Welcome
Từ đầu cơ thành lừa đảo
Trong thế giới đầu cơ có một nhà đầu cơ nhiều lần bị kết tội lừa đảo, bị gắn cho bản chất lưu manh, thành đạt nhanh chóng đến mức không thể ngờ được, nhưng rồi khuynh gia bại sản và chịu tai tiếng để đời vì không ý thức kịp thời được điểm dừng. Người đó chính là Charles Ponzi.

 
Charles Ponzi khởi nghiệp từ 2,5 USD rồi trở thành triệu phú, sống những tháng ngày vương giả và cuối cùng chỉ còn đúng 75 USD – đủ để thanh toán chí phí mai táng. Nhưng tên tuổi của Charles Ponzi được lưu danh hậu thế bởi gắn liền với một phương thức kinh doanh biểu tượng cho sự liều lĩnh và gian trá. Phát kiến của ông xóa nhòa ranh giới giữa đầu cơ và lừa đảo. Hậu thế nhắc đến ông với tư cách là kẻ lừa đảo nhiều hơn là nhà đầu cơ trứ danh.

Khát vọng đổi đời

Cho dù đã qua đời cách đây gần 60 năm, Charles Ponzi dường như vẫn ẩn hiện hàng ngày trên thị trường tài chính thế giới và trong thế giới đầu cơ. Kết cục bi thảm của Ponzi không còn là bí mật nhưng vẫn có không ít người lần theo lối thuở nào đã đưa đẩy Ponzi đến số phận ấy. Cái gọi là “Phương thức Ponzi” (Ponzi-Scheme) được khái quát nhằm răn đe và cảnh báo những ai muốn huy động tiền của người khác để làm giàu nhanh và liều, vậy mà vẫn được không ít hậu bối vận dụng. Ponzi và những người này có một điểm chung là muốn làm giàu bằng mọi giá, bất chấp thủ đoạn và pháp luật, được đến đâu hay đến đó.

Tình cảnh khó khăn từ thời trai trẻ đã đưa Ponzi đến với nhận thức, thậm chí một niềm tin mãnh liệt, là có tiền sẽ làm được tất cả. Quyền uy và ma lực của đồng tiền sẽ giúp Ponzi đổi đời. Carlos Ponzi là người Italia, sinh năm 1882 và mất năm 1949, sang Mỹ năm 1903 và đổi tên thành Charles Ponzi. Ponzi đổi tên không phải để che dấu gốc gác Italia của mình, mà để hạ quyết tâm đổi đời. “Tôi đến nước Mỹ với 2,5 USD tiền mặt và một triệu USD trong hy vọng. Số tiền mặt ấy biến mất rất nhanh, nhưng hy vọng ấy chưa khi nào rời xa tôi”, Ponzi sau này đã nói như vậy. Khát vọng đổi đời đã tạo động lực cho chàng trai trẻ này làm mọi việc để kiếm sống ở nước Mỹ, từ phụ bếp và rửa bát đĩa đến chạy bàn ở các hiệu ăn, chấp nhận ngủ luôn trên sàn nhà bếp để khỏi mất tiền thuê nhà và rất chịu khó học tiếng Anh vì biết rằng ở cái xứ ấy, dù có làm ăn lương thiện hay định lừa đảo thì cũng không thể sử dụng được tiếng mẹ đẻ.

Bốn năm sau, Ponzi bị đuổi việc vì tội dối trá trong sổ sách và hóa đơn chứng từ. Ponzi sang Canada làm thuê cho một ngân hàng và nếu hậu thế coi Charles Ponzi là ông tổ của phương thức lừa đảo đa cấp thì nguồn gốc chính là ở thời kỳ này và ở nơi này. Giám đốc ngân hàng ấy, ông Luigi Zarossi, hứa hẹn với những người Italia di cư sang Canada trả lãi 6% cho những khoản tiền gửi của họ trong khi mặt bằng lãi suất chung ở đó chỉ bằng một nửa. Ponzi học được ở Zarossi cách lấy tiền gửi của người sau trả lãi cho tiền gửi của người trước chứ chẳng có ngân hàng nào làm ăn chân chỉ hạt bột mà thu được lợi nhuận đến mức dám trả lãi suất như thế. Ngân hàng Zarossi sụp đổ và vị giám đốc này cuỗm hết tiền gửi của khách hàng chạy sang Mexico. Công bằng mà nói thì không phải Ponzi, mà chính Zarossi mới là ông tổ, mới là người phát minh ra cái gọi là phương thức lừa đảo đa cấp hay “hệ thống quả cầu tuyết”. Ponzi học được cách kinh doanh tín dụng đó, nhưng lại không rút ra được từ đó bài học thất bại của Zarossi. Khát vọng đổi đời xem ra đã làm lý trí của Ponzi bị vô hiệu hóa. Ponzi lại tay trắng và làm giả ngân phiếu 423 USD để có tiền trở lại nước Mỹ, nhưng bị phát hiện và bị phạt tù. Ba năm đếm lịch trong nhà lao không uổng phí đối với Ponzi. Ponzi kết thân với một trùm găng-xtơ Italia, dịch thư cho anh ta sang tiếng Italia và củng cố nhận thức rằng ở trên đời này có tiền thực sự mua tiên cũng được.

Sau khi ra tù, Ponzi kiếm sống bằng công việc bán những quyển danh bạ các công ty, nhưng cũng chẳng được bao lâu. Ponzi nảy ra ý tưởng cho ra đời một tạp chí chuyên về xuất khẩu và vô hình trung thâm nhập vào thế giới đầu cơ.

