩm. DEHP có hại như thế nào là tùy thuộc vào thể trạng của con người, tức là mức nguy hại tùy thuộc vào từng lứa tuổi, tình hình sức khỏe của người sử dụng. Mức độ gây ung thư chưa có kết luận rõ ràng. Nhưng, nói chung không nên sử dụng những hợp chất như DEHP trong chế biến thực phẩm.

"Thực tế, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng thường xuyên nhận được nhiều khiếu nại của người tiêu dùng về thực phẩm, đặc biệt là sữa, các loại giải khát, thực phẩm chức năng", ông Vương Ngọc Tuấn - Phụ trách văn phòng tư vấn giải quyết khiếu nại Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) cho biết.

"Vụ việc thạch rau câu có chứa DEHP, trách nhiệm trước tiên thuộc về DN", ông Tuấn khẳng định. Ngoài ra có thể do các quy định của quản lý chưa được thực thi một cách đầy đủ và kịp thời; các biện pháp quản lý chưa đủ chặt chẽ, chưa đủ sức răn đe.

VINASTAS có chức năng tiếp nhận những thông tin để phản ánh và cảnh báo cho người tiêu dùng được biết và lựa chọn cẩn thận các thực phẩm mà mình cần tiêu dùng. Khi đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân cung cấp thực phẩm - đồ uống có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe không hợp tác. Hội sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý nhằm xử lý theo luật định.

"Muốn sử dụng bất kỳ một loại thực phẩm nào, bạn phải biết rõ nguồn gốc, xuất xứ, thành phần, hạn sử dụng và các thông tin liên quan đến sản phẩm", ông Vương Ngọc Tuấn chia sẻ.

Là chủ một doanh nghiệp sản xuất thạch rau câu, trong thời điểm thị trường sản phẩm này đang long đong vì vụ việc DEHP, ông Nguyễn Văn Thành, Phó giám đốc, Công ty Thạch rau câu Long Hải vẫn lạc quan khẳng định, Công ty Long Hải không bị ảnh hưởng bởi những thông tin trên. Ngay khi có thông tin xuất hiện chất DEHP gây ung thư có trong thạch rau câu thì Cục ATVSTP và các phương tiện truyền thông đã cung cấp thông tin một cách công khai, rõ ràng, minh bạch các sản phẩm nào của công ty nào có chất gây ung thư DEHP.

Nhiều người cho rằng hoạt động kiểm tra của các cơ quan chức năng chỉ là "xuống nhìn ngó qua loa rồi về". Liệu đó có phải là nguyên nhân khiến cho thực phẩm không an toàn cũng như tình trạng mất vệ sinh diễn ra ngày càng phổ biến?

Ông Nguyễn Văn Nhiên khẳng định, hiện nay, các hoạt động thanh tra, kiểm tra đã và đang được từng bước chuẩn hóa. Theo quy định của pháp luật và trên thực tế, trước khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, các cơ quan quản lý, cơ quan thanh tra phải xây dựng kế hoạch, ban hành quyết định để thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra và tiến hành các bước thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện nay, khi tiến hành thanh tra tại cơ sở, các đoàn thanh tra, kiểm tra đều công bố quyết định thanh tra, thu thập thông tin, tài liệu có liên quan, kiểm tra, xác minh các thông tin, tài liệu, kiểm tra tại hiện trường nơi sản xuất, kinh doanh, kho bảo quản thực phẩm. Trường hợp cần thiết, thanh tra tiến hành lấy mẫu, gửi về các Phòng thí nghiệm để kiểm nghiệm, xác định các chỉ tiêu về bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thạch khoai môn Taro chứa độc tố gây hoang mang cho người tiêu dùng.


Tuy nhiên, không phải tất cả các đoàn thanh tra đều phải tiến hành lấy mẫu hay đều phải kiểm tra tất cả các nội dung về bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, mà họ phải căn cứ vào nhiệm vụ của đoàn được ghi trong quyết định thanh tra, do cấp có thẩm quyền ban hành.

Ở Tây cũng thế!

Các sự cố về An toàn thực phẩm xảy ra không chỉ ở nước ta, là nước vốn còn nhiều bất cập trong an toàn vệ sinh thực phẩm, mà còn xảy ra ở nhiều nước khác, kể cả những nước phát triển như: E.coli 1026 trong pho mát ở Pháp năm 2005, hay Salmonella ở gà tại Tây Ban Nha năm 2005, hay kim loại có trong sữa bột ở Mỹ năm 2006, gần đây nhất là chất phụ gia tạo đục nhiễm DEHP ở Đài Loan,...

Do đặc điểm ngày nay thực phẩm có tính chất toàn cầu, nhất là trong điều kiện nước ta đã gia nhập WTO và hội nhập với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới thì một sự cố về an toàn thực phẩm xảy ra ở một nước có thể sang các nước khác trong đó có VN là điều khó tránh khỏi.

