Welcome
Tìm đòn bẩy cho ngành phần mềm
Việc thiếu các sản phẩm chuyên sâu và một chiến lược thị trường dài hạn đã bộc lộ những điểm yếu của các doanh nghiệp phát triển phần mềm trong nước hiện nay. Cách đây vài năm, một công ty phát triển phần mềm y tế đã rao bán doanh nghiệp

Thế nhưng thị trường dường như không quan tâm. Nhưng đến nay, một doanh nghiệp trong ngành đang phát triển sản phẩm tương tự đã phát đi thông điệp sẽ “thâu tóm” doanh nghiệp nọ nếu có cơ hội.

Hai doanh nghiệp, một bên có đội ngũ xuất thân là các bác sĩ, nhờ đó sản phẩm đưa ra thị trường đã có những thành công nhất định nhờ am hiểu nghiệp vụ y khoa; bên còn lại là doanh nghiệp công nghệ hàng đầu có thị phần lớn trong ngành y tế, có thế mạnh về kỹ thuật nhưng thiếu các nghiệp vụ chuyên môn. Sau nhiều năm phát triển, họ nhận ra rằng chỉ có thể duy trì được vị trí dẫn đầu nếu giải quyết được điểm yếu này.

Khập khiễng

Trường hợp trên là điển hình về sự khập khiễng của doanh nghiệp phần mềm trong nước nhiều năm qua. Phần lớn doanh nghiệp phần mềm Việt Nam có quy mô nhỏ, khả năng tài chính yếu, không đưa ra được chiến lược thị trường dài hạn, lại thiếu kỹ năng kinh doanh chuyên nghiệp và chịu nhiều áp lực về sự thay đổi công nghệ. Trong khi đó, một vài doanh nghiệp có quy mô lớn, có khả năng về kỹ thuật và tài chính lại thiếu trầm trọng đội ngũ có nghiệp vụ chuyên sâu.

Trước năm 2000, nhiều doanh nghiệp phần mềm ồ ạt ra đời, nhưng đến nay con số trụ lại được chủ yếu phát triển phần mềm quản trị kế toán, “may đo” chương trình cho các sở, ngành. Sinh ra nhiều nhưng không lớn lên được là tình trạng chung của ngành phần mềm hiện nay. Nhiều sản phẩm tốt nhưng không được “nuôi nấng”, bởi doanh nghiệp không trụ được trong điều kiện thị trường khắc nghiệt. Nhiều phần mềm chủ yếu mô phỏng từ mô hình phổ biến của nước ngoài dần bị đào thải. Nhiều sản phẩm được thị trường chấp nhận nhưng gian nan để khẳng định thương hiệu bởi sự lấn át của các giải pháp của nước ngoài - vốn rất đa dạng về phương thức cung cấp, khả năng duy trì dịch vụ và sự am hiểu nghiệp vụ của từng ngành nghề.

Ông Ngô Vi Đồng, Chủ tịch Công ty HPT, cho rằng doanh nghiệp lớn ứng dụng giải pháp của nước ngoài là đương nhiên, vì phần mềm là sự tích hợp quy trình quản trị của các ngành công nghiệp trong nhiều năm. Chưa kể khả năng tài chính, nếu giải pháp trong nước muốn đạt tầm vóc đó thì cần thời gian để tích lũy kinh nghiệm chuyên sâu về công nghệ lẫn các hệ thống công nghiệp quốc tế. Đó là chưa kể chúng ta đang thiếu đội ngũ chuyên gia am hiểu những mảng kiến thức đặc thù về ngành lẫn nghiệp vụ quản trị để phần mềm “diễn đạt” được. “Phần mềm suy cho cùng là các kỹ năng quản trị chạy trên nền công nghệ hiện đại, nhưng đây lại là điểm yếu nhất của doanh nghiệp Việt Nam”, ông Đồng nói.

Giả sử doanh nghiệp có sản phẩm tốt, nhưng để thành công còn phụ thuộc nhiều yếu tố như năng lực phân tích thị trường và tiếp thị sản phẩm, kinh phí xây dựng bộ máy và tổ chức sản phẩm dài hạn. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp rời bỏ thị trường bởi việc kinh doanh phần mềm không duy trì được nguồn thu, mà dự án phần mềm thì rất nhiêu khê để chỉ ra hiệu quả cụ thể.

Theo ông Phạm Anh Chiến, Tổng giám đốc Công ty Phát triển phần mềm FPT (FIS), vấn đề bảo vệ bản quyền và quản lý con người trong các công ty phần mềm có độ rủi ro rất cao. Trong khi đó nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp khi đầu tư sản phẩm là bảo vệ bản quyền. Phần mềm là sản phẩm được nâng cấp liên tục, khó có cơ chế bảo vệ hữu hiệu trong môi trường pháp lý hiện nay bởi các chế tài vi phạm rất yếu. Vì lẽ đó nhiều doanh nghiệp lớn rất e ngại đầu tư. “Sau nhiều năm, kinh nghiệm của chúng tôi là tập trung các giải pháp đặc thù nhưng khách hàng chấp nhận bỏ chi phí cao để đầu tư. Có như thế mới đủ khả năng đầu tư dài hơi cho sản phẩm”, ông Chiến nói.

