Welcome
Xoay chuyển chiến lược
Biến động giá cả trên thị trường trong thời gian qua đã tác động mạnh đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất. Tuy nhiên, một số khác đã tìm kiếm những cơ hội bằng cách xoay chuyển chiến lược kinh doanh

Tìm cơ hội khác

Công ty TNHH Thương mại - Sản xuất Lê Thịnh, quận Tân Bình, TPHCM, hoạt động trong lĩnh vực may gia công, dệt kim, sợi... từ năm 1993. Những tưởng với chừng đó thâm niên trong nghề, đơn vị này sẽ dễ dàng xoay trở trước những khó khăn của thị trường. Tuy nhiên, theo ông Lê Hải, Giám đốc công ty, năm 2011 là thời điểm ngành dệt may gặp nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Hải cho biết hiện mức lợi nhuận của ngành không còn hấp dẫn do giá cả nguyên phụ liệu đã tăng vài chục phần trăm. Doanh nghiệp cũng không thể mở rộng quy mô sản xuất vì lãi vay ngân hàng vượt quá sức chịu đựng. Trong khi đó, lực lượng công nhân tại thành phố ngày càng thiếu do các tỉnh đều có khu công nghiệp. “Người lao động thích được làm việc gần nhà, để cuộc sống ít áp lực hơn. Tôi nghĩ rằng trong vòng hai, ba năm tới, các ngành nghề cần thu hút nhiều lao động sẽ dần chuyển ra khu vực ngoại thành hoặc chuyển về các tỉnh để dễ tuyển người hơn”, ông nói.

Ông Lê Đông Hồ, Phó giám đốc điều hành Công ty cổ phần May quốc tế Thắng Lợi, quận Tân Phú, cho biết so với hai năm trước, giá vải hiện nay đã tăng gấp ba lần, trong khi đó giá sản phẩm dù muốn tăng vài phần trăm cũng phải cân nhắc, thăm dò ý kiến của các kênh phân phối.

Để tìm thêm nguồn thu trong bối cảnh kinh doanh ế ẩm, thời gian gần đây Công ty Lê Thịnh và Công ty Thắng Lợi đã tận dụng vải vụn, vải rẻo để may khẩu trang, quần áo trẻ sơ sinh, túi xách, tấm lót nồi, thú nhồi bông... Lợi nhuận thu được từ mảng sản phẩm này của hai doanh nghiệp chiếm từ 5-7% trong tổng lợi nhuận.

Trước những khó khăn của thị trường, ông Hải cho rằng để tồn tại, doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc phải thu hẹp sản xuất, hoặc tìm hướng khác làm ăn. Ông cho biết công ty nhìn thấy viễn cảnh không mấy sáng sủa của lĩnh vực mà đơn vị đã đeo bám gần 20 năm qua, nên thời gian gần đây đã đầu tư nuôi cá ba sa ở khu vực miền Tây.

“Sản phẩm từ cá ba sa của Việt Nam được nhiều thị trường trên thế giới ưa chuộng nên chúng tôi mạnh dạn nhảy vào lĩnh vực này. Chúng tôi cung ứng cá cho những doanh nghiệp chuyên khai thác phi lê cá ba sa xuất khẩu. Chúng tôi vừa đầu tư, vừa thăm dò sức tiêu thụ của thị trường để vạch ra chiến lược dài hạn cho những năm tới”, ông Hải nói.

Cơ hội ở cách nhìn

Ngoài mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh mới, việc đa dạng hóa sản phẩm, chủ động vùng nguyên liệu thực phẩm đang là xu hướng được nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Hiện nay, một công ty hoạt động trong mảng dịch vụ, giải trí bao gồm chuỗi nhà hàng, cà phê, karaoke... tại TPHCM cũng đang đầu tư trang trại để nuôi cá hồi, trồng các loại rau củ quả và cà phê tại khu vực Tây Nguyên.

Tổng giám đốc công ty cho biết trong những năm gần đây, người tiêu dùng ở các thành phố lớn rất chú trọng đến vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đây chính là cơ hội để công ty đầu tư dài hạn trong lĩnh vực mới.

Giải thích thêm, ông nói: “Sau tám năm kinh doanh dịch vụ, ẩm thực, chúng tôi nghĩ rằng để nâng cao hình ảnh và giá trị của thương hiệu, không gì tốt hơn là nắm vững được kỹ thuật nuôi trồng, tự chủ được vùng nguyên liệu. Những loại thực phẩm thu hoạch theo từng mùa chúng tôi chỉ dành phục vụ trong hệ thống. Khách hàng sẽ thích thú hơn khi biết rằng ly cà phê họ đang thưởng thức là do chúng tôi trồng chỉ để phục vụ họ”.

