Welcome
Doanh nghiệp bất động sản và câu chuyện bó đũa
Khó khăn về vốn và thị trường đã dẫn đến những cái bắt tay hợp tác giữa các doanh nghiệp bất động sản để có thể triển khai dự án

Tại buổi họp báo mới đây về thị trường bất động sản TP.HCM quý I/2011 do Công ty Tư vấn Bất động sản Savills Việt Nam tổ chức, Giám đốc Điều hành Brett Ashton nói rằng chưa bao giờ sự liên kết giữa các doanh nghiệp lại cần thiết như lúc này nhằm giúp nhau vượt qua khó khăn. Thông điệp này được Savills Việt Nam thể hiện ở phần quà tặng cho khách mời. Đó là một bó viết chì, tượng trưng cho sức mạnh liên kết (tương tự như người Việt Nam có câu chuyện bó đũa).

Những đôi đũa trong bất động sản

Đầu năm 2008, Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco) dự định sẽ khởi công dự án Khu phức hợp Petrosetco Tower cao 35 tầng tại quận Bình Thạnh, TP.HCM với diện tích gần 20.000 m² bên bờ sông Sài Gòn. Theo dự kiến, dự án này sẽ hoàn thành vào năm 2011.

Mặc dù là công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có tiềm lực tài chính khá mạnh, nhưng Petrosetco cũng đành phải hoãn lại dự án do suy giảm kinh tế. Phải đến đầu năm 2011, khi có sự tham gia của Tập đoàn SSG, dự án này mới được khởi công trở lại. Theo đó, SSG sẽ hợp tác với Petrosetco thành lập Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Petrosetco SSG có vốn điều lệ 450 tỉ đồng để triển khai dự án Petrosetco Tower.

Trên thực tế, những thương vụ hợp tác như giữa Petrosetco và SSG không ít, nhất là đối với những doanh nghiệp kinh doanh đầu tư trái ngành vào bất động sản. Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) là một ví dụ. Sự bùng nổ của thị trường bất động sản đã thu hút Tập đoàn chen chân vào lĩnh vực được xem là có nhiều lợi nhuận này. Tuy nhiên, giống như Petrosetco, khó khăn về thị trường đã buộc Vinatex phải tìm kiếm đối tác để liên kết.

Giữa tháng 3.2011, Công ty Cổ phần Bất động sản Dệt May Việt Nam (Vinatex Land) và Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (ThuDuc House) đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển 2 dự án bất động sản với tổng vốn đầu tư gần 1.700 tỉ đồng. Đó là dự án chung cư TDH - Phúc Thịnh Đức (quận 9, TP.HCM) và Trung tâm Thương mại - Căn hộ Aquila Plaza (quận Thủ Đức).

Trước đó 1 tháng, ThuDuc House cũng đã nhận được lời mời liên doanh từ Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Sài Gòn (Satrabeco). Theo đó, Satrabeco sẽ hợp tác với ThuDuc House để cùng đầu tư kinh doanh Trung tâm Thương mại, Dịch vụ và Văn phòng cho thuê Hàng Xanh (quận Bình Thạnh). Trên thị trường Việt Nam, ThuDuc House là một trong những doanh nghiệp thành công trong việc liên doanh với các doanh nghiệp khác. Và đây được xem là một chiến lược của công ty này.

Nếu như những trường hợp bắt tay giữa các doanh nghiệp trong nước vẫn còn ít thì việc hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài lại khá nhiều. Đáng chú ý là tháng 10.2010, Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) đã quyết định hợp tác với Gamuda Land, công ty phát triển nhà ở của Malaysia, để đầu tư xây dựng tòa nhà Celadon City với vốn đầu tư 215 triệu USD tại quận Tân Phú.

Ngoài ra, còn có thương vụ hợp tác giữa Công ty Đầu tư và Dịch vụ Kiến Á (Inveskia) và Prudential để thực hiện dự án căn hộ Imperia An Phú (quận 2), hay ThuDuc House hợp tác với tập đoàn Hàn Quốc Daewon để triển khai dự án căn hộ Cantavil An Phú (quận 2), Cantavil Hoàn Cầu (quận Bình Thạnh).

Vì sao chưa có bó đũa?

Nhận định về xu hướng liên kết trong lĩnh vực bất động sản, ông Lê Chí Hiếu, Tổng Giám đốc ThuDuc House, cho rằng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, đặc biệt là khó khăn về vốn, việc tăng cường liên doanh liên kết để có thể thực hiện dự án là một trong những giải pháp cho doanh nghiệp bất động sản. “Nếu có sự bắt tay giữa các công ty bất động sản trong nước thì áp lực về vốn cũng sẽ giảm đi”, ông nói.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng liên doanh liên kết để cùng tập trung nguồn lực, tận dụng thế mạnh của mỗi doanh nghiệp là giải pháp sống còn của các doanh nghiệp bất động sản.

Thế nhưng, những trường hợp liên kết cho đến nay chỉ là liên kết đôi đũa. Hình thức hợp tác bó đũa giữa nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa thấy xuất hiện.

Có nhiều lý do cho việc này. Việc tìm kiếm đối tác liên doanh trong tình hình hiện nay không phải là điều dễ dàng. Ít nhất dự án phải nằm ở những vị trí đắc địa hoặc cho thấy có tiềm năng. Một vấn đề nữa là doanh nghiệp cũng phải có tên tuổi trong lĩnh vực bất động sản. SSG, chẳng hạn, là một tập đoàn đầu tư kinh doanh địa ốc hàng đầu tại Việt Nam với những dự án lớn như Khu phức hợp Saigon Pearl ở Bình Thạnh (tổng vốn đầu tư hơn 750 triệu USD), căn hộ cao cấp Thảo Điền Pearl tại quận 2 (vốn đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng). Hay ThuDuc House cũng là một doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực bất động sản.

Ông Hiếu, ThuDuc House, cho biết, nhiều doanh nghiệp bất động sản, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ có dự án nhưng gặp khó khăn về vốn, cũng đến đặt vấn đề hợp tác với ThuDuc House nhưng không phải dự án nào Công ty cũng có thể hợp tác. “Để hợp tác, ít nhất chúng tôi phải thấy được cơ hội đầu tư ở dự án. Hai bên cũng phải thống nhất được về quyền lợi, tương đồng về văn hóa doanh nghiệp và phải có lòng tin lẫn nhau”, ông nói.

Trong khi đó, ông Châu, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết Hiệp hội khuyến khích việc liên kết giữa các doanh nghiệp để tạo thành những tập đoàn bất động sản mạnh và trên thực tế đã thấy được những tín hiệu tích cực. “Tuy chưa có những bó đũa nhưng cũng đã xuất hiện những đôi đũa cái như sự liên kết giữa Tập đoàn Bất động sản Phương Trang và Công ty Cổ phần Đức Khải. Đây là 2 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản Việt Nam và việc hợp tác sẽ hứa hẹn tạo nên một tập đoàn lớn mạnh, có thể cạnh tranh với các công ty nước ngoài”, ông nói

NCĐT
28/05/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Thị trường tiếp tục bước vào giai đoạn tích lũy
      Thế nào là một khẩu hiệu (slogan) hoàn hảo
      Phong thủy cho website
      Những người thắng cuộc
      5 chiến thuật giải quyết những ngăn cản tiêu cực trong công ty
      Thương hiệu quốc gia: Chưa đậm!
      'Thổi' thương hiệu bằng nhân viên