Welcome
Nghị quyết 11 và kỳ vọng tháng 8
Hôm họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 mới đây, cánh phóng viên lại được dịp “hỏi nhỏ” nhau về tình hình cắt giảm đầu tư công. Thực tế là thời hạn thực thi những quyết định mạnh tay hơn với cắt giảm đầu tư công có khả năng lại tiếp tục bị đẩy xuống

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 đã ấn định thời gian thu hồi toàn bộ vốn đầu tư sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ về ngân sách Trung ương từ sau 30/6.

Tuy nhiên, khoản thu hồi này, vốn được trông đợi sẽ củng cố thêm lòng tin vào quyết tâm cắt giảm đầu tư công, mới chỉ "gói" ở nhóm vốn mà các bộ, cơ quan, địa phương đã bố trí không đúng quy định.

Từ khi Nghị quyết 11 được ban hành, tính đến nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có hơn 3 tháng thực hiện chỉ đạo của Chính phủ. Nhiệm vụ quan trọng nhất mà bộ này được trao là thành lập các đoàn kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chỉnh phủ đã được bố trí vốn năm 2011.

Thời hạn để Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định các công trình cần ngừng, đình hoãn, giãn tiến độ thực hiện; thu hồi, điều chuyển các khoản chưa cấp bách, không đúng mục tiêu, báo cáo và đề xuất phương án xử lý với Thủ tướng Chính phủ là tháng 3/2011.

Nhưng sau hơn 3 tháng, bản báo cáo tháng 5, đề cập đầy đủ nhất tình tình thực hiện Nghị quyết 11 của bộ này, được trình Chính phủ tại kỳ họp vừa qua, vẫn chưa có khoản mục vốn đầu tư nào được liệt vào diện phải thu hồi về Trung ương, hay những đề xuất mạnh mẽ hơn về một hướng "đánh sụt" tổng cầu về phía chính sách tài khóa.

Từ tháng 8/2011 trở đi, tình hình lạm phát mới có thể được cải thiện dần?

Cụm từ "cắt giảm" gần đây đang được gán cho khá nhiều khoản vốn, thực tế chỉ là điều chuyển giữa các dự án, hay tạm giữ lại đơn vị, hoặc là vốn phát sinh thêm không nằm trong dự toán 2011. Phần đáng ra phải được chỉ rõ là vốn bố trí không đúng mục đích chưa thấy xuất hiện tại các báo cáo trình lên Chính phủ.

Thế cho nên, dường như cơ quan được giao trọng trách này vẫn chưa thể hài lòng với công việc thuộc thẩm quyền của mình. Hôm 15/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một lần nữa, buộc phải phát đi công văn (số 3118/BKHĐT-TH) đề nghị các bộ, ngành và địa phương tiếp tục rà soát, điều chỉnh kế hoạch phân bổ vốn đầu tư phát triển năm 2011.

Để triển khai xuống dưới, các tỉnh lại có công văn "thực hiện chỉ đạo" gửi sở kế hoạch và đầu tư; các bộ, ngành chỉ đạo đơn vị trực thuộc, rồi chờ đợi các bản báo cáo gửi lên. Có lẽ, nhanh nhất cũng phải đến cuối tháng 6 này Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới có số liệu bổ sung hoàn chỉnh về hướng cắt giảm vốn đầu tư trong năm nay, để trình lên Chính phủ.

Nếu vậy, khả năng là danh mục dự án đình hoãn, hay số vốn điều chuyển về ngân sách Trung ương sẽ được xác định tại kỳ họp Chính phủ tới và triển khai từ tháng 7. Và như thế, những tác động mạnh mẽ từ cắt giảm đầu tư công có thể còn phải chờ đợi lâu hơn.

Trong khi đó, nhìn về phía lạm phát, tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) theo tháng đang có dấu hiệu giảm dần. Theo lưu ý từ một số ý kiến trong giới phân tích, CPI giai đoạn này của năm ngoái đang ở mức rất thấp, cho nên lạm phát so với cùng kỳ sẽ còn tiếp tục leo cao trước khi giảm dần.

Áp tiến trình cắt giảm đầu tư vào xu hướng phân tích này, CPI giai đoạn tháng 6-8 năm ngoái vẫn tăng rất thấp, vì vậy có khả năng kể từ tháng 8/2011 trở đi, tình hình lạm phát mới có thể được cải thiện dần, vừa do tác động tích cực từ chính sách cắt giảm đầu tư, vừa do hiệu ứng CPI của năm ngoái.

Ở chiều hướng tích cực, riêng 4 tháng cuối năm 2010, CPI đã tăng trên 6 điểm phần trăm. Với giả định CPI 4 tháng cuối năm nay tăng bình quân khoảng 0,5-0,6%/tháng, lạm phát so với cùng kỳ sẽ giảm hơn 4 điểm phần trăm trong giai đoạn này của năm nay, nhưng có thể vẫn ở mức khoảng 17-18% cho cả năm.

Nếu những dự báo này trở thành thực tế, Chính phủ có thể sẽ chưa tính đến chuyện thay đổi hướng chính sách trong năm nay.

Tại hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ hôm 9/6 vừa qua, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam Benedict Bingham cũng lưu ý: "Dù đã đạt được những thành công bước đầu, niềm tin vào thành công chung của chiến lược này (Nghị quyết 11 của Chính phủ - PV) vẫn còn mong manh. Để cải thiện lòng tin, Chính phủ cần đưa ra một tín hiệu mạnh mẽ rằng sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11 sau năm 2011, và đặt ra các mục tiêu rõ ràng nhằm phục hồi và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trong trung hạn".

VnEconomy
11/06/2011
  CÁC TIN KHÁC
      ACB, Eximbank, Sacombank sẽ là người một nhà?
      Dòng tiền lớn “đánh tiếng” quay trở lại
      Tuổi nào có thể làm giàu?
      Áp lực trước xu hướng cộng tác
      Tạo thương hiệu cho nông sản miền núi: Vẫn còn khó
      Báo chí – loại hình truyền thông
      Phân tích SWOT trong việc hình thành chiến lược kinh doanh