Welcome
Dịch vụ internet: đầu tư mười, chờ gặt hái ba
Tính đến nay, đã có hơn 50 vụ đầu tư, mua bán vào các công ty kinh doanh dịch vụ internet đã được công bố. Các nhà đầu tư mới cũng đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội dự phần vào các dự án triển vọng để chờ đợi thời điểm thị trường vụt sáng

Nhiều tập đoàn lớn trong nước đang tiếp lửa cho thị trường này bên cạnh vai trò dẫn đầu của các quỹ đầu tư mạo hiểm. Chẳng hạn FPT dù ở top đầu nhà cung cấp dịch vụ web hiện nay, nhưng tổng giám đốc Trương Đình Anh nói rằng, nếu có cơ hội làm lại ông sẽ để thúc đẩy FPT tham gia thị trường di động và nội dung số một cách quyết đoán và táo bạo hơn để chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu. “Chúng tôi đã chưa thấy hết tiềm năng của ngành công nghiệp nội dung khi xu hướng kết nối đang lan toả đến mỗi cá nhân và ở mọi lúc mọi nơi”. Việc tìm kiếm cơ hội mua bán sáp nhập đang được FPT tính đến trong chiến lược của mình.

Đích ngắm của quỹ đầu tư

Đã hơn sáu năm kể từ khi quỹ mạo hiểm đầu tiên khởi sự tại Việt Nam – IDG Ventures Vietnam (IDGVV). Sau IDGVV vài năm, DFJ VinaCapital cũng đã dự phần trong chín doanh nghiệp có các dịch vụ liên quan.

Đích ngắm của các quỹ là các doanh nghiệp địa phương nhưng giải pháp có thể nhân rộng toàn cầu. Theo các quỹ, một mô hình chứng tỏ khả thi thường mất từ năm năm. Các dự án lâu nay có mức đầu tư trung bình khoảng 1 – 2 triệu đôla Mỹ. Nhiều doanh nghiệp nhỏ tìm vốn nhưng nhiều công ty có sẵn tiềm lực vẫn cần kinh nghiệm của quỹ mạo hiểm về hoạt động nâng cao giá trị công ty trước khi đi vào thu hút vốn công chúng. Thông thường khi đầu tư vào mười dự án, ba dự án phát triển tốt xem như thành công, một trong số đó bứt phá dẫn đầu thị trường xem như đã mang lại nguồn lợi gấp nhiều lần. “Về thực chất, giá trị của các công ty dotcom là trên sàn chứng khoán, nơi công chúng định giá nó lớn hơn nhiều so với giá trị có thể nhìn thấy được chứ không chỉ ở nguồn vốn”, một chuyên gia cho biết.

Rebate Networks – quỹ của Đức chuyên đầu tư vào mô hình mua theo nhóm ở 29 quốc gia cũng đã bỏ vốn vào muachung.com của công ty Địa Điểm để vào Việt Nam. Gần đây các nhà đầu tư Nhật với Softbank, Mitsui, và NTT đã rót vốn vào nhiều dịch vụ. Theo ông Nguyễn Hoàng Ly, tổng giám đốc công ty trực tuyến Cộng đồng Việt – đối tác của NTT-Data (Nhật), các công ty Nhật tích cực tìm kiếm các dịch vụ có thể hỗ tương để tạo ra hệ thống có vị trí cao trong thị trường, như thanh toán điện tử, trung tâm khách hàng, bán hàng qua tivi… “Họ mạnh về vốn và kinh nghiệm nên muốn đầu tư vào các doanh nghiệp có thế mạnh ở thị trường nội địa, đồng thời có phong cách làm việc chuyên nghiệp và văn hoá phù hợp”.

Chờ chuỗi cung ứng hoàn thiện

Theo ông Thân Trọng Phúc, giám đốc điều hành DFJV, yếu tố quyết định sự thành công liên quan mật thiết đến thời điểm tham gia cuộc chơi. Nếu quá sớm phải mất thời gian chờ đợi các chuỗi giá trị khác cùng phát triển, nếu quá trễ sẽ mất cơ hội.

Về khách quan, vẫn đang cần ba yếu tố chính phát triển đồng bộ để đột phá: 1. Số người dùng internet tăng (điều kiện này hiện đã đạt được); 2. Xác lập được thói quen và niềm tin ở người tiêu dùng, điều này mất nhiều thời gian nhất; 3. Hệ thống cung ứng, đặc biệt là mạng thanh toán đã phát triển nhưng hiện số người dùng thẻ tín dụng hay ví điện tử vẫn chưa đủ lớn trong khi vẫn còn nặng nỗi lo về an toàn dữ liệu thông tin. “Nhìn chung các yếu tố này đang dần hoàn thiện, chúng tôi dự báo cần ba năm nữa. DFJV vẫn ưu tiên nhắm vào các dự án như B2C, B2B, mạng xã hội… hoặc những mô hình sáng tạo phù hợp với thị trường Việt Nam”.

Hoàng Duy
SGTT
11/06/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Thực phẩm hạ nhiệt: Lạm phát hy vọng gì?
      10 sự kiện tiêu dùng trong năm 2011
      Thị trường bất động sản Hà Nội: Cung tăng, cầu chưa cải thiện
      Làm sao để doanh nghiệp trường tồn?
      Người mang phở Việt ra thế giới
      Người Việt xài tiền : Mừng ít, lo nhiều
      Toyota