Thiếu đòn bẩy thị trường

Theo ông Chiến, thị trường trong nước tiềm năng nhưng chỉ thành công khi khai khác được các nhu cầu đặc thù của từng doanh nghiệp, hay từ những địa phương, cơ quan, nơi những phần mềm lớn của nước ngoài khó có thể đáp ứng. Thực tế cho thấy ngành nghề nào có sự cạnh tranh thì lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) sẽ phát triển theo. Chẳng hạn ngành tài chính ngân hàng hiện nay. Trước sức ép của thị trường, các ngân hàng đã tận dụng công nghệ để bứt phá và có được dịch vụ ngân hàng bán lẻ phổ biến hiện nay. Gần đây, trước sức ép quản lý dòng tiền hiệu quả, các doanh nghiệp trong ngành thép, bất động sản bắt đầu ứng dụng các giải pháp chuyên nghiệp... Tuy nhiên, khu vực này hiện đang là “đất” của các giải pháp do doanh nghiệp nước ngoài thực hiện.

Theo ông Trần Lương Sơn, Tổng giám đốc VietSoftware, các dự án CNTT có vốn ngân sách hàng chục ngàn tỉ đồng hàng năm là cơ hội lớn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, tham gia vào khu vực này có nhiều rủi ro, doanh nghiệp không tìm được sự ổn định để bảo đảm các triển vọng kinh doanh. Điều này làm cho cách tiếp cận của cả chủ đầu tư và nhà cung cấp đều có tính ngắn hạn. Thời gian qua nhiều công ty lớn rút khỏi thị trường, các công ty nhỏ tìm kiếm cơ hội nhưng phải phá sản ngay khi mở rộng quy mô.

Chính vì vậy sau nhiều năm số doanh nghiệp cung cấp phần mềm chuyên nghiệp ở ngành dịch vụ y tế, giáo dục, các tổ chức công giảm sút hoặc không phát triển. Tình trạng này là do cơ chế tài chính bất cập, không xem CNTT là dự án mang tính dịch vụ. Chính sách đầu tư này không giúp xây dựng mối quan hệ tin cậy giữa doanh nghiệp và chủ đầu tư đã làm mất nhiều cơ hội phát triển của ngành. Doanh nghiệp không dám hoặc không đủ khả năng đi đường dài, các hệ thống CNTT tại các cơ quan quản lý nhà nước cũng thiếu tính khả dụng.

Ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TPHCM, nêu ví dụ một dự án mở thầu, nhà đầu tư luôn cần những đối tác có nhân sự ổn định và tài chính mạnh để đi đường dài. Nhà đầu tư thường phải nhắm “nắm kẻ có tóc” để giảm rủi ro. Nhiều doanh nghiệp nhỏ có ý tưởng, công nghệ tốt và khát vọng nhưng nếu gặp rủi ro phá sản thì hệ thống phải đầu tư lại từ đầu. CNTT là một hệ thống, không phải sản phẩm đơn thuần muốn mua là mua.

Ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, phân tích các ngành như tài chính, ngân hàng, thuế... nếu không ứng dụng CNTT thì không thể hoạt động, áp lực này đã giúp các ngành này triển khai CNTT khá hiệu quả. Lâu nay các dự án CNTT được quản lý như một sản phẩm định mức, trong khi phần mềm là sản phẩm sáng tạo và đặc thù. Việc định mức như dự án xây dựng cơ bản khiến quy trình đầu tư khó khăn, thiếu kinh phí nâng cấp và cập nhật vì thế đầu tư thường ngắn hạn và không hiệu quả, không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp cung cấp mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả ứng dụng tại các tổ chức.

Đầu tư cho phần mềm rủi ro cao và không phải doanh nghiệp nào cũng đủ sức. Theo ông Trực, chủ trương phát triển phần mềm nguồn mở lâu nay không được thúc đẩy. Dù không thể thay thế phần mềm thương mại nhưng phần mềm nguồn mở là giải pháp bổ sung hướng đến “vườn ươm” để mở ra khả năng sáng tạo và tăng tính chủ động cho phần mềm trong nước. Mặt khác, các hỗ trợ của Nhà nước trong lĩnh vực này có nhưng chưa đủ để doanh nghiệp định hướng phát triển bền vững, chấp nhận rủi ro cho các chiến lược đầu tư nghiên cứu chuyên sâu và dài hạn

19/05/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Những lỗi cần tránh khi gia nhập cộng đồng mạng
      Internet Marketing cho “gà đẻ trứng vàng”
      Mobile marketing tại Việt Nam: Vẫn chỉ là tiềm năng!
      Phân tích SWOT trong việc hình thành chiến lược kinh doanh
      Cái giá tác hợp đạo kinh doanh
      Những ý tưởng lớn
      Du lịch lấy thưởng: Coi chừng "dính chưởng"!