Welcome
Thị trường viễn thông: Phát triển đầy nghịch lý
Số lượng thuê bao điện thoại gấp hơn 2 lần số dân, trong khi đó nhiều DN vẫn “lăm le” gia nhập làng viễn thông di động, nhưng lại không thể cung cấp dịch vụ

Tuyên bố không chạy đua giảm cước, nhưng các DN lại đua nhau lách khuyến mãi, cho dù quy định là không được phép. Đặc biệt, đã 4 năm thực hiện quản lý thuê bao di động trả trước (TBTT), song đến nay sim rác vẫn tràn lan và việc xác định chính xác thông tin thuê bao vẫn... bất khả thi.

Rối bời

Năm 2007, Bộ Thông tin - Truyền thông (TTTT) áp dụng chính sách quản lý TBTT. Đặc biệt hơn, bộ này vào cuộc xử lý các DN, đại lý, cá nhân khai man trá thông tin TBTT và kiên quyết cắt dịch vụ những thuê bao này. Tuy nhiên đã 4 năm thực hiện, đến nay mọi việc vẫn... không như mong muốn. Trên thực tế cho đến nay, người ta vẫn có thể dễ dàng mua sim rác và số lượng sim rác này vẫn đang tràn ngập thị trường.

Việc DN đua nhau cung cấp sim rác đã tạo điều kiện cho nhiều cá nhân thực hiện các hành vi lừa đảo bằng tin nhắn mà cả DN, người bị hại và cơ quan chức năng không thể lần ra dấu vết. Bên cạnh đó, việc phối hợp xây dựng trung tâm dữ liệu, xác định thông tin thuê bao giữa Bộ TTTT với Bộ Công an vẫn chưa được thực hiện. Chính vì thế, việc xác minh này vẫn... bất khả thi.

Không chỉ bó tay với quản lý TBTT, vấn đề phát triển thị trường cũng đang rối bời. Năm 2010, Bộ TTTT đã ban hành chính sách không được khuyến mãi quá 50% giá trị thẻ nạp. Thế nhưng sau một thời gian tạm lắng, đến nay tất cả các DN đều “phá luật” và liên tiếp khuyến mãi “khủng”.

Việc này cộng với sự tràn lan sim rác đã đẩy lượng thuê bao ảo bùng phát. Qua đó, tài nguyên số bị lãng phí. Theo Tổng cục Thống kê, viễn thông cố định bị bóp nghẹt, số lượng thuê bao cũng giảm sút. Chỉ trong tháng 5/2011, cả nước bất ngờ giảm 46,5 triệu thuê bao điện thoại.

Tuy nhiên, đau đầu nhất có lẽ vẫn là việc quy hoạch và phát triển DN cũng như lĩnh vực viễn thông di động. Tính đến nay, VN đã cấp phép cho quá nhiều DN viễn thông di động, nhưng chỉ có 3 - 4 DN hoạt động hiệu quả. Còn lại hàng loạt DN như EVN Telecom, S-Fone thì lẹt đẹt và teo tóp dần. Các DN như VTC, Đông Dương thì cứ lùi mãi, lùi mãi và chưa biết bao giờ mới có thể cung cấp dịch vụ. Việc nhận giấy phép rồi đầu tư quá nhiều tiền của đẩy DN vào áp lực có thể gây lãng phí lớn nếu như không thể cung cấp dịch vụ hoặc không thể phát triển.

Cần thái độ kiên quyết

Cho đến nay, dư luận có lẽ cũng cảm thấy chán ngán khi mà tình trạng tin nhắn lừa đảo, sử dụng sim rác để quấy rối, dụ xem bói toán, cờ bạc..., nhưng không được xử lý thấu đáo. Theo thông tin mới nhất thì đến nay, các cơ quan quản lý cũng chỉ mới đang... dự kiến sẽ làm thí điểm việc xác minh thông tin cá nhân thuê bao tại địa bàn Hà Nội. Nhưng việc liệu có xác minh được không, xử lý DN, đại lý, cá nhân vi phạm đến đâu lại cũng phải... chờ xem. Và dĩ nhiên là trong khi chờ đợi, xã hội buộc phải chấp nhận “sống chung” với tin nhắn rác.

Còn đối với việc khuyến mãi ồ ạt, tràn lan thì từng cá nhân riêng lẻ sẽ được lợi. Song nếu phân tích kỹ thì thấy sự phát triển thuê bao sẽ không bền vững. Tình trạng sử dụng hết tài khoản rồi vứt sim, mua sim khác vẫn liên tục diễn ra. Chưa dừng lại ở đó, sự cạnh tranh kiểu này đang khiến cho các DN nhỏ bị đẩy vào tình trạng yếu thế.

Đại diện các DN này cho rằng, nếu không chạy đua khuyến mãi thì không thể phát triển được thuê bao, nhưng cứ chạy theo mãi thì không biết đến bao giờ cuộc đua mới dừng lại, trong khi càng chạy theo thì càng lỗ nặng và không có cơ hội để phát triển.

Tương tự, việc cấp phép cho quá nhiều DN viễn thông khiến cho chính các DN nhỏ, DN mới ra đời tiến thoái lưỡng nan. Nếu các DN này tiếp tục ném tiền vào đầu tư thì gần như chấp nhận canh bạc rủi ro vì khó có cơ hội lớn mạnh; nhưng nếu chấp nhận thất bại thì đồng nghĩa với việc cả núi tiền đầu tư trước đó coi như “ra sông ra biển”.

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay thị trường đã bão hòa với số lượng thuê bao gấp hơn 2 lần số dân. Chính vì thế mà có lẽ sẽ chẳng có cơ hội nào cho các DN đã nhận giấy phép, nhưng chưa thể ra mắt dịch vụ. Vậy nên chăng, đã đến lúc cần đưa thị trường viễn thông vào quỹ đạo nhằm hạn chế sự lãng phí tài nguyên kho số, hạn chế sự lãng phí đầu tư về thiết bị, máy móc, hạ tầng công nghệ.

Các chuyên gia cho rằng, một khi sự quản lý được thắt chặt thì chắc chắn sẽ đẩy nhanh tiến trình sáp nhập hoặc mua bán DN viễn thông, sớm đưa thị trường vào ổn định, tránh được kiểu làm ăn manh mún, lãng phí các nguồn lực như hiện nay

Lao Động
07/06/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Đại gia địa ốc kêu cứu
      Bình ổn giá làm lợi cho doanh nghiệp
      Cà phê “xuất khẩu ngược” về trong nước
      20th Century Fox – Công nghệ giải trí gia đình
      Xu hướng mở rộng thương hiệu sẽ tiếp tục trong năm 2010
      Electrolux – Tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới
      Groupon: Cơn sốt mang tên "giảm giá”