Welcome
Để thương hiệu SABECO rơi vào tay đối tác: Lỗi tại ai?
Vì sao SABECO lại là của Singapore? Vì sao SATRACO - công ty con của SABECO lại chọn một đối tác mới tròn... 1 tháng tuổi để ký kết một hợp đồng "bán cả linh hồn" như vậy? Ai là người chịu trách nhiệm trước nguy cơ SABECO bị mất quyền thương hiệu?

SABECO là thương hiệu của quốc gia. Để thương hiệu rơi vào tay SABECO ASIA PACIFIC của Singapore một cách dễ dàng là một vấn đề mà lãnh đạo SABECO không dễ giải thích trước công luận. Sự phối hợp giữa các bộ phận, vai trò quản lý, điều hành của lãnh đạo Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) nằm ở đâu?

Không biết thông tin về đối tác chiến lược

Sau khi phát hiện SABECO ASIA PACIFIC sử dụng hình ảnh thương hiệu của mình trong con dấu, dễ gây hiểu nhầm đây là công ty sở hữu thương hiệu SABECO, ngày 14/07/2010, ông Nguyễn Bá Thi, Chủ tịch HĐQT của SABECO đã có công văn số 173/2010/CV-CTHĐQT yêu cầu Giám đốc điều hành marketing của SABECO (là ông Lê Hồng Xanh) và Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty SATRACO (ông Văn Thanh Liêm) báo cáo bằng văn bản và cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc hợp tác giữa SABECO, SATRACO với công ty SABECO ASIA PACIFIC, đồng thời gửi toàn bộ những thông tin liên quan đến công ty SABECO ASIA PACIFIC mà ông Xanh và ông Liêm có được.

Trong công văn ngày 16/07/2010 phúc đáp những yêu cầu của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bá Thi, ông Văn Thanh Liêm, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty SATRACO khẳng định: "Việc triển khai hợp đồng với SABECO ASIA PACIFIC được thực hiện giống như với các hợp đồng khác".


Trang web của SABECO ASIA PACIFIC với các thông tin
nghèo nàn (ảnh chụp màn hình)

"Công tác xây dựng thương hiệu sản phẩm tại các thị trường xuất khẩu thuộc ban Marketing, phía SATRACO chỉ làm công việc tìm kiếm khách hàng và bán hàng. Tất cả những vấn đề liên quan đến thương hiệu, SATRACO đều chuyển thông tin cho ban Marketing của SABECO để làm việc trực tiếp với khách hàng", ông Liêm nhấn mạnh.

Giám đốc điều hành marketing Lê Hồng Xanh cũng đã có công văn trả lời Chủ tịch HĐQT. Lúc này, những thông tin về lai lịch của SABECO ASIA PACIFIC mới được hé lộ...

Theo báo cáo giải trình của Giám đốc makerting Lê Hồng Xanh, Công ty SABECO ASIA PACIFIC được chọn là nhà phân phối khu vực châu Á - Thái Bình Dương của SATRACO. Công ty này ra đời khoảng tháng 11/2009.

Việc đăng ký tên công ty hoàn toàn do SABECO ASIA PACIFIC tự triển khai và theo pháp luật Singapore.

Thông thường ngay sau khi hợp đồng có hiệu lực, ban Marketing sẽ làm việc với khách hàng của SATRACO, tương tự với SABECO ASIA PACIFIC, về vấn đề marketing và thương hiệu.

Theo quy chế về quản lý hình ảnh và thương hiệu đã được tổng giám đốc SABECO phê duyệt, công ty SABECO ASIA PACIFIC được phép sử dụng logo của SABECO trong hệ thống hình ảnh, bảng hiệu theo quy chuẩn của SABECO.

Tuy nhiên, khi thấy SABECO ASIA PACIFIC sử dụng logo và tên công ty của SABECO Việt Nam trên con dấu, ban Marketing biết mà không có ý kiến, cũng không báo cáo gì.

Tổng giám đốc SABECO Nguyễn Quang Minh nhận định: "Trách nhiệm của ban Marketing là khi thấy tên đầy đủ và dấu của SABECO ASIA PACIFIC gần giống với SABECO đã không báo với HĐQT và tổng giám đốc".

Tuy nhiên, trong những văn bản mà chúng tôi có được, vào tháng 2/2010, chính ông Lê Hồng Xanh, giám đốc Marketing SABECO đã có văn bản gửi Tổng giám đốc đề nghị thực hiện việc đăng ký bảo hộ logo con rồng SABECO tại các nước đang xuất khẩu và có tiềm năng, đồng thời đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại các nước châu Á - Thái Bình Dương (với tổng kinh phí thực hiện dự kiến là 96.822 USD, chưa gồm 5% VAT).

Sau khi xem xét, đề nghị của ban Marketing, Tổng giám đốc Nguyễn Quang Minh đã có ý kiến chỉ đạo: "Ban Marketing cần xem lại, không phải cứ đề nghị gì là làm. Cần phân tích sơ bộ thị trường và có lộ trình đăng ký từng năm. Đừng làm cho có, gây lãng phí".

Theo chỉ đạo này, đến tháng 4/2010, ông Xanh đã có tờ trình đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho 21 nước châu Á - Thái Bình Dương và được Tổng giám đốc Nguyễn Quang Minh phê duyệt.