"Tuy nhiên, chúng ta đã và đang thiết lập một hệ thống cảnh báo và phản ứng nhanh với các sự cố này, để có những giải pháp phù hợp. Chẳng hạn như vụ việc phụ gia thực phẩm tạo đục có chưa chất DEHP ở Đài Loan vừa qua, trong đó có những mặt hàng được xuất khẩu sang VN, Bộ Y tế, cụ thể là Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã có phản ứng ngay", Ông Nguyễn Văn Nhiên - Chánh thanh tra Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm - Bộ Y tế khẳng định.

Về trực quan, không dễ dàng nhận biết được thực phẩm có an toàn hay không. Tuy nhiên, khi lựa chọn sản phẩm NTD cũng cần hạn chế và thận trọng khi lựa chọn các thực phẩm có màu lòe loẹt, thực phẩm có những dấu hiệu bất thường như: nước giải khát có cặn lắng, dị vật,... Thực phẩm đã chế biến có mùi lạ, nhìn bên ngoài có dấu hiệu nấm mốc, ngửi có mùi ôi thiu. Đối với những thực phẩm có dấu hiệu như trên thì phải hết sức thận trọng, tốt nhất là không nên sử dụng. Đồng thời, khi mua phải chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có nhãn mác, còn hạn sử dụng. NTD cũng phải hiểu cách đọc các thông tin hướng dẫn trên nhãn sản phẩm.

"Người tiêu dùng phải hiểu biết được quyền lợi và nghĩa vụ của mình, luôn theo dõi các thông tin cảnh báo từ cơ quan quản lý, thay vì "tẩy chay" các mặt hàng này", Ông Nguyễn Văn Nhiên, Chánh thanh tra Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (Bộ Y Tế) đưa ra lời khuyên.

Không liên quan đến hóa chất nhưng một vấn đề khác mà nhiều NTD quan tâm hiện nay là khuẩn E.Coli đang lây lan rộng tại các nước châu Âu trên các thực phẩm như dưa chuột, rau diếp, cà chua, giá đã gây chết người.

Trả lời câu hỏi Cục VSATTP đã có động thái gì để ngăn chặn việc này diễn ra tại VN và có khuyến cáo gì hay có biện pháp gì đối với những mặt hàng thực phẩm này nhập từ châu Âu, Đại diện Cục VSATTP, ông Nhiên cho biết Nhà nước đã có quy định về việc kiểm tra nhà nước về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nhập khẩu.

Theo đó, các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu thuộc diện phải kiểm tra Nhà nước thì phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định, chủ doanh nghiệp nhập khẩu phải đăng ký kiểm tra Nhà nước tại cơ quan được Bộ Y tế chỉ định, chịu sự kiểm tra của các cơ quan này. Tất cả các mặt hàng nhập khẩu chỉ được phép lưu hành sau khi đã được kiểm tra, có kết quả đạt yêu cầu và đáp ứng các quy định khác về đảm bảo an toàn thực phẩm.

"Khi mua thực phẩm, đồ uống đóng gói, ngoài việc xem ngày sản xuất và hạn sử dụng, có 8 nội dung bắt buộc ghi trên nhãn thực phẩm mà NTD cần biết, đó là: Tên sản phẩm; Tên và địa chỉ của người chịu trách nhiệm về hàng hóa đó; định lượng của hàng hóa; thành phần cấu tạo; thông tin cảnh báo vệ sinh an toàn, ngày sản xuất, hạn sử dụng; hướng dẫn bảo quản, sử dụng; xuất xứ hàng hóa", Ông Nguyễn Văn Nhiên - Chánh thanh tra Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm - Bộ Y tế cung cấp thêm thông tin.
Luật bảo vệ quyền lợi NTD có hiệu lực vào ngày 1/7/ 2011 sắp tới. Trong Luật các quyền của NTD đã được ghi nhận và cũng xác định các cơ chế để đảm bảo cho các quyền đó được thực thi. Trong Luật quy định rõ trách nhiệm của DN, tổ chức cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho NTD; trách nhiệm của các CQ QL thuộc các lĩnh vực khác nhau trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi NTD.

Cơ quan chịu trách nhiệm nhà nước về Bảo vệ quyền lợi NTD Ban Bảo vệ NTD, Cục QL cạnh tranh, Bộ Công thương; trách nhiệm của tổ chức xã hội trong hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD. Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam là một tổ chức xã hội về bảo vệ quyền lợi NTD.

Luật cũng quy định các phương thức để giải quyết tranh chấp giữa NTD và các DN, tổ chức cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho NTD và quy định các cơ chế, biện pháp xử lý khi có sự vi phạm quyền và lợi ích của NTD

Hải Yến
14/06/2011
  CÁC TIN KHÁC
      LAY'S
      O2 - Bạn là trung tâm của thế giới
      Cuộc đua trên thị trường Internet tốc độ cao
      PEPSI - Sự lựa chọn của thế hệ mới
      Kinh doanh điện máy: Cuộc sàng lọc bắt đầu
      Báo cáo về mua sắm trực tuyến toàn cầu
      Chọn dịch vụ làm đẹp cần ký cam kết