Welcome
Góp vốn bằng thương hiệu: Gật không được, lắc cũng chẳng xong
Góp cổ phần bằng thương hiệu (tên thương mại, nhãn hiệu…) đã và đang diễn ra mỗi nơi một kiểu trong khi cơ quan quản lý chưa có sự thống nhất. Dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện góp vốn và nhận góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng nhãn hiệu do bộ Tài chính soạn thảo được trình làng từ năm 2010 nhưng hiện vẫn… tắc

Mỗi nơi mỗi kiểu

Trên sàn giao dịch chứng khoán, hiện có hàng chục doanh nghiệp lấy tên Sông Đà.

Được tiếng là thương hiệu tốt, cái tên Sông Đà của tổng công ty Sông Đà được chia năm sẻ bảy cho các công ty con theo kiểu hoa thơm mỗi người hưởng tí như công ty cổ phần (CTCP) Sông Đà 909 (S99), CTCP Sông Đà 10 (SDT). Tương tự như vậy là trường hợp của tổng công ty xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đối với CTCP Cơ giới lắp máy và xây dựng (VMC).

Báo cáo kiểm toán năm 2007 của S99, SDT và VMC đã được thực hiện bởi công ty TNHH Kiểm toán và định giá Việt Nam (VAE). Kiểm toán viên cho rằng việc đơn vị nhận góp vốn ghi nhận giá trị thương hiệu của đơn vị góp vốn là tài sản cố định vô hình và trích khấu hao cho phần tài sản cố định vô hình này là chưa có cơ chế tài chính, chưa được chế độ kế toán hiện hành hướng dẫn.

Cùng là thương hiệu Sông Đà, nhưng tại các doanh nghiệp khác nhau lại được ghi nhận giá trị vốn góp khác nhau. Cụ thể, theo báo cáo kiểm toán 2007 khoản góp vốn bằng thương hiệu của tổng công ty Sông Đà tại S99 là 250 triệu đồng, khấu hao luỹ kế đến hết năm 2007 là 28 triệu đồng; tại SDT là 4,93 tỉ đồng, khấu hao luỹ kế đến hết 2007 là 1,214 tỉ đồng và tại VMC là 300 triệu đồng.

Sau khi có báo cáo kiểm toán 2007, S99 và SDT vẫn chuyển phần ghi nhận vốn góp bằng thương hiệu của tổng công ty Sông Đà là vốn cố định vô hình nhưng không thực hiện khấu hao. Báo cáo kiểm toán các công ty này trong năm 2008 không thấy có lưu ý (người đọc) về việc góp vốn của cổ đông bằng giá trị thương hiệu nữa.

Ngoài ra, thương hiệu Sông Đà cũng được dùng để góp vốn vào CTCP Xây dựng hạ tầng Sông Đà (SDH). Cụ thể, thương hiệu này được ghi nhận tại thời điểm sau đại hội cổ đông ngày 9.7.2004 là 770 triệu đồng, được tính vào tài sản cố định vô hình. Khi văn bản hướng dẫn của tổng cục Thuế ban hành năm 2006 không đồng ý việc góp vốn bằng thương hiệu thì SDH chuyển khoản này thành chi phí trả trước dài hạn.

Ghi là góp vốn bằng tiền

Ở Việt Nam hiện nay, do chưa có văn bản nào quy định riêng về việc góp vốn bằng thương hiệu nên việc góp vốn thường được lập hợp đồng như các loại hợp đồng góp vốn thông thường.

Bất cập là các doanh nghiệp thực hiện góp bằng thương hiệu, vốn chưa được định giá, song lại ghi trong giấy đăng ký kinh doanh là “góp vốn bằng tiền”. Hành động góp vốn bằng tiền nhưng lại không có tiền này sẽ gây rắc rối cho hệ thống kế toán đồng thời sẽ gây ra rất nhiều vướng mắc nếu doanh nghiệp góp vốn muốn rút vốn hay doanh nghiệp nhận vốn góp không muốn tiếp tục hợp tác.

Nhiều câu hỏi đã và đang được đặt ra: xác định giá trị thương hiệu như thế nào, ai xác minh việc xác định này có hợp lý hay không? Nó mang lại lợi ích cụ thể gì cho doanh nghiệp? Trong khi chưa tìm được câu trả lời rõ ràng, bộ Tài chính đã nói không với yêu cầu được góp vốn bằng thương hiệu của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp các doanh nghiệp “lách” hoặc “chui” để góp vốn bằng cách này hoặc cách khác. Trong khi các văn bản của ngành tài chính không thừa nhận loại tài sản vô hình này là tài sản, thì giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp lớn vẫn đang hiển hiện và có giá trị rất lớn đối với một doanh nghiệp mới thành lập được khoác chiếc áo “có họ hàng”. Theo ông Bùi Văn Mai, phó chủ tịch thường trực kiêm tổng thư ký hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), để lách quy định cấm của bộ Tài chính, có doanh nghiệp đã hạch toán thương hiệu vào mục “phí thuê thương hiệu”.

Trương Minh Tình

Kỳ tới: Hành trình cởi trói còn xa

Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó.

Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

(Theo luật Sở hữu trí tuệ)

Trương Minh Tình
SGTT
03/05/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Ra mắt kênh truyền hình mua sắm hàng Việt
      Cách quảng cáo hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng
      Vì sao người Việt cho rằng dịch vụ SMS là lừa gạt?
      Đi tìm “hàng hiệu” Việt
      Làm gì khi thương nhân Việt Nam bị “thủng lưới” trên sân nhà?
      Cạnh tranh bằng vốn tri thức
      TP.HCM thanh tra hàng loạt dự án sân golf