Đầu cơ trước, lừa đảo sau

Từ năm 1906, trên thế giới áp dụng cơ chế chuyển đổi phiếu bưu chính trả tiền trước (IRC). Chúng được bán ra ở nước này và có thể đổi thành tem thư ở nước khác. Bản thân chúng không phải là tiền, nhưng nếu bán tem thư đã được đổi ra ở nước khác đi thì lại có thể thu về được tiền. Một thương gia Tây Ban Nha đã gửi thư cùng với một phiếu bưu chính như thế cho Ponzi để hỏi về tạp chí xuất khẩu nói trên. Ponzi phát hiện ra rằng phiếu bưu chính ấy chỉ có giá 1 cent ở Tây Ban Nha, nhưng lại có thể đổi về được một tem thư giá 6 cent ở Mỹ. Sự chênh lệch đó chẳng khác gì tỷ giá hối đoái giữa các đồng tiền với nhau. Từ đó, Ponzi phát triển thành ý tưởng kinh doanh: mua IRC ở đâu rẻ và đem đến đổi thành tem ở nơi giá cao hơn, rồi bán tem thu tiền. Hợp lý và hợp pháp. Ponzi trở thành nhà đầu cơ IRC như thế. Hậu thế không ít kẻ đầu cơ vào tỷ giá hối đoái, còn Ponzi đầu cơ vào IRC. Ponzi phải lựa chọn như vậy vì làm gì có đủ tiền để đầu cơ vào tỷ giá hối đoái, vì phải gây dựng cơ nghiệp từ chuyện cò con chưa ai từng làm, vì phải tay không bắt giặc.

Ponzi đầu cơ vào tâm lý tham tiền của con người, đầu cơ vào bản tính liều lĩnh và lưu manh của chính mình

Điều kỳ lạ và không thể giải thích nổi là rất nhiều người tin vào cách kinh doanh của Ponzi, tin vào lời hứa của Ponzi rằng sẽ nhận được gấp đôi số tiền gửi trong vòng có 90 ngày, không để ý đến là Ponzi kiếm đâu ra nhiều IRC đến mức độ có thể trả được lãi suất cao như vậy trong thời gian ngắn như vậy. Thu về IRC, làm thủ tục chuyển đổi thành tem thư, rồi lại phải bán tem thư thu tiền – đâu có phải chuyện ngày một ngày hai là xong, đâu có nhẹ nhàng và một mình Ponzi làm nổi, kể cả khi Ponzi thành lập công ty Securities Exchange Company vào năm 1919. Vậy mà vẫn có hơn 40.000 người vẫn giao cho Ponzi 15 triệu USD – tương đương với 150 triệu USD bây giờ. Ponzi không chỉ đầu cơ vào IRC, mà trước hết đầu cơ vào tâm lý tham tiền của con người, đầu cơ vào bản tính liều lĩnh và lưu manh của chính mình, bởi suy cho cùng thì Ponzi đâu có cái gì để mất. Nhà tù chẳng phải đã quá quen thuộc đối với Ponzi hay sao. Ponzi không phải không biết điểm dừng mà không muốn dừng. Từ đầu cơ IRC, Ponzi trở thành kẻ lừa đảo khi chỉ còn tập trung huy động tiền của kẻ khác để trả lãi như đã hứa cho người góp tiền trước. Giống như Zarossi ở Canada.

Đổ bể là chuyện không tránh khỏi khi chỉ một người gửi tiền muốn rút vốn về mà Ponzi không trả được. Báo chí đưa tin, pháp luật nhòm đến, khách hàng phẫn nộ và toàn bộ hệ thống kinh doanh của Ponzi bị đổ sụp như ngôi nhà dựng bằng các con bài. Khi bị bắt để rồi bị kết án 5 năm tù, người ta chỉ thu về được có 1,5 triệu USD và ở sổ sách chỉ có 27.000 IRC trong khi lẽ ra phải có tới 160 triệu IRC. Sau khi ra tù, Ponzi đến Florida và có mưu đồ tương tự với bất động sản, nhưng rồi cũng bị phát hiện và lại vào tù, rồi bị đẩy về Italia. Nhà độc tài Italia Mussolini ngưỡng mộ và tin tưởng Ponzi, giao cho Ponzi quản lý chi nhánh một ngân hàng Italia ở Brazil. Thế chiến thứ hai làm Ponzi trở thành kẻ thất nghiệp, phải dạy tiếng Anh để kiếm sống, bị tai biến mạch máu não khiến gần như mù lòa và liệt nửa người, chết trong một bệnh viện dành cho người nghèo ở Rio de Janeiro. Hậu vận thật bi thảm, nhưng ít nhất thì Ponzi cũng thực hiện được khát vọng cuộc đời và lưu danh ở hậu thế. Ponzi trở thành nhà đầu cơ trứ danh vì đã dùng chính cuộc đời mình để chứng minh rằng, đối với nhà đầu cơ, chẳng có luật lệ nào của nhà nước mà không thể không lách được và chẳng có lý trí nào không thể không bị ru ngủ.

13/09/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Energizer – Mang lại sức sống cho các thiết bị điện tử
      Chính quyền có thể kiện doanh nghiệp?
      200 thương hiệu nhận giải thưởng Sao Vàng đất Việt 2010
      Ba mô hình xây dựng chiến lược
      Sẽ triển khai bán chứng khoán T+2 như thế nào?
      Kỹ năng lập kế hoạch dự án mini
      Quảng cáo và phái đẹp