Như vậy, trong khi đối tác đã ký hợp đồng dài hạn với SATRACO (5 năm), và đối tác được độc quyền bán hàng, phân phối và cả marketing sản phẩm thì tổng giám đốc chỉ đồng ý bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm chứ không đăng ký bảo hộ thương hiệu, dẫn đến việc SABECO ASIA PACIFIC có thể tự do sử dụng logo thương hiệu của SABECO mà SABECO không thể can thiệp vào!

Lại nhắc lại bài học của Vinataba năm 2002: Nếu trước khi bị đánh cắp thương hiệu, Vinataba không đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Lào và Campuchia, thì có lẽ Vinataba sẽ khó có thể lấy lại thương hiệu của mình khi xảy ra tranh chấp.

Giải quyết không dễ dàng?

Ngày 18/8/2010, Chủ tịch HĐQT của SABECO đã có công văn (số 203/2010/CV-CTHĐQT) yêu cầu ban Marketing và SATRACO làm rõ trách nhiệm và đề xuất biện pháp xử lý liên quan đến công ty SABECO ASIA PACIFIC.

Ông Văn Thanh Liêm, Phó Tổng giám đốc SABECO - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc SATRACO nêu lại quan điểm của mình là SATRACO chỉ có trách nhiệm "tìm kiếm khách hàng và bán hàng"!?

Ông Liêm đề xuất cách giải quyết là SABECO phải nghiên cứu và xem xét đúng theo luật định của Việt Nam và quốc tế về bảo hộ thương hiệu để làm việc với SABECO ASIA PACIFIC một cách rõ ràng. SATRACO sẽ cùng với SABECO gặp gỡ và thảo luận với khách hàng để giải quyết sự việc.


Thương hiệu SABECO và con dấu dễ gây nhầm lẫn

Ông Lê Hồng Xanh, Giám đốc điều hành Marketing thừa nhận "trong thời gian qua SABECO ASIA PACIFIC đã sử dụng logo và tên công ty SABECO trên con dấu của công ty này. Việc sử dụng logo và tên SABECO trên con dấu của SABECO ASIA PACIFIC là không đúng quy định".

Vì thế, ông Xanh đề xuất công ty SATRACO phải yêu cầu khách hàng của mình sử dụng đúng theo quy định về quy chế sử dụng hình ảnh thương hiệu của SABECO, tạm thời không được sử dụng logo và tên công ty trên con dấu nếu chưa có sự đồng ý của chủ tịch HĐQT SABECO.

Mặt khác, công ty SATRACO cần cung cấp hệ thống nhận diện và các quy định sử dụng thương hiệu cho các khách hàng xuất khẩu khác để tránh tình trạng khách hàng hiểu nhầm, sử dụng sai quy định.

Đối với việc tên của nhà phân phối dễ gây nhầm lẫn thương hiệu với SABECO, SABECO nên chỉ định một công ty luật đứng ra trực tiếp thương lượng và đề xuất hướng giải quyết vấn đề này với SABECO ASIA PACIFIC.

Trong thời gian này, đề nghị trong các giao dịch phải sử dụng tên gọi SAIGON BEER ALCOHOL BEVERAGE CORPORATION (ASIA PACIFIC) PTE LTD (gọi tắt là SAP), không sử dụng cụm từ SABECO ASIA PACIFIC để tránh gây hiểu lầm.

Không biết việc triển khai các đề xuất này sẽ mang lại kết quả thế nào, nhưng rõ ràng đây là một bài học lớn cho SABECO về cách làm việc, cách quản lý, vai trò trách nhiệm của Tổng giám đốc SABECO, Phó Tổng giám đốc SABECO kiêm Chủ tịch HĐQT - Giám đốc SATRACO và Giám đốc makerting SABECO...

Đối tác vừa tròn ... 1 tháng tuổi!

Ký kết với SABECO ASIA PACIFIC một hợp đồng có thời hạn dài (5 năm) trên phạm vi phân phối độc quyền rất rộng (20 nước và vùng lãnh thổ) và ký kết một hợp đồng xuất khẩu có giá trị lớn (5 triệu USD cho một hợp đồng) có vẻ như là một sự ưu ái mà SATRACO dành cho SABECO ASIA PACIFIC (ở đây chưa bàn đến chuyện giá xuất khẩu có ưu ái hay không).

Thế nhưng, nhìn vào "lai lịch" của SABECO ASIA PACIFIC và nhìn vào việc SATRACO trao cho SABECO ASIA PACIFIC một trọng trách, không thể không đặt câu hỏi về sự ưu ái này.

Sử dụng Google để tìm kiếm các thông tin về SABECO ASIA PACIFIC (với từ khóa "SAIGON BEER ALCOHOL BEVERAGE CORPORATION (ASIA PACIFIC) PTE LTD") hoàn toàn không thể tìm được một thông tin nào (bằng tiếng Anh) về công ty này.

Nếu thêm một chữ Singapore vào phía sau cụm từ trên sẽ dẫn tới một webstie ghi đầy đủ các thông tin về SABECO ASIA PACIFIC như nước, thành phố, tên đường, tên tòa nhà, số phòng công ty tại trang chủ, ngoài ra không có thêm bất cứ thông tin nào.
16/12/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Quỹ đầu tư Nhật Bản mua 25% cổ phần của Nutifood
      Vòng tròn đã mở rộng
      Hàng hiệu nhiễm độc chất, hại ra sao?
      Chè Ba Vì chính thức có thương hiệu
      Muốn bán được hàng? Hãy xác định đúng sứ mệnh doanh nghiệp
      Kinh doanh sim số đẹp đến thời phá sản!
      Bí quyết ngăn ngừa nhân viên nhận tiền hoa hồng