Theo chủ tịch hội đồng quản trị một doanh nghiệp chế biến hải sản đông lạnh có nhà máy ở huyện Bình Chánh, TPHCM, trong thời điểm làm ăn khó khăn hiện nay, việc điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh là hết sức cần thiết. Đối với người tiêu dùng trong nước, nếu biết cách làm mới hình ảnh thương hiệu thì sẽ gia tăng được thị phần. “Cơ hội nằm ở cách nhìn. Chẳng hạn, một số sản phẩm hải sản trước đây vốn chỉ dành để xuất khẩu nhưng trong quá trình chế biến không đạt tiêu chuẩn, sai kích cỡ sẽ được chuyển sang phục vụ thị trường nội địa. Nhờ đó giá bán dòng sản phẩm này giảm được khoảng 15%. Phần đầu và xương cá trước đây từng bỏ đi sau khi đã lấy phi lê, nay chúng tôi tận dụng để chiết suất nước cốt dùng nấu lẩu. Sản phẩm hiện đang được thị trường nội địa đón nhận”, người này cho biết.

Nắm bắt nhu cầu sử dụng thực phẩm ăn nhanh của cư dân bận rộn tại các thành phố lớn, không có nhiều thời gian nấu nướng, công ty đã đầu tư thêm dây chuyền sản xuất dòng thực phẩm ăn liền.

Ngoài đa dạng hóa sản phẩm, chiến lược lấy ngắn nuôi dài cũng được nhiều doanh nghiệp nhắm đến. Khá táo bạo trong bối cảnh thị trường kinh doanh bất động sản gần như bị “đóng băng”, Công ty cổ phần Thuận Thảo (Phú Yên), vốn đang sở hữu một khách sạn và khu resort, đã triển khai kế hoạch đầu tư thêm 91 căn biệt thự kế khu resort tại thành phố Tuy Hòa.

Theo ông Trương Trọng Cử, Phó tổng giám đốc công ty, sau khi kinh doanh có lãi ở các mảng vận tải, giải trí, ẩm thực..., công ty đã chọn bất động sản là kênh đầu tư dài hạn. Thuận Thảo tìm ra lợi thế cạnh tranh trong mười mảng sản phẩm, dịch vụ để hỗ trợ lẫn nhau. “Thí dụ, khi khách hàng sử dụng dịch vụ vận tải, giải trí, lưu trú... thì sẽ được tặng thẻ ưu đãi, giảm giá ở các mảng khác mà công ty đang cung ứng. Nhờ đó công ty giữ được lượng khách ổn định, ngay cả trong mùa thấp điểm. Chúng tôi cũng vận dụng chính sách hoán đổi công việc cho nhân viên các bộ phận giữa khách sạn và khu resort, giúp giảm chi phí quản lý”, ông Cử nói.

Cũng theo ông Cử, khi khách hàng mua biệt thự nghỉ dưỡng, trong những tháng không sử dụng, họ có thể cho công ty thuê lại để khai thác. Điều này vừa giúp khách hàng có nguồn thu, trong khi biệt thự lại không bị xuống cấp, không tốn chi phí bảo dưỡng.

Còn anh Nguyễn, Giám đốc Công ty TL., kinh doanh thanh long, kể: ban đầu công ty xác định chỉ cung ứng thanh long cho thị trường trong nước. Tuy nhiên, nhận thấy người tiêu dùng trong nước ít mặn mà với loại trái cây này, công ty đã chuyển sang xuất khẩu thanh long. Vốn sinh trưởng tại Bình Thuận, vương quốc của thanh long, anh Nguyễn nhận ra thanh long trồng tại Bình Thuận có vỏ dày, tai dày nên có thể bảo quản từ 20-25 ngày, phù hợp với thời gian xuất khẩu. Cũng loại trái này nhưng nếu trồng ở khu vực miền Tây sẽ có vỏ mỏng, thời gian giữ tươi tối đa là 10 ngày, chỉ có thể tiêu thụ trong nước.

Trung bình mỗi tháng Công ty TL. xuất khẩu khoảng 40 tấn thanh long, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm 75%, còn lại là thị trường các nước Trung Đông, châu Âu và Mỹ. Sau sáu tháng chen chân vô thương trường, anh Nguyễn nhận ra “cái dở” của doanh nghiệp trong nước là cạnh tranh bằng mọi giá nên đã làm “hư” thị trường; hàng xuất khẩu đa phần phải gối đầu nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Để thoát ra cái vòng luẩn quẩn của nhà thu mua nông sản luôn bị động trong việc tìm nguồn hàng ổn định, có chất lượng đồng đều, Công ty TL. đã lên kế hoạch đầu tư vùng trồng thanh long rộng khoảng 30 héc ta theo tiêu chuẩn VietGAP tại Bình Thuận vào giữa năm nay

TBKTSG
11/06/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Sáng tạo kiểu dáng để xây dựng thương hiệu
      Bất lợi của doanh nghiệp khi không có website.
      Honda: Câu chuyện "Vạn sự khởi đầu..."
      Cơ hội và nguy cơ của các nhà bán lẻ Việt Nam năm 2010
      Công thức thành công “3 chữ C”
      Mỗi ngày, 70 doanh nghiệp phá sản
      Người Việt du lịch